SBLAW trân trọng giới thiệu bài viết của luật sư Trần Trung Kiên, luật sư thành viên của SBLAW về những Lưu ý pháp lý mà các angel investor cần quan tâm khi đầu tư vào các startup ở Việt Nam
1. Tỷ lệ vốn góp được phép nắm giữ
Chính phủ Việt Nam có những quy định khá chặt chẽ về giới hạn tỷ lệ vốn góp mà nhà đầu tư nước ngoài được phép nắm giữ trong các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm các startup.
Phần lớn các lĩnh vực hoạt động sản xuất, dịch vụ, Việt Nam đều cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tỷ lệ vốn góp lên đến 100%, ngoại trừ một số lĩnh vực như sau:
– Vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường bộ: tối đa không quá 51%
– Dịch vụ thông quan: tối đa 99.9%
– Du lịch lữ hành quốc tế: 99.9%
– Quảng cáo: 99.9%
– Viễn thông: 65%
Tỷ lệ vốn góp tối đa nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ trong doanh nghiệp thường được quy định khá rõ ràng trong các văn bản pháp luật Việt Nam hoặc các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương mà Việt Nam ký kết như cam kết của Việt Nam gia nhập wto, hiệp định khung về dịch vụ của các nước ASEAN, hiệp định đối tác kinh tế Việt Nhật…
Tuy nhiên, cũng có một số lĩnh vực nhất định mà Việt Nam không có cam kết hoặc quy định cụ thể về tỷ lệ vốn góp tối đa mà nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ như cho thuê lại lao động, phát hành game online, kinh doanh ví điện tử…
Đặc biệt đối với các dự án startup triển khai mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, sẽ rất khó tìm kiếm được khung pháp lý xác định rõ có cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn hoặc đầu tư hay không.
Trong trường hợp này, việc có cho phép hay không cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia sẽ phụ thuộc rất lớn vào ý chí chủ quan của cơ quan cấp phép. Các Angel investor nên tham vấn luật sư trước khi quyết định để tránh rủi ro trong các trường hợp này.
2. Hình thức đầu tư vào các dự án startup
Các nhà đầu tư angel có thể lựa chọn đầu tư vào các dự án startup theo các hình thức như cho vay hoán đổi, hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc đăng ký góp vốn hoặc mua vốn góp.
Đối với hình thức cho vay hoán đổi, nhà đầu tư cần lưu ý yêu cầu doanh nghiệp startup tiến hành đăng ký khoản vay với Ngân hàng nhà nước (đối với trường hợp cho vay trung hoặc dài hạn – thời hạn vay từ trên 12 tháng trở lên). Đăng ký khoản vay sẽ giúp nhà đầu tư angel tránh được các rủi ro về mặt pháp lý trong trường hợp muốn chuyển lãi vay ra nước ngoài.
Đối với hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (không thành lập pháp nhân mới), hợp đồng hợp tác kinh doanh cần phải được đăng ký với cơ quan cấp phép để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đối với hình thức đầu tư góp vốn hoặc mua vốn góp, tùy theo tỷ lệ sở hữu mà nhà đầu tư angel nước ngoài mốn nắm giữ và lĩnh vực hoạt động của dự án startup, việc đầu tư góp vốn hoặc mua vốn góp có thể không cần phải xin chấp thuận của cơ quan chức năng (đầu tư dưới 50% vốn góp trong các lĩnh vực không có điều kiện). Trong các trường hợp này, việc đầu tư góp vốn hoặc mua vốn góp phụ thuộc rất lớn vào kết quả thương lượng và đàm phán giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp startup.
3. Thời hạn góp vốn và tài sản góp vốn
Pháp luật Việt Nam quy định rất chặt chẽ về thời hạn góp vốn và hình thức góp vốn. Đối với các doanh nghiệp vừa mới thành lập, thời hạn góp vốn không quá 90 ngày kể từ ngày nhận được giấy phép thành lập. Đối với các hình thức đầu tư bằng cách góp vốn vào doanh nghiệp như phát hành thêm cổ phần, kêu gọi thành viên góp vốn mới thì quyền sở hữu cổ phần/phần vốn góp chỉ được ghi nhận và thừa nhận chính thức sau khi nhà đầu tư đã thanh toán xong cổ phần hoặc đã hoàn tất xong việc góp vốn theo cam kết.
Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ có thể là tiền mặt hoặc các tài sản hữu hình như máy móc, thiết bị hoặc các tài sản vô hình như quyền sở hữu trí tuệ.
4. Thuế
Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vào các dự án startup tại Việt Nam của các nhà đầu tư thiên thần được phép chuyển ra nước ngoài sau khi đã hoàn tất việc đóng các khoản thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối với các nhà đầu tư thiên thần là cá nhân không cư trú tại Việt Nam, thuế thu nhập cá nhân đánh trên lợi tức từ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam như sau:
1% đối với hoạt động kinh doanh hàng hóa
5% đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ
2% đối với hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải và các hoạt động kinh doanh khác.
LUẬT SỰ TRẦN TRUNG KIÊN.
Luật sư thành viên của SBLAW.