Mở rộng đối tượng kiểm toán: Liệu có khả thi?

0
357

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã trả lời phỏng vấn về việc mở rộng đối tượng kiểm toán trên báo Diễn đàn doanh nghiệp. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1/ Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước đề cập đến nội dung đối tượng kiểm toán được bổ sung, là: “Người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”. Ông có đánh giá như thế nào về những quy định của Dự thảo lần này? Quy định này liệu có khả thi?

Trả lời:

Về đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Điều 4 Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 quy định:

Điều 4. Đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước

Đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”.

Trong khi đó, dự thảo Luật lại mở rộng so Điều 4 của Luật KTNN hiện hành, cụ thể bổ sung đối tượng được kiểm toán là “người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2006, khái niệm “người nộp thuế” bao gồm cả tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Do đó, việc mở rộng đối tượng kiểm toán sẽ có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, không chỉ các tổ chức mà còn cả hộ gia đình và cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế đều thuộc diện đơn vị được kiểm toán. Điều này dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với cơ quan quản lý thuế. Đồng thời, người nộp thuế chỉ góp phần tạo lập, không tham gia vào quy trình quản lý, sử dụng tài chính công nên chỉ có vai trò phối hợp cung cấp thông tin.

Do đó, thiết nghĩ, không mở rộng đối tượng kiểm toán nhà nước mà chỉ nên làm rõ các tổ chức, cá nhân có liên quan khi tiến hành kiểm toán.

2/ Ngày 22/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2019/NÐ-CP về kiểm toán nội bộ. Theo đó, các doanh nghiệp là công ty niêm yết; doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con; doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con là đối tượng bắt buộc phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ, bên cạnh đối tượng là đơn vị nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/4/2019. Điều này đặt ra thách thức gì cho các doanh nghiệp?

Trả lời:

Việc Nghị định 05/2019/NP-CP được ban hành, các doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định sẽ phải đối mặt với thách thức về vấn đề cơ cấu tổ chức trong nội bộ doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp này sẽ cần đầu tư vào chức năng KTNB một cách nghiêm túc hơn, để KTNB có thể thực hiện đúng vai trò rà soát và đánh giá độc lập các quy trình quản trị, quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp.

3/ Thật ra, ở thời điểm hiện tại, không ít doanh nghiệp vẫn còn nhầm lẫn chức năng của kiểm toán nội bộ với Ban Kiểm soát và bộ phận Tài chính. Vậy theo ông, làm thế nào để kiểm toán nội bộ hoạt động hiệu quả?

Trả lời:

Để hoạt động kiểm toán nội bộ hoạt động hiệu quả, trước hết phía doanh nghiệp cần có những nhận thức rõ ràng về khái niệm, vai trò, chức năng, đặc biệt là sự quan trọng của kiểm toán nội bộ. Tiếp theo đó, doanh nghiệp cần đầu tư thêm vào hoạt động kiểm toán nội bộ, thực hiện kiểm toán một cách nghiêm túc. Có vậy, hoạt động kiểm toán nội bộ mới đạt được hiệu quả cao

4/ Không thể phủ nhận tính tính cực của quy định trên khi được thực thi tại Việt Nam, đặc biệt là với các công ty niêm yết, vốn mang tính quan trọng đối với công chúng đầu tư cũng như nền kinh tế. Tuy nhiên, theo quan điểm của giới chuyên môn, nếu Nghị định được ban hành mà chưa có sự chuẩn bị, sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp? Dưới góc nhìn của người làm nghề luật, theo ông, nếu không có sự chuẩn bị kỹ thì doanh nghiệp sẽ gặp phải những khó khăn như thế nào?

Trả lời:

Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không có nhận thức rõ ràng chính xác về chức năng, vai trò của kiểm toán nội bộ, hoạt động này sẽ không đạt được sự hiệu quả cần phải có. Theo đó, tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh cũng như quản trị nội bộ của doanh nghiệp cũng không được đảm bảo, dẫn đến rủi ro về trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cũng có thể phát sinh.

5/ Thông lệ quốc tế về vấn đề này như thế nào, Việt Nam có thể học gì từ thông lệ quốc tế, thưa ông?

Trả lời:

Về hoạt động kiểm toán nội bộ trên thế giới, kiểm toán nội bộ được ghi nhận là công cụ đắc lực của nhà quản trị, đảm bảo các nhà lãnh đạo của doanh nghiệp nhận diện những rủi ro ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu của đơn vị, xác định mức rủi ro để từ đó chủ động đề xuất các biện pháp đối phó, giảm thiểu rủi ro.

Xu hướng phát triển của kiểm toán nội bộ trên phạm vi quốc tế có thể tóm gọn như sau:

– KTNB trên thế giới đã có bước phát triển mạnh với hành lang pháp lý đầy đủ và đồng bộ, tạo điều kiện cho KTNB phát triển.

– Hoạt động của Ủy ban KTNB là khá phổ biến tại các quốc gia, góp phần tạo điều kiện và hỗ trợ KTNB về chuyên môn, hoạt động và các nội dung quan trọng khác.

– Yêu cầu về các kỹ năng, năng lực của KTNB ngày càng chuyên sâu và đa dạng hơn, từ các kỹ năng tài chính, kế toán đến các kỹ năng công nghệ thông tin, an ninh mạng, giao tiếp, năng lực nhạy bén trong kinh doanh…

– Yêu cầu về nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên nội bộ (KTVNB) nhấn mạnh vào sự độc lập và khách quan cần có như một yêu cầu đảm bảo cho chất lượng kiểm toán.

– Nội dung KTNB được mở rộng, không chỉ đơn thuần là kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động mà còn chuyển sang các lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, an ninh mạng, quản trị rủi ro, cắt giảm chi phí.

 Ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin trong KTNB ngày càng tăng. KTNB đã, đang sử dụng các ứng dụng công nghệ như: Các văn bản điện tử, các phần mềm phân tích dữ liệu, phân tích bằng chứng kiểm toán tự động.

Theo đó, một số giải pháp để Việt Nam có thể nâng cao hiệu quả hoạt động KTNB là:

 Thứ nhất, đối với các cơ quan chức năng: Cần hoàn thiện sớm hành lang pháp lý tạo điều kiện cho thực hiện KTNB.

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp: Cần xây dựng bộ máy tổ chức KTNB phù hợp với quy mô, tổ chức của đơn vị để đảm bảo vị thế, đặc biệt là tính độc lập khách quan của KTNB.

Thứ ba, về công tác đào tạo kiểm toán viên, các trường đại học cần mở rộng ngành nghề đào tạo theo hướng đào tạo nghề KTNB chuyên nghiệp kết hợp đan xen chuyên môn KTNB trong các ngành đào tạo Kinh tế khác. Bên cạnh đó, các trường đại học và các cơ sở đào tạo cần thường xuyên mở các khóa đào tạo chuyên sâu, cấp chứng chỉ KTNB tạo điều kiện cho việc nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng cho các KTVNB. Trong quá trình đào tạo, cần nắm được các yêu cầu về chuyên môn và kỹ năng cần thiết đối với KTVNB, từ đó có cơ sở để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội.