Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời phỏng vấn chương trình Việt Nam Hội Nhập.

0
301

Nhận lời mời của ban biên tập truyền hình Netviet – VTC10, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW đã có phần trả lời phỏng vấn về sở hữu trí tuệ trong TRIPS + và TPP.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

PV: Đánh giá của ông về tình hình thực hiện sở hữu trí tuệ của VN (TRIPS+) tính đến thời điểm này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Hiện nay, việc thực hiện các quy định về sở hữu trí tuệ của VN đang từng bước thể hiện được các cam kết nghiêm túc của VN khi tham gia ký kết các văn kiện để gia nhập WTO.

Hiện nay, việc thực thi các quy định về trình tự, thủ tục bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ đã hoàn thiện. Có thể nói là hoàn thiện nhất từ trước đến thời điểm này. Khi so sánh với các lĩnh vực khác thì các thủ tục hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ Việt Nam đã ngang bằng với chuẩn chúng của thế giới và gần như không có sự khác biệt đáng kể nào.

Đối với phần thực thi, hiệu quả của việc thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã được nâng cao đáng kể.

Đấy là sự thành quả của sự nỗ lực của các cơ quan có thẩm quyền như Bộ khoa học và công nghệ, các sở khoa học và công nghệ; Bộ văn hóa thể thao và du lịch, các sở văn hóa thể thao và du lịch; cơ quan Hải quan các cấp, Quản lý thị trường các cấp.

Đặc biệt, với sự ra đời của ban chỉ đạo 389 về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong đầu năm 2014 thì hiệu quả của việc thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã được tăng lên rõ rệt.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời phóng viên nhân ngày sở hữu trí tuệ thế giới.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời phóng viên nhân ngày sở hữu trí tuệ thế giới.

PV: Hiện nay VN đã xây dựng được những khuôn khổ pháp lý nào để tuân thủ TRIPS+?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Có thể nói, hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã hoàn thiện và đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của TRIPS cũng như các công ước quốc tế khác về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Công ước Berna về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan, Công ước UPOV về bảo hộ giống cây trồng, và một số các công ước khác.

PV: Khi mà vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các DN hoặc các cá nhân ở các nước thành viên trong TPP thì chúng ta phải đối diện với những điều gì?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Câu hỏi này có thể được hiểu như sau:

–         Doanh nghiệp Việt Nam xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp hoặc các cá nhân có quốc tịch, trụ sở, nơi hoạt động thường xuyên tại các quốc gia là thành viên TPP trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam; hoặc

–          Doanh nghiệp Việt Nam xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp hoặc các cá nhân có quốc tịch, trụ sở, nơi hoạt động thường xuyên tại các quốc gia là thành viên TPP tại các nước TPP này (trường hợp doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

Trong trường hợp này, để trả lời được câu hỏi (dù ở cách hiểu nào) thì cần phải căn cứ:

–         Quy định cụ thể của TPP;

–         Quy định cụ thể của luật Việt Nam (trong trường hợp hành vi vi phạm xảy ra tại Việt Nam); hoặc

–         Quy định cụ thể của luật tại nước mà hành vi vi phạm xảy ra.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, các nội dung cụ thể của TPP hiện vẫn chưa được rõ ràng và được tuyên bố một cách chính thức. Vì TPP chưa có văn kiện được ký kết cuối cùng nên cũng không thể xác định được liệu các quy định của pháp luật Việt Nam và các quy định của pháp luật các nước là thành viên của TPP có phù hợp với TPP tại thời điểm hiện tại hay không vì không thể loại trừ trường hợp pháp luật quốc gia sẽ phải sửa đổi để phù hợp với Quy định củ TPP. Do đó, rất khó để có thể xem xét một hành vi vi phạm tại thời điểm hiện tại căn cứ vào TPP.

Tuy nhiên, khi đặt trong mối quan hệ với các công ước khác mà Việt Nam đã tham gia và phù hợp với các Quy định của pháp luật Việt Nam hiện tại thì một hành vi vi phạm có thể sẽ phải chịu một trong số các chế tài sau:

–         Chế tài hình sự: tức người vi phạm có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự;

–         Chế tài hành chính: tức người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định cụ thể của từng quốc gia (trong trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức để xử lý bằng chế tài hình sự);

–         Chế tài dân sự: tức người thực hiện hành vi vi phạm phải bồi thường thiệt hại, xin lỗi, cải chính công khai.