Mang thai hộ – hiểu và thực hiện như thế nào để không vi phạm pháp luật?

0
819

Mang thai hộ là nhu cầu của rất nhiều cặp vợ chồng mắc vô sinh hiếm muộn. Mặc dù, Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) đã cho phép mang thai hộ, nhưng nhiều gia đình vẫn còn thiếu thông tin về vấn đề này. Liên quan đến vấn đề mang thai hộ -hiểu và  thực hiện đúng quy định của pháp luật về mang thai hộ. Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những giải đáp về khung pháp lý đối với vấn đề mang thai hộ trên. Dưới đây là nội dung chi tiết:

 

Câu hỏi 1: Ngày 19/6/2014, Quốc hội đã thông qua Luật hôn nhân và gia đình. Luật này cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và đã quy định cụ thể về hậu quả pháp lý cũng như xác định cha, mẹ đứa trẻ được sinh ra, các quyền nhân thân và quyền tài sản của đứa trẻ với những người có liên quan.. Bộ Y tế xây dựng và đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, trong đó quy định cụ thể điều kiện cơ sở y tế và người được phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Thưa luật sư Nguyễn Thanh Hà, dù đã có Luật và Nghị định quy định cụ thể nhưng vì sao vẫn xảy ra những vụ việc vi phạm pháp luật về mang thai hộ như vậy? 

 

Trả lời:

  • Luật hôn nhân gia đình 2014 cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, và việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có quy định chặt chẽ, song vẫn có những “kẽ hở”. Thực tế xảy ra tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại diễn ra rất nhiều. Mặt khác, một số các điều kiện chặt chẽ khác khiến việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo khó thực hiện, thủ tục và quy trình khá phức tạp.
  • Luật chỉ cho phép những người có quan hệ thân thích 3 đời cùng hàngvới cặp vợ chồng nhờ mang thai được phép mang thai hộ, như vậy sẽ rất hạn chế đối tượng được phép mang thai hộ và tạo ra sự bất bình đẳng cho các trường hợp không có người thân thích cùng hàng. Ngoài ra, việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đòi hỏi chi phí lớn cũng là một trở ngại đối với những cặp vợ chồng không thể có con nhưng cũng không có tiền để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ. Những điều này có thể cũng sẽ gây ra hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại, hoặc tình trạng đẻ thuê bằng cách quan hệ trực tiếp để có con.

Câu hỏi 2: việc có một đứa con cùng huyết thống với mình là một nhu cầu chính đáng của các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Vấn đề “mang thai hộ” đã được Luật hóa từ sau khi Luật hôn nhân gia đình năm 2014 ra đời. luật sư có thể phân tích những tác động tích cực khi mà việc mang thai hộ được Luật hóa ở nước ta?

 

Trả lời:

 

Những tác động tích cực khi mà việc mang thai hộ được Luật hóa ở nước ta:

Thứ nhất, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo góp phần đảm bảo Quyền con người; Quyền làm cha, mẹ là một trong những quyền tự nhiên của con người được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Mặc dù khoa học, kỹ thuật về hỗ trợ sinh sản khá phát triển nhưng vẫn không thể giải quyết được hết những vấn đề về sinh sản đối với những cặp vợ chồng vô sinh. Chính vì thế, vấn đề mang thai hộ trở thành nhu cầu của nhiều cặp vợ chồng. Việc Luật HNGĐ 2014 cho phép hoạt động mang thai hộ đã thỏa mãn được nguyện vọng của các cặp vợ chồng vô sinh, đồng thời đảm bảo quyền cơ bản của con người là quyền mưu cầu hạnh phúc.

Thứ hai, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là căn cứ giúp gia đình thực hiện tốt chức năng sinh đẻ. Chức năng sinh đẻ, tái sản xuất con người là một trong những chức năng cơ bản có gia đình.

Thứ ba, việc luật hóa góp phần làm lành mạnh các quan hệ hôn nhân và gia đình, ổn định đời sống. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo góp phần giúp các cặp vợ chồng vô sinh được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ của mình một cách hợp pháp, đảm bảo sự lành mạnh của mối quan hệ hôn nhân gia đình thay vì dùng các phương pháp, hành vi mà pháp luật cấm để có con như đẻ thuê, đẻ chui, mua bán trẻ em, …

Thứ tư, quy định này cũng góp phần thúc đẩy sự ứng dụng thành tựu của y học Việt Nam đối với việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thông qua thụ tinh trong ống nghiệm góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực y học Việt Nam trong hoạt động hỗ trợ sinh sản.

Thứ năm, tạo khung pháp lý an toàn trong các giao dịch mang thai hộ và có cơ chế phân biệt được với trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại như hiện nay. Việc đưa vấn đề mang thai hộ vào khung điều chỉnh của luật sẽ giúp cho các thỏa thuận về mang thai hộ phải tuân theo những quy định của pháp luật, từ đó hạn chế chững biến tướng trong mang thai hộ.

Bên cạnh đó, quy định này giúp các cơ quan chức năng có thể kiểm soát được một phần nào đó nhu cầu mang thai hộ hiện nay. Việc pháp luật quy định ngày càng hoàn thiện các quy định về mang thai hộ giúp các cơ quan chức năng dần kiểm soát được vấn đề mang thai hộ trong xã hội, không còn nhiều vướng mắc do thiếu quy định pháp luật hay quy định pháp luật không rõ ràng, từ đó tăng cường sự quản lý của nhà nước đối với các vấn đề nói chung của xã hội.

Đồng thời, bảo vệ quyền lợi của bà mẹ và trẻ em: Trẻ em và phụ nữ luôn được coi là đối tượng yếu thế trong xã hội, thường là nạn nhân của nhiều hoạt động phạm pháp liên quan đến quyền con người, mà trong hoạt động mang thai hộ, thì đó có thể là việc hình thành đường dây tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, buôn người, …

Như vậy, đây là một việc làm tốt và có sự kiểm soát nhất định về mặt thực tiễn của như luật pháp, việc thực hiện công việc này bảo đảm sẽ có những lợi ích cũng như ý nghĩa nhất định đối với cuộc sống.

Câu hỏi 3: Quy định của Pháp luật cũng đã nêu rõ: chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và nghiêm cấm các hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại. Vậy ý nghĩa của từ “ nhân đạo” được quy định trong Luật cần được hiểu như thế nào – nhất là để tránh hoạt động mang thai hộ bị biến tướng thành một dạng mua bán người?

Trả lời:

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

– Mục đích: người mang thai hộ tự nguyện mà không vì lợi ích vật chất hoặc một lợi ích nào khác;

– Điều kiện được mang thai hộ: là người thân thích cùng hàng bên vợ hoặc chồng người nhờ mang thai hộ; chỉ được mang thai hộ một lần;

– Điều kiện được nhờ mang thai hộ: người vợ trong cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ không thể sinh con ngay cả khi đã áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.Trên thực tế, nếu chỉ dựa vào định nghĩa trong luật thì rất khó có thể phân biệt giữa mang thai hộ vì mục đích nhân đạo với mang thai hộ vì mục đích thương mại bởi sự khác biệt lại nằm ở ý chí của người mang thai hộ – thứ mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trường hợp người mang thai hộ mang thai để có thể nhận tiền hoặc lợi ích khác như công việc hay một cơ hội nào đó thì được xác định là vì mục đích thương mại; còn không thì vì mục đích nhân đạo. Khái niệm được đưa ra tương đối trừu tượng và chắc chắn ít nhiều sẽ gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, lực lượng chức năng có thể đánh giá theo những tiêu chí khác như: Việc mang thai hộ đã đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Chương V Nghị định 10/2015/NĐ – CP Quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vi mục đích nhân đạo hay chưa; có thỏa thuận nào giữa các bên hay không;…. Trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại thì 90% không thể đáp ứng được các điều kiện và thủ tục luật định mà thường sẽ phải làm “chui”, trốn tránh sự quản lý, điều tra

Câu hỏi 4: Pháp luật quy định như thế nào về việc xử phạt đối với những người có hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại?

Trả lời:

Quy định về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình nghiêm cấm hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại theo điểm g khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Tại Điều 60 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính hành vi vi phạm quy định về sinh con như sau:

  1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại.
  2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.”

Theo đó, người nào có hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại thì bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Về xử lý hình sự, Điều 187 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại như sau:

1.Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;

d) Tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, người phạm tội có thể bị xử lý hình sự về tội này với mức cao nhấ là phạt tù đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

Câu hỏi 5: Hiện nay ở các gia đình hiếm muộn đểu có nhu cầu mang thai hộ. Trong khi đó việc để có được 1 bộ hồ sơ hợp pháp mang thai hộ lại cần rất nhiều thủ tục pháp lí quy định chặt chẽ. Do đó nhiều gia đình đã chọn lối đi tắt, tìm đến các đối tượng môi giới dịch vụ mang thai hộ. Đây có phải chăng là nguyên nhân dẫn tới việc các đường dây môi giới đẻ thuê hoạt động ngầm đang cho chiều hướng gia tăng trong thời gian qua?

Trả lời:

Việc quy định về hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được đề cập khá cụ thể tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (“Nghị định số 10/2015/NĐ-CP”).

 Về cơ bản, hồ sơ đề nghị thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo bao gồm các loại giấy tờ cần thiết nhằm mục đích chứng minh các yếu tố đảm bảo cho việc thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là đủ điều kiện và đúng pháp luật. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này vẫn còn tồn tại một số quy định bộc lộ những điểm hạn chế, bất cập cần được cân nhắc, rà soát, điều chỉnh nhằm bảo vệ tốt hơn các quyền lợi hợp pháp của các chủ thể trong việc thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Trong đó, đáng chú ý là một số vấn đề sau:

Thứ nhất, điểm d khoản 1 Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP cũng quy định hồ sơ đề nghị mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải có bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do Ủy ban nhân dân cấp xã “nơi thường trú” của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận. Tuy nhiên, quy định này dẫn đến sự thiếu đồng bộ, thống nhất với một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó điển hình là Luật Hộ tịch năm 2014. Nếu trong trường hợp vợ chồng không có nơi thường trú mà chỉ có nơi tạm trú thì đương nhiên có thể họ sẽ không thể có bản xác nhận tình trạng đang không có con chung của Ủy ban nhân dân nơi thường trú, trong khi đó, việc xác nhận của Ủy ban nhân dân nơi tạm trú đương nhiên không có giá trị. Vì vậy, quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP là chưa phù hợp và cần có sự điều chỉnh kịp thời nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của chủ thể cũng như tăng tính kiểm soát xác thực của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời tạo ra sự đồng bộ trong việc áp dụng pháp luật.

Thứ hai, một trong những yêu cầu quan trọng về điều kiện của người mang thai hộ là bản thân người này phải đã từng sinh con. Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP thì có thể xác định, việc xác nhận người mang thai hộ đã từng sinh con thuộc thẩm quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng điều này là không cần thiết bởi lẽ sẽ làm tăng tính phức tạp về thủ tục, tạo ra sự rườm rà không cần thiết vì việc người mang thai hộ đã từng sinh con có thể chứng minh dễ dàng qua việc họ xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh của bất kì người con nào của họ và như vậy sẽ trở nên đơn giản hóa về mặt thủ tục cũng như phù hợp với Luật Hộ tịch, tạo thuận lợi cho các bên trong việc thực hiện hồ sơ đề nghị mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Thứ ba, tại điểm h Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP yêu cầu hồ sơ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cần phải có “Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ”. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, pháp luật hiện hành chưa dự liệu về việc nếu rơi vào trường hợp người chồng của người mang thai hộ bị mất năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi thì sẽ được giải quyết như thế nào.

Tóm lại, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là một trong những quy định tiến bộ và đầy chất nhân văn trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, ngoài việc phát huy tốt những yếu tố tích cực thì việc hoàn thiện các quy phạm pháp luật về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là vô cùng cần thiết. Trong đó, những vấn đề pháp lý có liên quan cụ thể như quy định về hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cũng cần được cân nhắc và đảm bảo sự thuận lợi và hiệu quả, góp phần giảm thiểu việc mang thai hộ trái pháp luật do thủ tục quá khó khăn khi thực hiện

Câu hỏi 6: Trong thực tế, có những gia đình hiếm muộn rất khó để tìm người thân đồng ý mang thai hộ. Xu hướng là người ta sẽ tìm đến những người lạ, không quen biết để tránh những rắc rối về sau. Và từ nhu cầu đó, môi giới  tìm người mang thai hộ ra đời. Trong trường hợp nào thì môi giới mang thai hộ là hành vi vi phạm pháp luật?

Trả lời:

Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi sắp sếp, lôi kéo, thiết lập, tổ chức nhiều người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

Đây là tội mới được quy định trong Bộ luật hình sự, nhằm chống lại các hành vi lợi dụng sự cho phép của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để thực hiện vì mục đích thương mại.

Điều 187 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định như sau:

  1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

+ Đối với 02 người trở lên;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;

+ Tái phạm nguy hiểm.

  1. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm:

Hành vi khách quan được quy định theo Điều 187 là hành vi tổ chức cho người khác mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Hành vi tổ chức cho người khác mang thai hộ được hiểu là hành vi sắp xếp, Điều hành hoạt động mang thai hộ vì mục đích thương mại như từ tìm người phụ nữ có thể man thai cho người khác bằng việc áp dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản, kết nối họ với người cần được mang thai hộ, tiến hành các công việc để việc mang thai hộ được thực hiện ở cơ sở y tế,.. để đem lại cho mình lợi ích kinh tế hoặc lợi ích khác.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm.

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Cố ý đối với việc mang thai hộ cũng như cố ý đối với mục đích hưởng lợi của người phụ nữ mang thai hộ.

Dấu hiệu về chủ thể: là chủ thể bình thường, đủ tuổi và có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Dấu hiệu về mặt khách quan: Xâm phạm đến đối tượng được bảo vệ chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Như vậy, khi có đầy đủ các dấu hiệu trên thì hành vi môi giới mang thai hộ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 7: Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn có những quan điểm trái chiều về vấn đề mang thai hộ. Còn tại Việt Nam, theo luật sư, làm thế nào để ngăn chặn hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại, trả lại ý nghĩa nhân văn như nó vốn có?

Trả lời:

Để bảo đảm việc chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong lĩnh vực mang thai hộ yêu cầu các bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thực hiện một số biện pháp sau đây:

  • Thứ nhất, tăng cường quản lý các trường hợp cho/nhận tinh trùng/noãn/phôi, thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Khuyến khích các bệnh viện đầu tư và sử dụng phần mềm quản lý các trường hợp cho/nhận tinh trùng/noãn/phôi, thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Việc nhận diện bệnh nhân và giao tử không chỉ bằng giấy tờ cá nhân mà có thể sử dụng các kỹ thuật nhận diện sinh trắc học hiện đại như chụp ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt để phòng tránh nhầm lẫn hoặc tráo đổi bệnh nhân do sử dụng giấy tờ giả.
  • Thứ hai, xây dựng quy trình vận chuyển, tiếp nhận tinh trùng/noãn/phôi giữa các bệnh viện và thường xuyên kiểm tra để phòng tránh việc tráo đổi. Trong quy trình nhận/chuyển phôi, bình trữ phôi và hồ sơ kèm theo cần được bàn giao giữa 2 bệnh viện và có thông tin phản hồi để đảm bảo phôi được chuyển đến đúng đơn vị nhận phôi, phòng tránh việc tráo hồ sơ hoặc phôi bị chuyển cho người khác với mục đích đẻ thuê.

Thứ ba, về việc bảo đảm Quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo dù đáp ứng được nhu cầu của các cặp vợ chồng vô sinh; nhưng lại ẩn chứa hậu quả khôn lường vì mang thai hộ ẩn chứa tính chất thương mại, gây xung đột, làm tổn thương đến người mẹ và trẻ em mà pháp luật khó có cơ sở xử lý như:

  • Một đứa bé được sinh ra sau chín tháng mười ngày mẹ mang thai, khoảng thời gian rất dài và gian nan. Chỉ có người mẹ mới bất chấp tất cả để bảo vệ đứa con của mình. Nhưng đối với người mang thai hộ, làm thế nào để đảm bảo họ có trách nhiệm với đứa trẻ trong bụng, nếu họ không thực hiện tốt việc bảo vệ an toàn cho đứa trẻ thì có quy định nào ràng buôc về trách nhiệm của họ không…
  • Người mang thai hộ trong quá trình mang thai sẽ nảy sinh tình cảm và yêu quý đứa trẻ, sau khi sinh con thì giấu không muốn trao con cho cha mẹ nhờ mang thai hộ hoặc đến thời điểm giao đứa trẻ nhưng không giao con. Việc này có thể ra gây ra tranh chấp, kiện tụng kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là đứa trẻ.
  • Có thể sẽ có tranh chấp phát sinh về quyền thừa kế của đứa trẻ với người mang thai hộ hoặc đòi hỏi của đứa trẻ được biết về sự thật ai là người sinh ra mình. Ai là cha mẹ thật.
  • Nếu được sinh ra mà cả hai bên đều không muốn nhận nuôi vì lý do bị dị tật hay vì một nguyên nhân nào khác Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên kia làm như thế nào. Ngược lại, nếu bên mang thai hộ từ chối giao con thì giải quyết ra sao
  • Các quyền nhân thân và quyền lợi hơp pháp của đứa trẻ sẽ xác đinh ra sao….và muôn vàn các vấn đề khác kéo theo sẽ thật khó có thể giải quyết khi việc mang thai hộ không nằm trong sự bảo trợ của pháp luật.
  • Có thể thấy mang thai hộ vẫn là một vấn đề khá nhạy cảm. Pháp luật nước ta cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tuy nhiên vẫn có nhiều hệ lụy xảy ra xung quanh vấn đề mang thai hộ như: mang thai hộ có bị biến tướng thành thương mại hóa, tính nhân đạo của người mang thai hộ trong quá trình mang thai, số phận của những đứa bé sinh ra bị cha mẹ ruồng rẫy…đó là những vấn đề mang tính đạo đức, còn những vấn đề mang tính pháp lý như: xác định quan hệ huyết thống cho đứa bé, nghĩa vụ cấp dưỡng cho đứa bé khi sinh racác giấy tờ pháp lý trong hồ sơ mang thai hộ, Bộ Y tế khuyến khích các bệnh viện ký hợp đồng với công ty luật về tư vấn pháp lý, trong đó cần có đầy đủ các điều khoản để ràng buộc trách nhiệm trong việc tư vấn pháp lý.
  • Thứ tư, định kỳ tổ chức kiểm tra, rà soát, cập nhật các quy trình chuyên môn kỹ thuật, quy trình quản lý nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ cũng như việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản.
  • Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát nội bộ, bảo đảm không để cán bộ/nhân viên tham gia, dính líu, tiếp tay cho các đường dây buôn bán tinh trùng/noãn/phôi, đẻ thuê. Các Bệnh viện cần có quy định về việc xử lý nghiêm các nhân viên vi phạm quy định; tham gia hoặc tiếp tay cho việc đẻ thuê.
  • Đồng thời, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo pháp luật các trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại, đẻ thuê, lựa chọn giới tính thai nhi xảy ra trong cơ sở y tế, hoặc các hành vi tiếp tay cho những đường dây phi pháp nêu trên. Trong trường hợp phát hiện cán bộ, nhân viên có sai phạm; các bệnh viện phải báo cáo ngay về Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, Vụ Pháp chế) để giải quyết theo thẩm quyền.