Lập cơ sở dưỡng lão tại Việt Nam

0
405

SB Law hỗ trợ cho Khách Hàng trong việc đưa ra ý kiến tư vấn pháp lý làm rõ một số vấn đề pháp lý về việc cấp phép thành lập và hoạt động cơ sở dưỡng lão tại Hà Nội.

Vì vậy, chúng tôi xin được gửi đến Quý Khách hàng Bản Ý kiến Tư vấn Pháp lý như sau:

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật người cao tuổi số 39/2009/QH12 ngày 23/11/2009 (sau đây được gọi là “Luật người cao tuổi”);

-Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập,tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý cơ sở trợ giúp xã hội (sau đây được gọi là “Nghị định 103/2017/NĐ-CP”);

– Nghị định 140/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (sau đây được gọi là “Nghị định 140/2018/NĐ-CP”);

– Các văn bản pháp luật liên quan khác.

II. Ý KIẾN PHÁP LÝ

Việc cấp phép thành lập và hoạt động cơ sở dưỡng lão được thực hiện theo trình tự, thủ tục đăng ký thành lập, cấp phép hoạt động cơ sở trợ giúp xã hội (sau đây được gọi là “Cơ sở”) được quy định tại Nghị định 103/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 140/2018/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

1.1.      Trình tự, thủ tục đăng ký thành lập Cơ sở

1.1.1.   Điều kiện đăng ký thành lập Cơ sở

Để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập Cơ sở, Khách hàng cần lưu ý điều kiện sau:

Thứ nhất, về tên cơ sở. Cơ sở có tên gọi bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, biểu tượng riêng (nếu có). Tên và biểu tượng của cơ sở phải đáp ứng các điều kiện: (i). Không trùng lắp hoặc gây nhầm lẫn với tên hoặc biểu tượng của cơ sở khác đã được đăng ký trước đó; (ii). không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc[1].

Thứ hai, có hồ sơ đăng ký thành lập hợp lệ theo quy định của pháp luật như được nêu dưới đây.

1.1.2.   Hồ sơ đăng ký thành lập

Tờ khai đăng ký thành lập theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 103/2017/NĐ-CP;

Phương án thành lập cơ sở;

Dự thảo Quy chế hoạt động của cơ sở theo Mẫu số 03b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 103/2017/NĐ-CP;

Bản sao có chứng thực đối với giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc hợp đồng cho thuê, mượn đất đai, cơ sở vật chất và tài sản gắn liền với đất phục vụ cho hoạt động của cơ sở;

Phiếu lý lịch tư pháp của các sáng lập viên;

Bản sao các giấy tờ sau đây:

– Thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân. Đối với sáng lập viên là cá nhân nước ngoài, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các sáng lập viên;

– Quyết định thành lập hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của tổ chức.

Đối với sáng lập viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao quyết định thành lập hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự.[1]

1.1.3.   Cơ quan có thẩm quyền cấp phép

Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 103/2017/NĐ-CP, việc xác định cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép phụ thuộc vào phạm vi hoạt động dự kiến của Cơ sở, cụ thể:

Trường hợp đăng ký thành lập cơ sở hoạt động trên phạm vi liên tỉnh hoặc liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi Cơ sở đặt trụ sở chính có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập.

Trường hợp đăng ký thành lập cơ sở hoạt động trên phạm vi cấp huyện, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi Cơ sở đặt trụ sở chính có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập.

1.1.4.   Trình tự, thời gian thực hiện

Khách hàng nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đề nghị đăng ký thành lập đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập có trách nhiệm xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập đối với Cơ sở đăng ký thành lập mới. Trường hợp cơ sở đề nghị không đủ điều kiện theo quy định thì cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập có thông báo rõ lý do bằng văn bản.[2]

1.2.      Trình tự, thủ cấp phép hoạt động Cơ sở

1.2.1.   Điều kiện đăng ký thành lập Cơ sở

Để được cấp Giấy phép hoạt động của Cơ sở, căn cứ quy định tại Điều 26 Nghị định 103/2017/NĐ-CP, Khách hàng cần lưu ý các điều kiện sau:

Thứ nhất, Cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập theo trình tự, thủ tục nêu trên.

Thứ hai, Người đứng đầu cơ sở phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích.

Thứ ba, có nhân viên trực tiếp tư vấn, chăm sóc người cao tuổi.

Thứ tư, về cơ sở vật chất và nhân lực:

  • Cơ sở phải đặt tại địa điểm thuận tiện về tiếp cận giao thông, trường học, bệnh viện, không khí trong lành có lợi cho sức khỏe của đối tượng; có điện, nước sạch phục vụ cho sinh hoạt. Cơ sở phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất sau:
  • Diện tích đất tự nhiên: Bình quân 30 m2/đối tượng ở khu vực nông thôn, 10 m2/đối tượng ở khu vực thành thị.
  • Diện tích phòng ở của đối tượng bình quân tối thiểu 6 m2/đối tượng. Đối với đối tượng phải chăm sóc 24/24 giờ một ngày, diện tích phòng ở bình quân tối thiểu 8 m2/đối tượng. Phòng ở phải được trang bị đồ dùng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của đối tượng.
  • Cơ sở phải có khu nhà ở, khu nhà bếp, khu làm việc của cán bộ nhân viên, khu vui chơi giải trí, hệ thống cấp, thoát nước, điện, đường đi nội bộ; khu sản xuất và lao động trị liệu (nếu có điều kiện).
  • Các công trình, các trang thiết bị phải bảo đảm cho người cao tuổi tiếp cận và sử dụng thuận tiện.
  • Về nhân lực, nhân viên Cơ sở phải đáp ứng các điều kiện sau:
  • – Có sức khỏe để thực hiện trợ giúp xã hội đối tượng;
  • – Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  • – Có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích;
  • Có kỹ năng để trợ giúp xã hội đối tượng.

Đội ngũ nhân viên trợ giúp xã hội bảo đảm đủ về số lượng, trình độ chuyên môn đạt tiêu chuẩn phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ của cơ sở.

1.2.2.   Hồ sơ cấp phép hoạt động

Tờ khai đề nghị cấp giấy phép hoạt động của cơ sở theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 103/2017/NĐ-CP;

Bản photocopy giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở.

1.2.3.   Cơ quan có thẩm quyền cấp phép

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi Cơ sở đặt trụ sở chính có thẩm quyền cấp phép hoạt động đối với Cơ sở do Sở cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập.

Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi Cơ sở đặt trụ sở chính có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động đối với Cơ sở do Phòng cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập.

1.2.4.   Trình tự, thời gian thực hiện

Trường hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có thẩm quyền cấp phép hoạt động:

Cơ sở nộp 1 bộ hồ sơ cấp phép gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định các điều kiện để cấp giấp phép hoạt động trong thời hạn 10 ngày làm việc;

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả thẩm định, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm cấp giấy phép hoạt động.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày cơ sở được cấp giấy phép hoạt động, giám đốc cơ sở có trách nhiệm ban hành và công bố, niêm yết công khai Quy chế hoạt động và Quy chế chi tiêu tại cơ sở

Trường hợp Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có thẩm quyền cấp phép hoạt động:

Cơ sở nộp 01 bộ hồ sơ cấp phép gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội;

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm cấp giấy phép hoạt động. Trường hợp không đồng ý thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày cơ sở được cấp giấy phép hoạt động, giám đốc cơ sở có trách nhiệm ban hành và công bố, niêm yết công khai Quy chế hoạt động và Quy chế chi tiêu tại cơ sở.