Q: Hiện nay, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết các nước thành viên của Nghị định thư Madrid gồm có 75 nước, nhưng trong đó, không có một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Chúng tôi muốn đăng ký nhãn hiệu qua hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế (Madrid System) của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới.
Vì vậy, SBLAW vui lòng cung cấp những thông tin tư vấn và chi phí liên quan đến việc đăng ký này.
A: Liên quan đến yêu cầu của Quý Hiệp hội về việc đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài, chúng tôi trân trọng gửi đến Quý hiệp hội ý kiến tư vấn như sau:
1. Thành viên của Nghị định thư Madrid
Theo công bố của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thì đến thời điểm hiện tại đã có 94 quốc gia, tổ chức liên chính phủ, vùng lãnh thổ là thành viên của Nghị định thư Madrid (Madrid Protocol) tính đến ngày 05/03/2015.
Chúng tôi gửi kèm theo đây danh sách các quốc gia thành viên của Madrid Protocol và Thỏa ước Madrid (Madrid Agreement) để Quý hiệp hội tiện tham khảo.
Chúng tôi lưu ý rằng, nếu Quý hiệp hội muốn bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia không phải là thành viên của Madrid Protocol hay Madrid Agreement thì Quý hiệp hội cần phải nộp đơn trực tiếp tại các quốc gia này.
2. Trình tự, thủ tục đăng ký theo hệ thống Madrid
Trong trường hợp đơn không bị từ chối bảo hộ tại các quốc gia được chọn và/hoặc được chỉ đinh thì đơn đăng ký nhãn hiệu của Quý hiệp hội sẽ trải qua các giai đoạn sau đây:
a. Nộp đơn đăng ký quốc tế tại Cục sở hữu trí tuệ (Văn phòng cơ sở)
Sau khi nộp đơn đăng ký quốc tế tại Văn phòng cơ sở thì Văn phòng cơ sở có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho Văn phòng quốc tế (International Bureau – IB) trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Ngày nộp đơn quốc tế chính là ngày Văn phòng cơ sở nhận được đơn đăng ký quốc tế trong trường hợp IB nhận được hồ sơ hợp lệ từ Văn phòng cơ sở trong vòng 02 tháng tính từ ngày nộp đơn tại Văn phòng cơ sở. Nếu quá thời hạn 02 tháng mà đơn không được hoàn thiện thì ngày nộp đơn quốc tế sẽ là ngày IB nhận được đầy đủ tài liệu hợp lệ.
b. Thẩm định hình thức đơn quốc tế và công bố trên công báo của WIPO
Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, IB sẽ kiểm tra tính hợp lệ về mặt hình thức của đơn trong thời hạn từ 2-4 tháng. Nếu đơn đáp ứng được các điều kiện về mặt hình thức thì đơn quốc tế sẽ được công bố trên công báo của WIPO số gần nhất. Công báo của WIPO thường được công bố 4 lần/tháng.
c. Thẩm định nội dung tại các quốc gia được chọn và/hoặc chỉ định
Sau khi được công bố trên công báo của WIPO, đơn sẽ được thẩm định khả năng bảo hộ theo quy định của quốc gia được chọn và/hoặc chỉ định.
Thông thường thời hạn này sẽ là 1 năm hoặc 18 tháng đối với một số quốc gia kể từ ngày nhận được thông báo của WIPO.
Trong trường hợp việc từ chối bảo hộ được đưa ra dưa trên đơn phản đối của bất cứ bên thứ ba nào khác thì thời hạn nêu trên có thể kéo dài. Văn phòng quốc gia của quốc gia được chỉ định phải thông báo về thời hạn phản đối đơn cho IB để xác định thời hạn ra thông báo cuối cùng.
d. Thời hạn bảo hộ của đơn quốc tế
Sau khi được chấp nhận bảo hộ, thời hạn bảo hộ sẽ có hiệu lực là 10 năm tính từ ngày nộp đơn quốc tế. Nhãn hiệu có thể được gia hạn liên tiếp nhiều lần và mỗi lần là 10 năm.
e. Phí đăng ký
Phí đăng ký quốc tế thông thường sẽ bao gồm các khoản phí sau đây:
– Phí nộp đơn quốc tế cho Văn phòng cơ sở. Phí này được tính theo lệ phí quốc gia của Cục sở hữu trí tuệ;
– Phí nộp đơn quốc tế. Phí này sẽ được tính theo bảng phí của WIPO và thường có các loại phí sau:
+ Phí cơ bản. Được tính toán phụ thuộc vào nhãn hiệu được đăng ký (có màu hay không có màu);
+ Phí bổ sung cho mỗi nhóm hàng hóa/dịch vụ: Được tính dựa trên số nhóm hàng hóa/dịch vụ cần đăng ký;
+ Phí bổ sung cho mỗi nước được chọn/chỉ định. Phí này được tính dựa trên phí mà quốc gia ký kết đã thông báo cho WIPO.
– Phí dịch vụ của SBLAW.
3. Đăng ký trực tiếp tại từng quốc gia
Thông thường việc đăng ký trực tiếp tại từng quốc gia thì đơn cũng sẽ được thẩm định dựa theo trình tự, thủ tục sau:
– Thẩm định hình thức: Đơn sẽ được kiểm tra tính hợp lệ về mặt hình thức chẳng hạn như số lượng tài liệu có trong đơn, việc nộp phí, lệ phí.
– Công bố đơn: Việc công bố này để đảm bảo các bên có liên quan có thể biết đến việc nộp đơn của Quý hiệp hôi. Ở một số quốc gia, tiếp theo thời hạn công bố đơn sẽ là thời hạn để nộp đơn phản đối.
– Thẩm định nội dung: Sau khi trải qua các bước trên, nhãn hiệu sẽ được thẩm định để đánh giá khả năng được bảo hộ tại các quốc gia.