Trong bài viết Lúng túng quản lý tác quyền âm nhạc trên truyền hình ANTV có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà, giám đốc công ty Luật SBLAW về vấn đề tác quyền âm nhạc hiện nay.
Mời quý vị xem nội dung bài viết:
(ANTV) – Đêm nhạc của nữ danh ca Khánh Ly tại Hà Nội đã khép lại được nửa tháng, nhưng dư âm về chuyện thu tác quyền vẫn còn đó.
Không riêng gì với chương trình nói trên, mà lâu nay những nhùng nhằng trong thỏa thuận tác quyền đã cho thấy việc thu, thực hiện quyền tác giả ở Việt Nam bộc lộ nhiều bất cập và không ít thách thức.
Trước show diễn của Khánh Ly tại Hà Nội và Đà Nẵng, nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã đích thân đến tận nơi yêu cầu Ban tổ chức đêm diễn phải trả tác quyền cho những ca khúc được biểu diễn trong chương trình.
Không ít ý kiến cho rằng cách làm này là tùy tiện và thiếu chuyên nghiệp, nhưng theo nhạc sỹ Phó Đức Phương, đây là chuyện” cực chẳng đã” bởi trước đây các đơn vị tổ chức chương trình “lẩn trốn rất nhiều” nghĩa vụ tác quyền, tới trường hợp show Khánh Ly, vì mức độ nghiêm trọng nên Trung tâm phải ra tay quyết liệt.
Trao đổi ANTV, Giám đốc Trung tâm bảo hộ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Nhạc sỹ Phó Đức Phương cho biết:”Hành động của chúng tôi là để ngăn chặn một hành vi vi phạm luật pháp của Ban tổ chức đêm diễn. Bởi khi những bài hát đó chưa được trả tác quyền mà đã biểu diễn thì đó là vi phạm về bản quyền, không tôn trọng quyền tác giả.”
Theo đó, số tiền bản quyền tác giả đêm nhạc ca sĩ Khánh Ly được Trung tâm tính bằng 5% của 40 % sốt iền bán vé tính theo giá vé trung bình. Dĩ nhiên mức giá đó vấp phải sự phản đối của các đơn vị tổ chức biểu diễn. Bởi theo họ, Nghị định 61/2002.NĐ-CP – văn bản duy nhất quy định trực tiếp và cụ thể về chế độ nhuận bút đối với các tác phẩm âm nhạc hiện không còn phù hợp.
NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam khẳng định:” Tất cả những nhà tổ chức biểu diễn đều không ai muốn trốn tránh điều ấy.Nghị đinh 61 không có điều nào quy định mức thu là 5% cả, các đơn vị đều muốn hiểu theo cái cách có lợi cho riêng mình. Chúng ta phải có hướng dẫn rất cụ thể. Nghị định này được ban hành căn cứ vào Bộ luật Dân sự năm 1995, trong khi bộ luật này đã hết hiệu lực gần 10 năm và đã được thay thế bởi Bộ luật Dân sự năm 2005.”
Đêm nhạc của Khánh Ly tại Bình Dương có nguy cơ dừng vì chưa đạt thỏa thuận về tác quyền âm nhạc. |
Trước lý lẽ của phía nhà tổ chức , rằng Trung tâm đưa ra “giá trên trời” không ít người đặt câu hỏi ngược: Chính nhà tổ chức cũng đang sử dụng tác phẩm của các nhạc sĩ để kinh doanh với mức giá đắt đỏ. Vì thế, một tác phẩm âm nhạc khi dùng để kinh doanh cũng cần phải tuân theo quy luật của thị trường.
Nhạc sỹ Phó Đức Phương cũng cho biết:”Những điều cơ bản về luật pháp về quyền tác giả đó là sự thỏa thuận và do chủ sở hữu đề ra. Các bài hát hát là tài sản của nhạc sỹ vì thế giá là do tác giả đề gia. Pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể nào về mức giá trần cho các bài hát.”
Những quy định của pháp luật được áp dụng cho vấn đề này đã được Luật sư Nguyễn Thanh Hà Giám đốc Công ty Luật SBLAW đưa ra:”Tôi nghĩ rằng mức thu 5% là phu hợp với quy định hiện hành.”
Mục tiêu bảo vệ tác quyền âm nhạc là đúng đắn và đáng hoan nghênh nhất là khi Việt Nam đã tham gia công ước Bern được gần 10 năm. Thế nhưng, từ chuyện một vị giám đốc thân chinh đi đòi tác quyền này, chúng ta dễ dàng nhận thấy bức tranh lôm côm, tùy tiện trong việc bảo vệ tác quyền âm nhạc tại Việt Nam, không hề có một quy chuẩn mà chủ yếu vẫn dựa trên ý thức tự giác của cá nhân, tổ chức. Liên quan đến chuyện tác quyền âm nhạc, ca sỹ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã lên tiếng ủng hộ Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.