Lệnh cấm đưa ong ngoại vào địa bàn của Hà Giang là trái luật

0
512

Việc lãnh đạo tỉnh Hà Giang tuyên bố cấm và Sở NNPTNT tỉnh Hà Giang ra văn bản không cho phép các chủ nuôi ong đưa ong ngoại vào địa bàn tỉnh này lấy mật là đi ngược thông tư hướng dẫn.

Dưới góc nhìn của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), trao đổi với phóng viên NTNN, thạc sĩ, luật sư Nguyễn Thanh Hà -Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, Hà Nội) cho biết, quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 123 của Luật SHTT. Căn cứ quy định này thì UBND tỉnh Hà Giang có quyền: Cho phép, ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định; định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước trao quyền sử dụng, quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền: Trao quyền, ngăn cấm người khác sử dụng, quyền quản lý chỉ dẫn địa lý đó theo quy định.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, trong các quyền nêu trên, quyền của chủ sở hữu là cần chống lại hành vi vi phạm và đảm bảo chất lượng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý là rất quan trọng. Cụ thể ở đây, nếu những người nuôi ong ở Hà Giang mà lấy ong từ khu vực khác, sau đó lấy mật và dán nhãn Mật ong bạc hà Mèo Vạc là hành vi vi phạm pháp luật; còn nếu họ không dùng tên gọi này mà dùng một tên gọi khác và tên gọi này họ cũng đăng ký thì không vi phạm.

Trả lời câu hỏi về giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Mật ong bạc hà Mèo Vạc do Cục SHTT cấp có được xem là căn cứ để UBND tỉnh Hà Giang cấm tổ chức, cá nhân ở tỉnh khác đưa ong đến nuôi, luật sư Nguyễn Thanh Hà phân tích: Việc Cục SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc cho UBND tỉnh Hà Giang thì có nghĩa UBND tỉnh Hà Giang là chủ sở hữu cho chỉ dẫn địa lý này.

Theo quy định, những người nuôi ong lấy mật ở khu vực địa lý mà chỉ dẫn địa lý đăng ký, tự nguyện tham gia và ký cam kết cùng sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm thì sẽ bị ràng buộc về việc sử dụng mẫu chỉ dẫn địa lý, tuân thủ quy trình sản xuất từ giống ong, cách lấy mật theo đúng bảng mô tả mà UBND tỉnh đã làm hồ sơ nộp cho Cục  SHTT. Còn những cá nhân và tổ chức khác, không phải là thành viên trong hiệp hội sử dụng chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc thì sẽ không bị ràng buộc bởi những quy định của hiệp hội.

Ngoài ra, theo danh mục giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam (ban hành kèm theo Thông tư số 25/2015 của Bộ NNPTNT) thì các giống ong nội, các giống ong Ý và các tổ hợp lai của các giống ong trên thuộc giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Do đó, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, việc chính quyền Hà Giang cấm các tổ chức và cá nhân ở tỉnh khác đưa ong đến nuôi là trái luật.