Ngày 14.12, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND huyện Khoái Châu tổ chức hội nghị “Quản lý và phát triển thương hiệu cho sản phẩm gà Đông Tảo và chuối tiêu hồng Khoái Châu”.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, đại diện của SBLAW cũng đã có bài tham luận tại hội nghị, sau đây là nội dung bài phát biểu:
1.Lời mở đầu/giới thiệu
Kính thưa Hội nghị, đầu tiên tôi xin được tự giới thiệu – Tôi là Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SB. Với nhiều năm kinh nghiệm và thực tiễn tư vấn/hỗ trợ cho bà con nông dân các huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội về việc đăng ký và phát triển các nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận gắn liền với các đặc sản của vùng miền, tính đến thời điểm hiện tại SBLAW đã hỗ trợ và đăng ký cho hơn chục nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận. Một số nhãn hiệu tiêu biểu có thể kể đến như là:
- Gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn của Hội nông dân huyện Sóc Sơn;
- Cổ Đường Hoàng Long của UBND xã Hoàng Long (huyện Phúc Xuyên);
- Bưởi Chương Mỹ của Hội nông dân huyện Chương Mỹ;
- Bưởi Phúc Thọ của Hội nông dân huyện Phúc Thọ;
- Chuối Cổ Bi của Hợp tác xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm);
- Chè Long Phú của Hợp tác xã Long Phú (huyện Quốc Oai).
2.Nội dung
Được biết huyện Khoái Châu đã đăng ký nhiệu tập thể “Gà Đông Tảo” cho các sản phẩm liên quan đến gà và nhãn hiệu chứng nhận “Chuối Tiêu Hồng Khoái Châu – Hưng Yên” cho các sản phẩm liên quan đến chuối tiêu hồng. 02 nhãn hiệu nói trên của huyện đã được Cục SHTT cấp văn bẳng bảo hộ độc quyền năm 2015. Hiện tại bà con trong huyện đã và đang sử dụng 02 thương hiệu này trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên thực tế.
Việc đăng ký nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng, có thể kể đến như:
- Góp phần nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản của địa phương, từ đó tăng thu nhập cho bà con từ việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể;
- Bảo vệ danh tiếng của đặc sản, tránh sự lạm dụng hoặc giả mạo của những sản phẩm ở nơi khác;
- Bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm hoặc dịch vụ thông qua mẫu nhãn hiệu và bao bì;
- Tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản phẩm đặc thù của địa phương ngày càng chất lượng và có thị trường tiêu thụ rộng rãi hơn;
- Khuyến khích sản xuất nông nghiệp đa dạng và ổn định nông thôn;
- Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của người dân có sản phẩm được đăng ký.
Tuy nhiên, việc đăng ký và được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ mới chỉ là bước đầu trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu gắn liền với các sản phẩm đặc sản của quê hương. Để thương hiệu mang lại lợi ích về kinh tế và được nhiều người tiêu dùng biết đến, các cá nhân tổ chức sử dụng thương hiệu phải duy trì và phát triển thương hiệu sẵn có bằng cách:
- Nâng cao chất lượng của các sản phẩm gắn liền với thương hiệu;
- Tuyên truyền, vận động bà con ở những vùng có đặc sản tích cực tham gia vào các hội, hiệp hội, làng nghề để cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng, phát triển các đặc sản truyền thống;
- Chính quyền địa phương nơi có đặc sản nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ bà con về việc chọn lựa, khôi phục cây giống, con giống, tạo nên và giữ được đặc sản đúng là truyền thống;
- Các Chủ sở hữu thương hiệu phải tiến hành quản lý tốt các đối tượng này sau khi đăng ký, thông qua các quy chế sử dụng, quy chế quản lý và cần xử lý nghiêm các sai phạm do lợi dụng danh tiếng của đặc sản mà làm ăn gian dối, mang sản phẩm ở vùng khác đến bán để kiếm lời…;
- Liên kết để tạo ra mạng lưới phân phối chặt chẽ, nghiêm ngặt và có hiệu quả tại các siêu thị, trung tâm thương mại và cũng phải tính đến cả xuất khẩu để đặc sản thực sự phát huy thế mạnh và tạo nên thương hiệu mạnh của địa phương.
Việc quản lý khai thác nhãn hiệu tập thể phải đảm bảo được sự kết hợp hài hòa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, bền vững. Có như vậy, các sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương mới có thể phát huy được giá trị của mình.
3.Lời kết
Trên đây là một số chia sẻ của SBLAW về việc xây dựng, duy trì và phát triển thương hiệu gắn liền với các đặc sản của địa phương. SBLAW rất mong muốn và sẵn sàng hỗ trợ các cá nhân/tổ chức trong huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên thực hiện các công việc nói trên.
Kính chúc Hội nghị diễn ra thành công rực rỡ, chúc bà con nông dân huyện Khoái Châu nói riêng, bà con nông dân tỉnh Hưng Yên nói chung ngày càng gia tăng thu nhập từ việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu.