Môi giới bất động sản và những điều cần biết

0
835

Nghề môi giới bất động sản hiện đang rất thịnh hành, nhưng bạn đã hiểu nhiều về nó chưa? Hiện nay một số người vẫn có những cái nhìn không mấy thiện cảm về nghề này. Vì trong mắt họ, người môi giới bất động sản thường được ví như cò nhà đất, để ám chỉ sự không chuyên nghiệp, không trung thực trong giao dịch với khách hàng. Đồng thời trong mắt khách hàng những người môi giới nhà đất thường cơ hội nhằm thu lợi cho bản thân mình. Nhưng cũng phải khẳng định một điều rằng nghề môi giới bất động sản là một nghề nghiệp góp phần làm gia tăng sự phát triển của thị trường bất động sản và làm gia tăng lợi ích của các bên tham gia thị trường môi giới bất động sản.

Vậy môi giới bất động sản là gì?

Môi giới bất động sản là công việc trung gian giữa người mua (cần thuê) và người bán (cho thuê), thường được trả công theo một tỷ lệ nào đó trên tổng giá trị giao dịch được gọi là hoa hồng. Môi giới bất động sản khác nhân viên bán hàng ở chỗ, nhân viên bán hàng chỉ đơn thuần là tìm kiếm người mua còn môi giới bất động sản là tìm kiếm và kết nối người bán và người muốn mua bất động sản.

Điều kiện để trở thành môi giới bất động sản

Theo Điều 62 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản như sau:

Tổ chức kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản (tăng thêm 1 người so với Luật Kinh doanh bất động sản 2006).

Cá nhân vẫn có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập nhưng ngoài yêu cầu chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, còn phải đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản không được đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản.

Theo Thông tư 11/2015/TT-BXD, người hoạt động môi giới bất động sản phải có chứng chỉ mới được hành nghề. Người muốn được cấp chứng chỉ hành nghề phải theo học tại các cơ sở đào tạo được Bộ Xây dựng công nhận là cơ sở đủ điều kiện đào tạo.

Sau khi có tín chỉ đào tạo do các cơ sở đào tạo này cấp, người xin cấp chứng chỉ hành nghề sẽ làm hồ sơ tới Sở Xây dựng để tham dự kỳ thi sát hạch, nếu đạt điểm thi theo quy định được Sở Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Chứng chỉ có giá trị sử dụng trên phạm vi cả nước trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp, khi chứng chỉ hết hạn nếu muốn cấp lại chứng chỉ thì phải thi sát hạch theo quy định.

Đối với sàn giao dịch bất động sản, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng đủ điều kiện tại Điều 69 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 như tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản phải thành lập doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; người quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; sàn giao dịch bất động sản phải có quy chế hoạt động, tên, địa chỉ, cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động.

“Cò nhà đất” và chuyên viên môi giới, có giống nhau?

Trong kinh doanh bất động sản (BĐS), nhìn chung “cò nhà đất” và chuyên viên môi giới đều giống nhau ở chỗ họ giữ vai trò trung gian, giúp cho cung và cầu BĐS gặp nhau, tạo thành một thương vụ. Dù cho ngày nay internet và các trang mạng mua bán đã thể hiện rất tốt vai trò của một môi trường giao thương và người trung gian nhưng chúng vẫn chưa hoàn toàn thay thế được vai trò của “cò nhà đất” và chuyên viên môi giới.

Tuy nhiên, giữa “cò nhà đất” và chuyên viên môi giới cũng có một số điểm khác nhau cơ bản sau đây:
Thứ nhất, “Cò nhà đất” có thể chỉ cần có càng nhiều thông tin càng tốt (có thể là thông tin thô chưa qua xử lý), trong khi người môi giới thường phải xử lý thông tin trước khi sử dụng cho khách hàng. Người môi giới chuyên nghiệp sẽ phải có rất nhiều thông tin cho người mua, phải trả lời rất nhiều loại câu hỏi giữa hai bên, để “cung” và “cầu” gặp nhau.

Thứ hai, “Cò nhà đất” không cần có bằng cấp, trong khi người môi giới bắt buộc phải được đào tạo bài bản, phải có chứng chỉ hành nghề.

 Thứ ba, về kỹ năng. Chuyên viên môi giới đã trải qua quá trình đào tạo bài bản nên kỹ năng của một người môi giới không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các thông tin về dự án cho khách hàng mà họ còn biết xử lý những rắc rối về pháp lý, chất lượng kỹ thuật của công trình, phong thủy, vấn đề về tài chính – tín dụng của ngân hàng, … Nói chung, môi giới nhà đất là người phải biết mọi thứ liên quan đến việc mua bán, thuê nhượng bất động sản. Trong khi đó “cò nhà đất” làm việc theo bản năng và kinh nghiệm. Nếu không có bằng cấp thì rất khó đòi hỏi ở họ sự giúp đỡ về pháp lý, các thủ tục vay tiền hoặc những vấn đề rắc rối khác.

Thứ tư, là người hành nghề chuyên nghiệp, người môi giới phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tính xác thực của thông tin và sự tư vấn của họ với khách hàng, bởi vậy độ tin tưởng của môi giới bất động sản có thể xem như cao hơn cò mồi. Tuy nhiên, vì là những người có kỹ năng, được đào tạo nên họ sẽ biết lách luật để lừa khách hàng bằng những chiêu cao siêu hơn, chẳng hạn như tự ý ký hợp đồng, gài các điều khoản trong hợp đồng, …

Còn “Cò nhà đất” thường nhằm mục đích cung cấp thông tin càng nhiều càng tốt đến khách hàng, mặc dù chưa cần biết có đúng hay không. Do đó, tính rủi ro của “cò nhà đất” thường cao hơn chuyên viên môi giới.