Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời về vấn đề mọi phương tiện tham gia giao thông đều bình đẳng

0
464

Thực hiện chương trình hợp tác với tap chí Autocar, SBLaw đã tiến hành trả lời các tình huống giao thông thường gặp tại Việt Nam. Bằng hoạt động này, SBLaw mong muốn mọi người khi tham gia giao thông hãy tuân thủ luật giao thông, đảm bảo an toàn cho chính mình và người tham gia giao thông.

Xe biển xanh (trừ các xe ưu tiên), xe bus… tất cả đều bình đẳng như các phương tiện khác nếu vi phạm luật giao thông đường bộ.

Xe biển xanh (trừ xe ưu tiên) cũng bị xử phạt như mọi phương tiện khác khi vi phạm pháp luật

 

Câu hỏi 1

Trên đường phố, tại các ngã tư có cầu vượt dầm thép được xây dựng để tránh ùn tắc và cấm xe tải. Một chiếc xe tải biển xanh (xe của các cơ quan nhà nước) cố tình đi lên bằng lối cầu vượt (để không phải chờ đèn xanh đèn đỏ ở đường dưới) đã húc đổ khung sắt nơi đặt các biển báo chỗ chân cầu (do chiều cao xe tải cao hơn chiều cao của khung). Vụ va chạm này dẫn tới khung sắt bị đổ và làm cho một người đi xe máy bị thương nặng. Hỏi pháp luật xử lý như thế nào trong trường hợp này?

Trả lời:

Việc xe tải biển xanh cố tình đi vào đường cấm xe tải là vi phạm quy tắc tham gia giao thông đường bộ được quy định ở khoản 1 Điều 9 Luật giao thông đường bộ như sau: “Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ”.

Hành vi của lái xe không chỉ gây thiệt hại đến sức khỏe của người khác mà còn gây thiệt hại đến các thiết bị giao thông đường bộ.

Cơ quan thụ lý vụ tai nạn giao thông thực hiện việc sơ bộ đánh giá tỷ lệ phần trăm thương tật của người bị nạn theo quy định tại Điều 14 Quyết định 18/2007/QĐ-BCA về ban hành quy trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ như sau:

“Sau khi thu thập đầy đủ giấy chứng thương của bệnh viện, đơn vị thụ lý vụ tai nạn giao thông đối chiếu với Thông tư liên bộ số 12/TTLB ngày 26/7/1995 của Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để sơ bộ đánh giá tỷ lệ phần trăm thương tật của người bị nạn. Kết quả sơ bộ đánh giá tỷ lệ phần trăm thương tật là căn cứ để ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hoặc quyết định xử lý hành chính”.

Bên cạnh đó, đơn vị thụ lý giám định chuyên môn kỹ thuật phương tiện, đường, cầu, phà theo quy định tại Điều 13 Quyết định 18/2007/QĐ-BCA về ban hành quy trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ như sau:

“Việc trưng cầu giám định thương tật người bị nạn và giám định chuyên môn kỹ thuật phương tiện, đường, cầu, phà, đơn vị Cảnh sát giao thông thụ lý có công văn đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra cùng cấp ra quyết định.

Trường hợp người bị nạn từ chối việc giám định thương tật thì phải lập biên bản ghi rõ lý do từ chối, có xác nhận của họ hoặc người làm chứng”.

Nếu sau khi giám định thiệt hại về người và tài sản không đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì cơ quan cảnh sát giao thông căn cứ theo điểm b, khoản 4 điều 5 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt:

“Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”; trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định”.

Việc bồi thường thiệt hại về tài sản và sức khỏe đối với người bị thương cũng như các biển báo, cầu, thực hiện theo sự thỏa thuận của các bên liên quan. Nếu các bên không thỏa thuận được sẽ giải quyết theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.


Câu hỏi 2

Trên đường xa lộ có 3 làn đường, hai làn ngoài cùng bên trái dành cho xe ôtô con, xe khách và xe tải, làn trong dành cho xe máy và xe thô sơ. Các điểm dừng xe bus được bố trí ở phần đường cho xe máy. Có hai chiếc xe bus rẽ vào để lấy khách và chiếm hết toàn bộ làn đường trong cùng này, khiến các xe máy phía sau một là phải dừng lại chờ (nếu không rẽ trái để sang làn ôtô) hoặc phải rẽ ra làn ôtô mới đi lên được (có tín hiệu đèn báo chuyển làn).

Tuy nhiên, vạch sơn phân làn ở đây lại được kẻ liền toàn bộ. CSGT đứng phía sau điểm dừng đỗ kể trên và xử lý những người buộc phải đi sang làn ôtô (làn giữa) để tránh xe bus vì lỗi đi sai làn đường. Hỏi việc xử phạt của CSGT là đúng hay sai? Vì sao?

 

Chiếc xe bus thứ hai rẽ vào lấy khách và chiếm hết làn đường trong cùng này cũng vi phạm luật giao thông
Trả lời:

Theo quy định tại Điều 13 Luật giao thông đường bộ về sử dụng làn đường có quy định:

“1. Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.

2. Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.

3. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải”.

Như vậy việc các xe máy phía sau rẽ ra làn ôtô là vi phạm quy định này.

Mặt khác theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật giao thông đường bộ thì: “Xe buýt phải chạy đúng tuyến, đúng lịch trình và dừng, đỗ đúng nơi quy định”. Việc 2 xe bus rẽ vào để lấy khách và chiếm toàn bộ làn đường trong cùng này tức sẽ có 1 xe vi phạm quy định nêu trên. Xe vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.