Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời về Luật an toàn giao thông

0
430

Thực hiện chương trình hợp tác với tap chí Autocar, SBLaw đã tiến hành trả lời các tình huống giao thông thường gặp tại Việt Nam. Bằng hoạt động này, SBLaw mong muốn mọi người khi tham gia giao thông hãy tuân thủ luật giao thông, đảm bảo an toàn cho chính mình và người tham gia giao thông.

Tình huống: Vượt hay dừng?

Một chiếc ô tô dừng lại ở giữa đường bạn buộc phải chuyển sang làn khác ở phía bên phải để vượt lên, như thế là phạm luật ?

Hãy dừng, đỗ xe đúng quy định và ý thức để đảm bảo an toàn giao thông cho mọi người

 Câu hỏi 1: Trên đường phố, các xe đang lưu thông bình thường thì một chiếc ôtô con dừng lại tại làn ngoài cùng bên trái (làn dành cho ôtô) để xử lý hành động dại dột của đứa trẻ ngồi trên ghế hành khách phía trước. Các xe phía sau sau khi ra tín hiệu cho chiếc ôtô đi không được thì lách sang phải (có tín hiệu đèn rẽ phải) để vượt lên. Ngay sau khi vừa lách lên thì bị cảnh sát giao thông (CSGT) tuýt còi vì lỗi vượt phải. Hỏi trường hợp này CSGT xử lý đúng hay sai? Vì sao?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật giao thông đường bộ về Vượt xe có quy định các trường hợp được vượt phải như sau:
“Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải:

a) Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái;
b) Khi xe điện đang chạy giữa đường;
c) Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được”.

Với trường hợp nêu trên thì các xe vượt phải là đã vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật giao thông đường bộ.

Xét về tình huống thì các xe vượt phải là hợp lý vì hành vi dừng xe trái pháp luật (Điều 18 Luật giao thông đường bộ về dừng xe, đỗ xe trên đường bộ) của xe đi trước dẫn đến buộc xe sau phải vượt lên để tiếp tục hành trình, nhưng theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật giao thông đường bộ lại là vi phạm và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Tuy nhiên, khi trình bày với CSGT bạn nêu rõ lý do bất khả kháng vì chiếc xe đằng trước dừng trái pháp luật kia và giải thích rõ việc bắt buộc phải đi lách sang phải để vượt lên. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà CSGT có thể nhắc nhở mà không xử lý lỗi vi phạm này.

 

Luôn giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước để không bị bất ngờ

Câu hỏi 2: Trên đường phố, trong làn đường dành cho xe máy, các xe đang lưu thông với tốc độ khoảng 35 – 40km/h. Ở phía trước bỗng có một chiếc xe máy vì gặp miệng cống mất nắp nên đột ngột đánh lái mà không kịp có tín hiệu báo trước dẫn tới hai chiếc xe máy đi sát ngay phía sau lao tới và đâm vào phần bánh trước và ngang xe. Hậu quả làm hư hỏng cả 3 xe và 3 người điều khiển đều bị thương. Hỏi pháp luật xử lý như thế nào trong trường hợp này?

Trả lời:

Việc các xe máy lưu thông trên đường phố với tốc độ 35 – 40 km/h là đúng với quy định về tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ trong khu vực đông dân cư theo quy định tại Điều 6 Thông tư 13/2009/TT-BGTVT ngày 17/7/2007 quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dụng tham gia giao thông đường bộ.

Khi xảy ra tai nạn nêu trên dẫn đến hậu quả làm cả 3 xe đều bị hư hỏng thì cảnh sát giao thông sẽ thực nghiệm hiện trường để xác định lỗi của các xe làm cơ sở cho việc xử phạt vi phạm hành chính cũng như bồi thường thiệt hại của các bên.

Xe đi trước tránh chướng ngại vật khi gặp miệng cống mất nắp đã đột ngột lách sang bên phải là đã vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 13/2009/TT-BGTVT về các trường hợp phải giảm tốc độ.

“Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép đến mức không nguy hiểm (có thể dừng lại một cách an toàn) trong các trường hợp có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường.

Đối với 2 xe chạy sau đâm vào xe chạy trước đã vi phạm quy định về khoảng cách an toàn giữa hai xe là tối thiểu 30m theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 Thông tư 13/2009/TT-BGTVT.

Khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo.

Khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, đường cấp cao, đường khai thác theo quy chế riêng. Khi mặt đường khô ráo các xe chạy đến tốc độ 60km/h phải giữ khoảng cách tối thiểu giữa hai xe là 30m, từ 60 – 80km/h là 50m.