Hội nghị Châu Á Thái Bình Dương về quyền sao chép với sự phối hợp của Tổ chức Quyền sao chép thế giới (IFRRO) diễn ra trong hai ngày 22-23/8 tại Sydney, Úc.
Luật sư Phạm Duy Khương, giám đốc Sở hữu trí tuệ SBLAW cũng tham gia hội nghị quan trọng này và cũng đã có những buổi tiếp xúc và làm việc cùng nhiều hãng luật và tổ chức bảo vệ quyền sao chép trên thế giới.
Theo thông tin từ website của Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam, SBLAW trích dẫn nội dung quan trọng của Hội nghị.
Hội nghị quy tụ nhiều quốc gia có lịch sử cũng như hệ thống pháp luật liên quan đến quyền sao chép tương đối hoản chỉnh như Mỹ, Úc, Newzeland, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore. Đây có thể coi là những “tấm gương” lớn đối với Việt Nam trong lĩnh vực bản quyền sao chép. Các quốc gia nêu trên đều đã tạo ra một nguồn thu về bản quyền liên quan đến việc photocopy rất lớn. Đơn cử như tại Úc trong năm 2015 số tiền thu được từ phí bản quyền đối với quyền sao chép là 105 triệu USD, tại Mỹ: 305 triệu USD, Hàn Quốc: 6 triệu USD, Nhật Bản 15 triệu USD, New Zealand: 8.8 triệu USD, Sinagpore 11 triệu USD. Đây là những khoản phí bản quyền mà các hệ thống trường học từ nhà trẻ, trung học cơ sở cho đến đại học, cơ quan chính phủ, công ty đều phải đóng để được cấp quyền photo, sao chép tài liệu. Phần lớn các khoản sau đó sẽ được hoàn trả lại cho các tác giả, chủ sở hữu. Điều này tạo động lực cho các tác giả tiếp tục sáng tạo ra tác phẩm mới.
Đáng chú ý, trước khi đạt được kết quả khả quan nêu trên, các nước cũng gặp nhiều khó khăn, cản trở tương tự với những điều mà Việt Nam đang trải qua. Mặc dù vậy, xác định vai trò của bản quyền trong đẩy mạnh sáng tạo, các nước đều thay đổi nhận thức và việc thực thi bản quyền liên quan đến quyền sao chép nhận được sự hỗ trợ từ nhiều cấp trong đó có các nhà lập pháp, chính phủ, hệ thống trường học. New Zealand là một minh họa cụ thể về tác động của một hệ thống bản quyền tốt đối với đẩy mạnh sáng tạo. Qua đó, tạo ra 19,234 việc làm và mang lại trên 1,7 tỉ USD doanh thu. Đây là động lực để Việt Nam quyết tâm hơn nữa trong việc lành mạnh hoá hệ thống bản quyền liên quan đến quyền sao chép.
Bà Caroline Morgan, chủ tịch IFRRO APC
Được biết, tại hội nghị Việt Nam thông qua Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (Vietrro) và Mỹ đã bước đầu thương thảo về hợp đồng hợp tác song phương trong lĩnh vực sao chép quyền. Nếu hợp đồng hợp tác được ký kết sẽ mở ra một cơ hội lớn cho cả hai bên. Theo đó, Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận hợp pháp các nguồn tư liệu quý về sách, tạp chí, ấn phẩm, tài liệu nghiên cứu, giáo trình học tập của Mỹ. Đây là chỉ dấu cho sự phát triển tiếp theo của Vietrro khi trước đó tổ chức này cũng đã thành công trong việc ký kết hợp đồng hợp tác song phương với Hiệp Hội Sao Chép JAC của Nhật Bản. Sự hợp tác này cũng sẽ mang đến cơ hội cho Việt Nam tiếp cận những học liệu, tạp chí, ấn phẩm nghiên cứu, sách có nguồn gốc từ Nhật Bản. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải cam kết thực hiện chống các vi phạm về bản quyền. Theo đó, thời gian tới phía Việt Nam sẽ tiến hành xử lý vi phạm bản quyền những trung tâm, cơ sở sở đào tạo, trường học, công ty hay các website chứa các bản copy các tác phẩm mà không được Vietrro cấp phép.
“Nội dung là vua” nhưng bảo vệ được quyền lợi, hình ảnh và vẹn nguyên của ông vua ấy là không hề dễ dàng. Đây là nhận xét của chủ tịch IFRRO khi phát biểu kết thúc hội nghị. Để làm được điều này đòi hỏi phải có kết hợp giữa cơ quan nhà nước, trong đó có Bộ giáo dục, cơ quan thực thi quyền và trên nền tảng của một nhận thức đúng của người dân về giá trị của bản quyền đối với đổi mới, sáng tạo.
Luật sư Phạm Duy Khương cùng đại biểu dự hội nghị: