Nhìn vào hai khái niệm về tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp sẽ rất dễ nhầm lẫn giữa hai đối tượng này, vì chúng đều là hình thức thể hiện bên ngoài của một sản phẩm, liên quan đến khía cạnh thẩm mỹ của sản phẩm và có khả năng áp dụng sản xuất công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
Sự khác biệt giữa tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp thì thường khó để nhận thấy và cũng ít ai quan tâm để nhận thấy. Khác với kiểu dáng công nghiệp chỉ được bảo hộ nếu có khả năng đưa vào sản xuất hàng loạt đúng với vật làm mẫu, thì tác phẩm mỹ thuật ứng dụng không áp dụng điều kiện bảo hộ là sản xuất hàng loạt, có thể nó chỉ được thể hiện duy nhất một lần trên một sản phẩm. Điều đó dễ hiểu khi con người ngày càng muốn thể hiện cá tính của mình thông qua việc sử dụng những thứ được gọi là “của độc”, tức là đây là duy nhất trên thế giới, như bộ bình trà, bình gốm, bộ lục bình khổng lồ…
Điều phân biệt dễ dàng nhất đó là cơ chế bảo hộ của hai đối tượng này, một theo cơ chế quyền tác giả và một theo cơ chế quyền sở hữu công nghiệp. Thời hạn bảo hộ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên, hoặc tác phẩm chưa được công bố trong thời hạn 25 năm, thì thời hạn bảo hộ là 100 năm kể từ khi tác phẩm định hình. Còn văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực 5 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn 2 lần liên tiếp, mỗi lần 5 năm. Song, nếu là người tiêu dùng hay đối tác kinh doanh hiếm ai lại quan tâm đến điều này. Thậm chí, đến người đăng kí bảo hộ cũng còn mập mờ, khó hiểu về hai cơ chế, không biết đăng kí bảo hộ theo cơ chế nào khiến cho việc tranh chấp càng dễ dàng xảy ra.
Ngoài ra, kiểu dáng công nghiệp không đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ là tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp (như các bản vẽ họa tiết, đường nét, hình khối, màu sắc của sản phẩm…) có thể được bảo hộ như tác phẩm ứng dụng. Do đó, càng làm tăng khả năng nhầm lẫn giữa tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp, khó phân biệt hơn và khả năng tranh chấp cao hơn.
Một điều quan trọng nữa cần phải bàn tới đó là mối quan hệ về lợi ích kinh tế giữa tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp. Cả hai đối tượng này được sáng tạo ra đều nhằm điều chỉnh sản phẩm của mình để hấp dẫn một bộ phận người tiêu dùng cụ thể. Cùng một loại sản phẩm nhưng những chi tiết bên ngoài được thay đổi lại có thể thích hợp cho các nhóm khách hàng với độ tuổi, tập tục văn hóa hay xã hội khác nhau. Từ đó tiến tới mục đích xa hơn đó là thiết lập một thị trường cạnh tranh mới và củng cố thêm nhãn hiệu của mình.
Tuy nhiên, quan hệ lợi ích đó lại không cân bằng. Khi một kiểu dáng công nghiệp được cấp bằng độc quyền thì chủ kiểu dáng công nghiệp đó có quyền ngăn cấm các hành vi sao chép hoặc bắt chước của người khác. Điều đó có ý nghĩa lớn với hoạt động kinh doanh vì doanh nghiệp có thể nâng cao khả năng cạnh tranh và thường mang lại doanh thu bổ sung theo các cách sau: Khoản phí lixăng khi chuyển giao kiểu dáng công nghiệp đó; Đăng kí kiểu dáng công nghiệp khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và thương mại trung thực, nhờ đó tạo ra các chủng loại sản phẩm phong phú, hấp dẫn về thẩm mỹ, nhanh chóng thu hồi vốn và tạo lợi nhuận cao; Nếu có bất kì hành vi sản xuất, bán hay nhập khẩu sản phẩm mang kiểu dáng trùng hay tương tự đến mức gây nhầm lẫn với sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ thì có thể đòi bồi thường thiệt hại và tổn thất mà việc sử dụng trái phép kiểu dáng đó gây ra. Ngoài ra, một kiểu dáng còn có thể được bảo hộ là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, nó vẫn tạo ra được lợi ích kinh tế cho dù không bằng với việc bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp.
Và lý do tại sao một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng thường tạo kinh tế kém hơn kiểu dáng công nghiệp. Đó là do cơ chế bảo hộ quyền tác giả, tức là không bảo hộ về mặt nội dung, ý tưởng tác phẩm, vì vậy, chủ sở hữu không có quyền ngăn cấm người khác làm theo tác phẩm, trong khi người khác không có khó khăn khi tiếp cận tác phẩm. Do vậy, tình trạng sao chép, bắt chước các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng diễn ra mạnh hơn khiến khả năng tranh chấp càng cao hơn.
Trong thời kì kinh tế thị trường, hình dáng bên ngoài của một sản phẩm luôn được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư. Song, do sự khó phân biệt giữa kiểu dáng công nghiệp và tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, cũng như những khiếm khuyết của các cơ chế bảo hộ và cơ chế quản lý các đối tượng trên chưa đạt nhiều hiệu quả cùng các hành vi sao chép, bắt chước trái pháp luật làm cho tranh chấp giữa tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp càng diễn biến phức tạp hơn.