Lập và đánh giá hồ sơ thầu, bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp

0
665

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những giải đáp về việc lập và đánh giá hồ sơ thầu trong chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” trên VTV2. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Bản án số 07/2018/KDTM-PT Tỉnh Bà rịa Vũng tàu

8h ngày 17/10/2017, Nguyên đơn – Công ty xây dựng Đ nộp hồ sơ dự thầu để tham gia đấu thầu 2 gói thầu: PK1A và PK1B do Công ty cảng hàng không T là bên mời thầu.

Ngày 28/10/2017, Công  ty Đ nhận được công văn số 113 và 114 do công ty T gửi thông báo danh sách các nhà thầu đáp ứng được yêu cầu về mặt kỹ thuật của 2 gói thầu trên. Tuy nhiên 2 danh sách này không có tên của công ty Đ. Hồ sơ của công ty Đ bị loại với lý do không đáp ứng được yêu cầu về mặt kỹ thuật.

Do vậy, ngày 29-10-2017, Công ty Đ đã gửi công văn yêu cầu Công ty T phải trả lời rõ lý do hồ sơ dự thầu của Công ty Đ không đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật đối với cả 02 gói cụ thể như thế nào. Tuy nhiên không nhận được sự phản hồi của công ty T.

Xét thấy, quyền lợi của mình bị xâm phạm, nên Công ty Đ khởi kiện Công ty T với yêu cầu:

-Buộc Công  ty  T phải công nhận: Công  ty xây dựng Đ là một trong các các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật cả hai gói thầu trên.

-Buộc Công ty T phải tiếp tục mở túi hồ sơ tài chính của Công ty Đ và xem xét kết quả đấu thầu theo quy định của Luật đấu thầu.

Tại tòa, công ty T trình bày: Hồ sơ ban đầu của Công ty Đ đầy đủ, tuy nhiên tại thời điểm xem xét điều kiện về năng lực kỹ thuật, về năng lực tài chính thì thấy rằng công ty không đạt yêu cầu cụ thể như sau:

 Thứ nhất, Công ty Đ đã bị khởi kiện bởi nhiều nhà thầu phụ do không thực hiện việc thanh toán đầy đủ và đúng hạn. Thứ hai, nhiều cán bộ lãnh đạo của Công ty Đ hiện đang bị khởi tố, điều tra và xét xử về các hành vi đưa, nhận hối lộ, thông thầu. Thứ ba, Công ty Đ đã nhiều lần bị nhắc nhở về chậm hoàn thành tiến độ thi công cũng như thiếu năng lực và kỷ luật với nhiều gói thầu  mình  phụ trách; Thứ tư, Báo cáo tài chính năm 2016 của Công ty Đ còn nhiều điểm nghi vấn, không rõ ràng; Nên, Công ty T không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Đ.

Bản án sơ thẩm số 08/2018/KDTM-ST ngày 12-02-2018 của Tòa án nhân dân huyện T đã tuyên xử: Chấp  nhận yêu  cầu khởi kiện  của Công  ty Đ khởi kiện Công  ty T về việc“Tranh chấp đấu thầu dịch vụ”; Công nhận Công ty Đ là nhà thầu đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật 2 gói thầu do Công ty T làm chủ đầu tư; Buộc Công ty T phải mở túi hồ sơ đề xuất về tài chính của Công ty Đ đã nộp.

Ngày 26-02-2018, Công ty T nộp đơn kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm để xét xử lại theo quy định.

Tại phiên tòa phúc thẩm tòa án nhận định:

-Theo quy định của pháp luật đấu thầu thì bên mời thầu phải căn cứ vào hồ sơ mời thầu để đánh giá, lựa chọn nhà thầu. Công  ty  T đánh trượt Công ty Đ vì hai tiêu chí về năng lực tài chính và kinh nghiệm, nhưng đối chiếu với tiêu chí mời thầu thì đánh giá này là sai. Vì các văn bản của các đối tác chỉ là nhắc nhở công ty Đ về tiến độ nên không có giá trị pháp lý khẳng định công ty Đ không có năng lực.

Còn việc công ty T cho rằng báo cáo tài chính của Công ty Đ không rõ ràng nhưng không có gì chứng minh, trong khi đó Báo cáo tài chính một năm trước khi dự thầu là năm 2016 có kết quả là dương, đúng với yêu cầu của bên mời thầu.

 Các tiêu chí khác như chậm thanh toán cho các nhà thầu phụ, hay nhiều cán bộ bị kỷ luật mà công ty T đưa ra không nằm trong tiêu chí mời thầu. Đối với yêu cầu mở túi hồ sơ đề xuất tài chính của Công ty Đ thì nay không  còn đảm bảo về tính bảo mật nên không thể tuyên như Bản án sơ thẩm mà Công  ty  T phải chịu trách nhiệm thực hiện các giai đoạn tiếp theo, theo quy định của Luật đấu thầu.

Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử sửa một phần Bản án sơ thẩm theo hướng công nhận Công ty Đ là nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đối với hai gói thầu; Công ty T có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các quy định của pháp luật về đấu thầu đối với hồ sơ dự thầu của Công ty Đ.

PV hỏi: Vâng vụ tranh chấp ở trên liên quan trực tiếp đến việc đánh giá hồ sơ thầu giữa bên mời thầu và bên dự thầu. Đầu tiên xin được hỏi Luật sư Hà, việc công ty T từ chối trả lời lý do loại hồ sơ thầu của công ty Đ thì có vi phạm quy định của Luật đấu thầu hay không thưa ông?

Luật sư trả lời: Việc Công ty T từ chối trả lời lý do loại hồ sơ thầu của công ty Đ trong trường hợp này là trái với quy định của Luật đấu thầu. Vì:

Căn cứ khoản 1 Điều 92 Luật đấu thầu 2013 quy định về quy trình giải quyết kiến nghị về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu như sau:

a) Nhà thầu được gửi văn bản kiến nghị đến chủ đầu tư đối với dự án; bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung từ khi xảy ra sự việc đến trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu;

b) Chủ đầu tư, bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu;…”

Như vậy, trong trường hợp này, phía Công ty Đ đã gửi công văn yêu cầu Công ty T phải trả lời rõ lý do hồ sơ dự thầu của Công ty Đ không đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật chỉ 1 ngày sau khi nhận được thông tin, hoàn toàn phù hợp về thời gian theo quy định pháp luật. Do đó, phía Công ty T cũng phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến Công ty Đ trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị, tuy nhiên, thực tế Công ty Đ không nhận được bất cứ văn bản phản hồi nào của Công ty T.

PV hỏi: Vậy còn lý do Công ty Đ đã nhiều lần bị nhắc nhở về chậm hoàn thành tiến độ thi công cũng như thiếu năng lực và kỷ luật với nhiều gói thầu  mình  phụ trách, đây có phải là lý do có thể đưa vào làm tiêu chí để đánh giá hồ sơ thầu không thưa ông Hà?

Luật sư trả lời: Theo quy định của pháp luật đấu thầu thì bên mời thầu phải căn cứ vào hồ sơ mời thầu để đánh giá, lựa chọn nhà thầu. Theo đó, khoản 1 Điều 15 Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu cũng đã nêu rõ: “Việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.”

Vì vậy, Công ty T phải thực hiện việc đánh giá hồ sơ dự thầu theo các tiêu chí nêu ra trong hồ sơ mời thầu. Những tiêu chí về việc chậm hoàn thành tiến độ thi công hay thiếu năng lực, kỷ luật với các gói thầu mình phụ trách nếu không được quy định trong hồ sơ mời thầu thì Công ty T không thể dựa vào đó để đánh giá và loại công ty Đ được.

PV hỏi: Vậy từ những tình tiết chúng ta vừa phân tích ở trên, trong trường hợp Công ty T nghi ngờ và không tin tưởng vào năng lực của công ty Đ thì họ chỉ có thể dựa vào những yếu tố hoặc điều kiện như thế nào để có thể loại hồ sơ của công ty Đ mà không vướng vào tranh chấp pháp lý thưa ông Hà?

Luật sư trả lời: Bất cứ sự nghi ngờ nào cũng cần phải có cơ sở, bằng chứng, tránh lối tư duy cảm tính vì điều đó sẽ thiếu đi tính công bằng, minh bạch, gây cản trở việc tham gia đấu thầu của bên dự thầu.

Để tránh những tranh chấp pháp lý không đáng có thì Công ty T cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trong việc xây dựng các tiêu chuẩn để đánh giá hồ sơ dự thầu và thể hiện những điều này rõ ràng trong các tài liệu mời thầu. Đây sẽ là căn cứ xác đáng cho việc loại hồ sơ của những công ty yếu kém về năng lực.

Bên cạnh đó, Điều 16 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP có quy định nhà thầu có trách nhiệm làm rõ hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của bên mời thầu. Trường hợp hồ sơ dự thầu của nhà thầu thiếu tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu để chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm ….”.

Do đó, trong trường hợp Công ty T nghi ngờ năng lực của Công ty Đ hoặc xét thấy thiếu tài liệu thì có thể yêu cầu Công ty Đ cung cấp thêm các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của mình.

PV hỏi: Thưa ông Hà, theo quy định hiện nay thì khi đánh giá hồ sơ thầu các chủ đầu tư, chủ dự án cần đánh giá hồ sơ dự thầu theo những phương pháp như thế nào thưa ông?

Luật sư trả lời: Tùy vào tính chất của từng gói thầu mà chủ dự án sẽ áp dụng các phương pháp khác nhau để đánh giá. Theo quy định tại Điều 39 và Điều 40 Luật đấu thầu hiện hành, có các phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu như sau:

– Đối với hồ sơ dự thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp sẽ có các phương pháp: Phương pháp giá thấp nhất; Phương pháp giá đánh giá; Phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá. Căn cứ trên sản phẩm, dịch vụ mà chủ đầu tư đang cần đấu thầu, dựa vào tinh chất, độ phức tạp của từng gói thầu mà chủ đầu tư sẽ áp dụng các phương pháp đánh giá khác nhau.

– Đối với hồ sơ dự thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn sẽ có các phương pháp:

  • Đối với nhà thầu tư vấn là tổ chức thì áp dụng các phương pháp: Phương pháp giá thấp nhất; Phương pháp giá cố định; Phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá; Phương pháp dựa trên kỹ thuật.
  • Đối với nhà thầu tư vấn là cá nhân sẽ được đánh giá dựa trên hồ sơ lý lịch khoa học và đánh giá kỹ thuật.

PV hỏi: Có một tiêu chí nữa dù không bắt buộc nhưng tùy từng gói thầu mà có thể đưa vào đó là tiêu chí: Kiện tụng đang giải quyết. Thưa ông Hà, ông có thể đưa ra khuyến nghị gì cho doanh nghiệp khi làm hồ sơ thầu liên quan đến tiêu chí này?

Luật sư trả lời: Tiêu chí: “Kiện tụng đang giải quyết” tuy không phải là một tiêu chí bắt buộc, tuy nhiên, tiêu chí này có thể gây ảnh hưởng đến khả năng trúng thầu của của doanh nghiệp, tùy thuộc vào tiêu chí chấm thầu của chủ đầu tư.

Theo đó, nhà thầu phải kê khai tất cả những vụ kiện tụng mà nhà thầu đang tham gia giải quyết tại Tòa án, Trọng tài hoặc một cơ quan tài phán khác. Để giảm thiểu rủi ro cho bên mời thầu trong khâu đánh giá về năng lực và những nguy cơ ảnh hưởng đến năng lực thực hiện gói thầu của nhà thầu, thì những vụ kiện tụng đó luôn được bên mời thầu giả định là có kết quả giải quyết bất lợi cho nhà thầu; và bên mời thầu vẫn chấp nhận rủi ro này nếu tổng chi phí liên quan đến (các) vụ kiện đó không vượt quá một tỷ lệ % nhất định (từ khoảng 50% đến 100%) giá trị tài sản ròng của nhà thầu.

Nếu tổng chi phí liên quan đến (các) vụ kiện tụng vượt quá tỷ lệ mà bên mời thầu có thể chấp nhận, thì nhà thầu sẽ bị đánh giá là không đạt yêu cầu này. Tiêu chí này được đặt ra để đảm bảo (các) vụ kiện mà nhà thầu đang theo đuổi sẽ không gây ảnh hưởng bất lợi đến năng lực của nhà thầu (đặc biệt là năng lực tài chính) khi thực hiện gói thầu mà chủ đầu tư đang xét, kể cả trong trường hợp nhà thầu thua (các) vụ kiện đó. Tiêu chí này không hoàn toàn là tiêu chí đánh giá uy tín của nhà thầu như 2 tiêu chí trên, mà là tiêu chí để đánh giá năng lực tài chính của nhà thầu.

Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro và có khả năng trúng thầu cao nhất, khi chuẩn bị Hồ sơ mời thầu, doanh nghiệp cần tìm hiểu thật rõ tiêu chí lựa chọn nhà thầu mà chủ đầu tư đặt ra cho dự án của mình.

PV hỏi: Cuối cùng để có một hồ sơ thầu tốt có tính cạnh tranh cao, thì mỗi doanh nghiệp cần chú trọng vào những yếu tố nào?

Luật sư trả lời: Theo tôi có những yếu tố mà doanh nghiệp thường lơ là, không chú trọng khi xây dựng hồ sơ thầu, gây ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của hồ sơ, có thể kể đến yếu tố: hình thức và cách trình bày nội dung của hồ sơ thầu. Hồ sơ thầu nên có hình thức gọn gàng, sáng sủa, có tính thẩm mỹ để gây thiện cảm với chủ đầu tư trong quá trình chấm thầu. Nội dung, số liệu đưa ra cần chính xác, ngắn gọn, đúng và đủ ý sao cho chủ đầu tư có thể nắm các thông tin nhanh nhất có thể. Ngoài ra, cần lưu ý tránh các lỗi chính tả, lỗi câu, lỗi số học trong hồ sơ thầu. Cần kiểm tra kỹ lưỡng từ khâu soạn thảo văn bản, dàn trang, in ấn, xét duyệt, đóng gói và niêm phong hồ sơ dự thầu.