Một số điểm mới của Luật Đấu thầu 2013

0
482

Luật Đấu thầu 2013 đã được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2013, bãi bỏ Mục 1 Chương VI Luật xây dựng số 16/2003/QH11 và Điều 2 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12.

 Luật này có 13 chương, 96 điều ,có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2014 có một số điểm mới so với Luật đấu thầu 2005 như sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh: Phạm vi điều chỉnh của luật được mở rộng tối đa nhằm quản lý chặt chẽ việc quản lý và sử dụng nguồn lực của Nhà nước. Trong đó, một số nội dung được bổ sung như mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm cung cấp sản phẩm dịch vụ công, mua hàng dự trữ quốc gia… Riêng thuốc, vật tư y tế, ngoài việc sử dụng vốn nhà nước, thì việc sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập cũng đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.

Thứ hai, về chính sách ưu đãi dành riêng cho nhà thầu trong nước: Luật đấu thầu 2013 với những quy định mới không những tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu mà còn giúp nhà thầu trong nước từng bước nâng cao năng lực cũng như sức cạnh tranh để có thể trở thành nhà thầu độc lập đối với những gói thầu lớn trong nước hay quốc tế

Thứ ba, quy định rõ phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu: Luật đấu thầu 2013 quy định rõ phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu theo từng lĩnh vực cụ thể, bổ sung các phương pháp mới ngoài những phương pháp đã được quy định tại Luật đấu thầu 2005, đó là: phương pháp giá thấp nhất và phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá (áp dụng đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp); phương pháp giá thấp nhất và phương pháp giá cố định (áp dụng đối với gói thầu tư vấn) nhằm đa dạng hóa phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu để phù hợp với từng loại hình và quy mô của gói thầu, đồng thời khắc phục tình trạng bỏ thầu giá thấp nhưng không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu. Luật Đấu thầu năm 2013 quy định, tất cả các dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước không phân biệt nguồn vốn nào đều phải thực hiện theo quy định của luật. Kể cả dự án đầu tư phát triển của khu vực tư nhân mà có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án cũng đều phải tuân thủ luật.

Thứ tư, quy định hình thức mua sắm tập trungThay vì tổ chức mua sắm hàng hóa với số lượng nhiều, chủng loại tương tự ở nhiều đơn vị khác nhau thì đơn vị mua sắm tập trung sẽ chịu trách nhiệm tổ chức mua sắm chuyên nghiệp một lần. Hình thức này vừa giảm chi phí tổ chức, rút ngắn thời gian mua sắm đồng thời tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động mua sắm, góp phần tăng hiệu quả kinh tế. 

Thứ năm, về phương thức lựa chọn nhà thầuNếu như Luật Đấu thầu năm 2005 chỉ quy định 3 phương thức đấu thầu, đó là: phương thức một túi hồ sơ, phương thức hai túi hồ sơ và phương thức hai giai đoạn. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình lựa chọn nhà thầu thì Luật Đấu thầu năm 2013 đã quy định rõ hơn với 4 phương thức đấu thầu, là: phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ; phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ; phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ; phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ. Đặc biệt, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp (trong khi đó, Luật Đấu thầu năm 2005 quy định phương thức này chỉ áp dụng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn) thì chỉ nhà thầu nào đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật mới được mở hồ sơ đề xuất về tài chính để xem xét, so sánh, xếp hạng. Với phương thức này nếu nhà thầu bỏ giá thầu thấp nhưng năng lực, kinh nghiệm và kỹ thuật không đáp ứng sẽ bị loại trước khi mở hồ sơ đề xuất về tài chính.

Thứ sáu, quy định về hợp đồng trong hoạt động đấu thầu: Để tránh tình trạng áp dụng loại hợp đồng không phù hợp với tính chất của gói thầu, điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh hình thức hợp đồng, điều chỉnh thời gian hợp đồng một các tùy tiện, gây lãng phí, Luật đấu thầu 2013 quy định rõ trách nhiệm của nhà thầu và chủ đầu tư trong quá trình thực hiện hợp đồng. Theo đó, đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh, loại hợp đồng phải được xác định rõ trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu và chỉ bao gồm 4 loại hợp đồng: Hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, hợp đồng theo thời gian. Trong đó, hợp đồng trọn gói được xác định là loại hợp đồng cơ bản. Khi quyết định áp dụng loại hợp đồng còn lại thì người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải bảo đảm loại hợp đồng đó phù hợp hơn so với hợp đồng trọn gói.

Thứ bảy, phân cấp triệt để, bổ sung cơ chế giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong đấu thầukhác với Luật đấu thầu năm 2005, Luật đấu thầu năm 2013 phân cấp triệt để việc quyết định hình thức chỉ định thầu cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp mà không yêu cầu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Để tránh khép kín trong đấu thầu, Luật đấu thầu năm 2013 đã bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình của người có thẩm quyền, chủ đầu tư trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

 Các bạn có thể xem văn bản theo đường link sau Luật đấu thầu 2013