Luật Điện ảnh (sửa đổi) – bài toán về quản lý phim trên không gian mạng

0
670

Phim trên không gian mạng có một khối lượng vô cùng lớn hướng tới thỏa mãn nhu cầu đa dạng của người xem khác nhau nhưng không phải phim nào cũng có giá trị nhân văn. Do đó, đặt ra vấn đề rằng có cần quản lý phim trên không gian mạng không? ai là người chịu trách nhiệm chính trong quản lý, quản lý như thế nào, quản lý trên cơ sở pháp lý nào? Những vấn đề trên sẽ được Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law giải đáp trong Chương trình Bạn Và Pháp Luật. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu 1: Sau 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là việc thiếu hụt điều khoản quản lý phim trên không gian mạng. Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này được nghiên cứu, soạn thảo theo đúng trình tự, kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 1 số điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. Cụ thể ở dự thảo này có những điểm nào là mới, thưa luật sư?

Luật sư trả lời:

So với Luật Điện ảnh năm 2006, Dự thảo Lần 3 Luật Điện ảnh (sửa đổi) có một số điểm mới như: Quy định về nguyên tắc của hoạt động điện ảnh, về vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội – nghề nghiệp lĩnh vực điện ảnh, mở rộng đối tượng được nhập khẩu phim, quy định việc phổ biến phim trên hệ thống truyền hình, việc phổ biến phim trên không gian mạng, … cùng nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cũng dự kiến bãi bỏ một số nội dung tại Luật hiện hành không còn phù hợp.

Câu 2: Theo đánh giá của luật sư, so với sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà trong những năm gần đây thì Luật Điện ảnh hiện nay đang tồn tại những bất cập gì?

Luật sư trả lời:

Các quy định của Luật chưa thể hiện đầy đủ, chưa theo kịp tính chất đặc thù của hoạt động điện ảnh; vấn đề khai thác, phổ biến phim trên môi trường internet, xem phim trên các thiết bị di động cá nhân là những nội dung mới chưa được đề cập đầy đủ. Luật Điện ảnh chưa quy định cơ chế phối hợp giữa ngành điện ảnh với các ngành khác như truyền hình, du lịch, tài chính, thông tin truyền thông nên chưa phát huy được thế mạnh của điện ảnh. Một số chính sách của nhà nước về phát triển điện ảnh chưa được cụ thể hóa và thực thi nghiêm túc nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điện ảnh nói chung và chưa đủ sức thu hút các hãng phim nước ngoài vào hợp tác làm phim tại Việt Nam…

Sự bối rối của các đơn vị quản lý, những xử lý còn manh mún, vụn vặt chạy theo từng sự vụ như vẫn thấy lâu nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Rõ ràng chúng ta đang đi sau thực tế, mà thực tế đó đang trực tiếp gây ra không ít hệ lụy đối với nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của người dân. “Thượng vàng, hạ cám” những sản phẩm được gọi là phim đang đua chen phát hành trên nhiều nền tảng mạng mà không phải chịu một sự kiểm duyệt nào như đối với các phim chiếu rạp hay phim truyền hình.

Không ít cá nhân, tổ chức đã lợi dụng điều này, liên tiếp sản xuất và tung lên môi trường mạng sản phẩm phi nghệ thuật, nội dung phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục, vi phạm các nguyên tắc đạo đức, văn hóa, thậm chí vi phạm pháp luật nhằm thu hút sự tò mò của khán giả. Một số phim điện ảnh khi đưa lên chiếu trên mạng vẫn để nguyên những phân đoạn đã bị hội đồng kiểm duyệt cắt bỏ trước đó. Có phim vi phạm quy định về quảng cáo rượu bia. Chưa kể sự thoải mái vô tư khi lồng ghép các đoạn quảng cáo trong phim để thu lợi nhuận. Và vì chưa có quy định cụ thể trong kiểm duyệt, nên rất ít phim chiếu trên mạng thực hiện phân loại khán giả, dán nhãn các lứa tuổi phù hợp, dẫn tới sự nhộn nhạo, hỗn loạn trên môi trường mạng mà khán giả chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Câu 3: Một trong những vấn đề cần được xem xét, điều chỉnh lần này là lĩnh vực quản lý phim chiếu trên không gian mạng. Nếu như trước đây, trong khi phim chiếu rạp thì chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của Cục Điện ảnh, phim trên mạng lại bị bỏ ngỏ, không chịu sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan nào thì nay điều này đã được đưa vào dự thảo. Điều này liệu có tác động mạnh đến các nhà làm phim, sản xuất và kinh doanh phim không, thưa luật sư?

Luật sư trả lời:

Việc Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã đưa việc quản lý phim trên mạng sẽ khiến các nhà làm phim, sản xuất phim phải chú ý đến chất lượng các bộ phim của họ, việc các bộ phim phải đạt điều kiện góp phần giúp cho môi trường mạng nói chung và môi trường phim ảnh trên mạng nói riêng được cải thiện.

Bên cạnh đó, còn nâng cao ý thức tìm hiểu pháp luật cho các nhà làm phim, nhà sản xuất phim để có thể tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm môi trường phim ảnh là một môi trường lành mạnh.

Câu 4: Trong Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) có nội dung liên quan đến “Phổ biến phim trên không gian mạng” được quy định tại Điều 21. Trong đó đưa ra 2 phương án quản lý hình thức phổ biến phim trên không gian mạng là Tiền kiểm và Hậu kiểm. Theo luật sư, đâu là phương án phù hợp hơn và khả thi đối với phim chiếu trên không gian mạng?

Luật sư trả lời:

Để xác định sử dụng phương án “hậu kiểm” hay “tiền kiểm” mới là tốt hơn cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố hơn chỉ là xem xét về ưu hay nhược điểm của chính từng phương thức kiểm duyệt phim.

Đối với phương án hậu kiểm, được các nhà sáng tạo hết sức hoan nghênh và đặc biệt là đối với số lượng phim phổ biến trên không gian mạng là khổng lồ, đay là phương án phù hợp hơn để kiểm duyệt phim phổ biến trên mạng. Nhưng để phương án này phát huy được ưu điểm của mình, cần có cơ sở quy định rõ ràng, cụ thể để các chủ thể liên quan có cơ sở rõ ràng để tự tiến hành phân loại, duyệt phim, tránh việc có những quy định có nhiều cách hiểu khác nhau, gây ra mâu thuẫn giữa chủ thể duyệt phim và cơ quan có thẩm quyền kiểm tra trong việc hiểu luật và áp dụng luật.

Ngoài ra, cũng cần có quy định nếu áp dụng phương pháp “hậu kiểm” thì cần có quy định về việc hậu kiểm như thế nào? trách nhiệm thuộc về ai, cơ quan nào? thời gian cụ thể như thế nào? Như vậy, những quy định pháp luật đi kèm cần rất sáng tỏ để tránh trường hợp nhà làm phim đã phổ biến phim trên mạng, bị kiểm tra rồi phải thu hồi phim, cắt sửa lại và bị phạt chỉ vì do có sự mù mờ của những tiêu chuẩn, hướng dẫn pháp luật.

Câu 5: Nếu phương án quản lý phim trên mạng là hậu kiểm, thì như vậy là trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho nhà phát hành phim. Liệu rằng, vai trò của Nhà nước, của các cơ quan quản lý ở đây có bị mờ nhạt đi không, thưa ông?

Luật sư trả lời:

Việc sử dụng phương pháp hậu kiểm sẽ đặt trách nhiệm lên các nhà làm phim đối với phim của mình, làm giảm đi thủ tục hành chính cho các nhà làm phim, nhưng không hề loại bỏ vai trò của cơ quan Nhà nước. Cơ quan Nhà nước dù là đối với phương án hậu kiểm hay tiền kiểm, đều đóng vai trò giám sát. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, cần có quy định rõ ràng về cơ chế hậu kiểm. Nếu là hậu kiểm thì hậu kiểm như thế nào? Do ai, cơ quan nào có thẩm quyền? Khi nào thì tiến hành việc hậu kiểm?

Câu 6: Đã có những ý kiến đề xuất thêm phương án 3 là kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm một cách hợp lý. Quan điểm của ông như thế nào về phương án này?

Luật sư trả lời:

Thiết nghĩ chỉ nên thống nhất sử dụng một phương án, vì quy định kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm sẽ làm phát sinh thêm một nhóm những quy định, những hướng dẫn và một quy trình phân loại nữa. Chính vì vậy, việc áp dụng kết hợp 02 phương pháp trên thực tế có khi còn gây ra nhiều khó khăn hơn.

Câu 7: Câu hỏi thính giả: bạn Hoàng Thảo, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội:

Xem phim trên mạng từ lâu đã là lựa chọn của nhiều người, bởi phong phú đa dạng về thể loại, hình ảnh âm thanh sống động, sắc nét. Có quá nhiều lựa chọn so với việc ra rạp xem 1 bộ phim điện ảnh hay ngồi trước màn hình ti vi để chờ xem phim truyền hình. Nhiều trang, ứng dụng cũng cung cấp dịch vụ xem phim miễn phí. Nếu như quy định về quản lý phim trên mạng ra đời, liệu có ảnh hưởng đến quyền lợi của người dùng, người xem hay không? Xin luật sư giải đáp.

Luật sư trả lời:

Về khía cạnh pháp luật, việc đảm bảo về mặt nội dung cho người xem không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dùng người xem, đặc biệt là với tình trạng trẻ em ngày càng sử dụng nhiều và sử dụng thành thạo internet, việc quản lý phim trên mạng có thể làm lành mạnh hoá môi trường thông tin trên mạng.

Câu 8: Hiện nay, tại VN cũng đã có hàng chục doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ xem trực tuyến, với trên dưới 15 triệu thuê bao và có tổng doanh thu lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Việc quản lý phim trên mạng có bao gồm những hoạt động xung quanh, ví dụ như quảng cáo, thuế, nội dung, hình ảnh trong phim hay không, thưa luật sư?

Luật sư trả lời:

Công tác quản lý nhà nước luôn đòi hỏi tính toàn diện, hiệu quả, thượng tôn pháp luật trong mọi khía cạnh vấn đề. Hoạt động quản lý phim điện ảnh trên mạng cũng như vậy, đòi hỏi các trang thông tin quảng bá, kinh doanh nội dung  phim ảnh phải phù hợp với quy định của pháp luật quảng cáo, pháp luật thuế và đặc biệt là các quy định pháp luật về điện ảnh, không có khoảng trống trong bất kì lĩnh vực nào.

Câu 9: Với số lượng phim quá lớn trên không gian mạng như vậy sẽ đòi hỏi rất nhiều nhân lực, kĩ thuật, phương tiện để kiểm duyệt, quản lý. Theo đánh giá của luật sư, với tình hình hiện nay đã đủ để đảm nhận khối lượng công việc này chưa?

Luật sư trả lời:

Hiện nay các nguồn lực để kiểm duyệt, quản lý phim ảnh là chưa tương xứng với số lượng quá lớn các nội dung cần quản lý. Các cơ quan nòng cốt chịu trách nhiệm kiểm duyệt phim, là các Hội đồng duyệt phim có quy mô tổ chức chưa nhiều, kiểm duyệt cho một bộ phim cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian. Hậu quả tất yếu là không thể kiểm soát hết toàn bộ nội dung phim trên không gian mạng được.

Do đó, cần tổ chức thêm các cơ quan có thẩm quyền thẩm định phim, đổi mới cơ chế “tiền kiểm- hậu kiểm” và áp dụng triệt để công nghệ để giải quyết vấn đề này.

Câu 10: Lâu nay, những sai sót trên phim mà người ta hay dùng từ “sạn” không phải là hiếm, thậm chí có những phim lịch sử còn phản ánh sai sự thật, phim chứa lời thoại, hình ảnh phản cảm, phim gắn mác sai thể loại… Ngoài vấn đề quản lý, phải chăng cũng cần phải có những chế tài cụ thể để xử lý lỗi vi phạm, thưa luật sư?

Luật sư trả lời:

Luật Điện ảnh năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã có những quy định nghiêm cấm nội dung phim xuyên tạc lịch sử, vĩ nhân, anh hùng dân tộc, kích động chiến tranh, … Đi kèm với  đó là quy định về xử phạt hành chính tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, bao gồm Cảnh cáo, phạt tiền, đình chỉ hoạt động và các hình thức xử phạt bổ sung như Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tịch thu giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Tiếp thu, rút kinh nghiệm từ những quy định trên, dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đã phát triển thêm những quy định mới về chế tài xử phạt, chi tiết hơn, thực tế hơn. Dự thảo đã bổ sung thêm phạm vi các hành vi bị nghiêm cấm, đáng chú ý là sự bổ sung các hành vi vi phạm bình đăng giới, định kiến giới; vi phạm quyền trẻ em, người chưa thành niên; quy định về các cảnh phim bạo lực, xúc phạm nhân phẩm. Đây là tiền đề tiến tới xử lý nghiêm các hành vi làm phim không chuẩn mực, nội dung xấu, độc hại; cũng là sự thể hiện tinh thần đổi mới tư duy, bắt kịp sự phát triển xã hội của Đảng, Nhà nước ta.

Câu 11: Nếu như Luật Điện ảnh sửa đổi được Quốc hội thông qua và đi vào thực tế thì sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của Điện ảnh VN cũng như vấn đề về quản lý phim chiếu trên không gian mạng?

Luật sư trả lời:

Luật Điện ảnh sửa đổi được thông qua có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam, góp phần tạo ra hành lang pháp lý và chính sách đột phá mới với tầm nhìn dài hạn để phát triển điện ảnh Việt Nam với tư cách vừa là một ngành văn hóa nghệ thuật, vừa là một ngành dịch vụ văn hóa, kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Hứa hẹn sẽ giúp nền điện ảnh Việt Nam phát triển mạnh, phát triển đúng hướng, vừa hiện đại, phù hợp với xu thế; vừa mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam tới với công chúng trong nước và quốc tế.