Sáng 27/11, với đa số tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Luật Căn cước nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước vào công tác quản lý Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, góp phần tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta. Dưới đây, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLAW sẽ giải đáp thắc của khán thính giả.
BTV: Luật Căn cước là 1 trong 7 luật vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. KM giới thiệu khái quát về nội dung của Luật đến thính giả nghe đài?
Trả lời:
Luật Căn cước gồm 7 chương 46 điều quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Để cụ thể hoá các chính sách nêu trên trong dự thảo Luật được đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính bao quát và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án Luật từ “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước” cũng như đổi tên thẻ thành “Thẻ căn cước”. Luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật này (quy định tại khoản 3 Điều 46 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 01 năm 2024). Một số chính sách nổi bật trong nội dung Luật Căn cước có thể kể đến như: – Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú… Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, – Luật cũng bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin sinh trắc học của căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân. – Luật hiện nay có thể áp dụng đối với công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. – Đặc biệt, Luật mới đã cho phép công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp thẻ căn cước và công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp căn cước theo nhu cầu. |
BTV: Luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Cụ thể đó là trường hợp nào, thưa KM?
Trả lời:
Đó là đối với trường hợp những Thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024. Mặc dù Luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 nhưng quy định này lại được áp dụng luôn nhằm giải quyết các trường hợp thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực. Tránh trường hợp những thẻ CCCD, CMND này hết hạn dẫn đến người dân phải đi xin cấp lại thẻ CCCD, CMND mới mà trong Luật Căn cước lại sắp được áp dụng và người dân sẽ phải dần chuyển từ CCCD, CMND sang Thẻ Căn cước. Điều này giúp người dân không phải làm lại thẻ căn cước nhiều lần, tránh lãng phí thời gian. |
BTV: Bên cạnh việc thu thập vân tay, Luật đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người. KM có thể giải thích rõ hơn về quy định này?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 15 luật Căn cước quy định Cơ sở dữ liệu căn cước của công dân gồm nhiều trường thông tin. Trong thông tin sinh trắc học có bổ sung thêm mống mắt.
Việc bổ sung thêm này hoàn toàn là hợp lý, bởi khoa học hiện nay đã chứng minh, cùng với vân tay, mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất đối với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian. Vì vậy, bên cạnh việc thu thập vân tay, dự thảo Luật đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (VD như là những người cao tuổi, người bị khuyết tật, vân tay bị biến dạng,…)
Công nghệ nhận diện mống mắt (hay còn gọi là công nghệ cảm biến mống mắt) là phương pháp sử dụng thuật toán, hình ảnh để nhận dạng một người dựa vào cấu trúc các đường vân của mống mắt (nơi xác định màu mắt của con người), đã được ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Công nghệ này có độ chính xác cao, đơn giản, dễ sử dụng, không cần thao tác phức tạp. Hiện nay, nhiều quốc gia đã áp dụng công nghệ nêu trên để phục vụ nhận diện công dân, xác thực hộ chiếu, điền thông tin xác thực qua website…
BTV: Vậy các trường thông tin hiển thị trên thẻ Căn cước có thay đổi so với thẻ CCCD gắn chip, CCCD 12 số, CMND 12 số, CMND 9 số như thế nào? Từ 1/7/2024 các loại thẻ CCCD, CMND còn hiệu lực sử dụng đến bao giờ? người dân có bắt buộc phải đi đổi sang thẻ Căn cước không, thưa ông?
Trả lời:
So với thẻ CCCD gắn chip, CCCD 12 số, CMND 12 số, CMND 9 thì trên thẻ Căn cước thông tin về quê quán và vân tay trên thẻ được lược bỏ, không còn thể hiện trên thẻ căn cước. Thay vào đó, là thông tin về nơi đăng ký khai sinh hoặc nơi sinh; và nơi cư trú còn thông tin về quê quán của công dân sẽ được tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc quy định bỏ vân tay trên bề mặt thẻ để bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ; bỏ thông tin quê quán để đảm bảo tính riêng tư, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ và vướng mắc trong xác thực thông tin. Sau khi Luật Căn cước có hiệu lực, không bắt buộc công dân phải đổi thẻ CCCD, CMND thành thẻ căn cước. Căn cứ theo Điều 46 Luật Căn cước quy định về chuyển tiếp quy định rõ: “1. Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước. 2. Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.” Ngoài ra, cũng có ý kiến nên bổ sung thêm về ở Điều 46 trường hợp những Thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024. Nên kể từ ngày 01/07/2024 các loại thẻ CCCD, CMND vẫn còn hiệu lực sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Người dân không bắt buộc phải đổi sang TCC, còn nếu công dân có nhu cầu thì có thể liên hệ với cơ quan Công an để được cấp đổi sang Thẻ căn cước. |
BTV: Cả nước sẽ triển khai cấp thẻ Căn cước mẫu mới từ ngày 01/7/2024. Đổi từ CCCD sang Căn cước có làm đổi số không, thưa KM? Trường hợp nào cần phải đi đổi từ CCCD sang Căn cước?
Trả lời:
Việc đổi từ CCCD sang thẻ Căn cước sẽ không làm thay đổi số, điều này hoàn toàn phù hợp bởi số thẻ CCCD được cấp hiện nay chính là số định danh cá nhân. Cấu tạo của số định danh cá nhân quy định tại Điều 13, Nghị định số 137/2015/NĐ-CP như sau: “Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 06 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.” Số định danh là dãy số xác định nhân thân của mỗi công dân do Bộ Công an cấp và quản lý thống nhất trên toàn quốc. Mỗi công dân được cấp một số định danh duy nhất từ khi sinh ra đến khi mất đi và không lặp lại ở người khác. Số định danh cá nhân được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, chia sẻ, cập nhật, khai thác thông tin của công dân. Cho nên số từ thẻ CCCD vẫn được giữ nguyên khi chuyển sang TCC. Theo quy định tại Điều 46 Luật Căn cước quy định người dân không bắt buộc phải đổi sang TCC, người dân vẫn có thể tiếp tục sử dụng CCCD cho đến khi hết hạn sử dụng được ghi trên thẻ, sau đó phải đổi sang TCC. Ngoài ra người dân muốn đổi từ CCCD sang thẻ TCC sớm hơn thì có thể liên hệ với cơ quan Công an để được cấp đổi sang Thẻ căn cước. |
BTV: Trong Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua có bổ sung 1 loại giấy tờ, đó là: Giấy chứng nhận căn cước. Đây là điểm mới hoàn toàn so với quy định cũ tại Luật Căn cước công dân. KM giải thích cụ thể hơn về tính năng, tác dụng của Giấy chứng nhận căn cước, cơ quan nào cấp giấy này…đến thính giả nghe đài?
Trả lời:
Theo quy định của Luật Căn cước thì giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này. Điều nhằm tạo thuận lợi cho người gốc Việt Nam được hưởng các quyền cơ bản của con người. Bởi trên thực tế hiện nay, do không có giấy tờ tùy thân, họ rất khó khăn trong việc đi lại, giao dịch, lao động, sở hữu tài sản… Thêm vào đó, thực tế hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, các thế lực thù địch lợi dụng việc những đối tượng này khó khăn trong đi lại, giao dịch, lao động do không có giấy tờ tùy thân nên đã xuyên tạc chính sách của Nhà nước, lợi dụng những đối tượng này để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Mặt khác khi xử lý những đối tượng này thì lực lượng chức năng rất gặp khó khăn do những đối tượng này không có giấy tờ tùy thân. Giấy chứng nhận căn cước này sẽ được cấp tại Cơ quan quản lý căn cước của Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện nơi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sinh sống và người có thẩm quyền cấp là Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. |
BTV: Trong Luật Căn cước có đề cập đến căn cước công dân điện tử. Vậy thế nào là căn cước công dân điện tử? Tính pháp lý của căn cước công dân điện tử như thế nào, thưa KM?
Trả lời:
Căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử, do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập. Cũng theo quy định, mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử. Căn cước điện tử gồm danh tính điện tử (số định danh cá nhân; họ tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ảnh khuôn mặt; vân tay). Cùng với đó là một số thông tin cá nhân khác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước. Ngoài ra, căn cước điện tử có thể được tích hợp các thông tin như thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác. Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử. |
BTV: Một thính giả khác lại quan tâm đến thời gian làm thẻ căn cước khi Luật Căn cước có hiệu lực. Cụ thể thính giả này có thắc mắc: khi làm xong thủ tục cấp thẻ căn cước, người dân phải chờ trong bao lâu thì có thẻ căn cước, có phải chờ lâu như CCCD trước đây không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 26 Luật Căn cước thì: “Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định của Luật này, cơ quan quản lý căn cước phải cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước”. Theo quy định của luật thì thời gian chờ để được nhận TCC là 7 ngày làm việc. Tuy nhiên trên thực tế thì thời gian này có thể kéo dài hơn, hiện nay với việc áp dụng công nghệ hiện đại và quy trình tự động hóa, thời gian chờ đợi đã giảm đáng kể. Các cơ quan quản lý có thể đã tối ưu hóa quy trình để đảm bảo sự thuận tiện và nhanh chóng cho người dân. Tuy nhiên trên thực tế có sự chênh lệch giữa các địa phương và khu vực, một số địa phương có thể triển khai hệ thống làm thẻ căn cước hiệu quả hơn, trong khi ở những nơi khác có thể vẫn còn đối mặt với những thách thức gây khó khăn cho việc làm và cấp TCC. Ngoài ra bởi vì đây là quy định mới nên trong thời gian tới nhiều người sẽ tiến hành việc đổi từ CCCD sang TCC, việc lượng lớn người dân thực hiện điều này cũng làm ảnh hưởng tới quá trình làm và cấp TCC. Nên để tránh được tình trạng chờ lâu mới có được TCC người dân có thể cân nhắc việc lựa chọn thời gian đi làm TCC hoặc chuyển từ CCCD sang TCC sao cho hợp lý để có thể lấy được nhanh nhất có thể. |
BTV: Luật căn cước được thông qua và triển khai thực hiện trong thực tế thì sẽ mang lại những lợi ích ra sao cho người dân, chính quyền và hoạt động của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, thưa ông?
Trả lời:
Một là, có thể phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Luật Căn cước chính là cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu (như lĩnh vực cư trú, hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động…) để phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Hai là, Luật Căn cước thiết thực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Đây là cơ sở để nghiên cứu, triển khai việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ căn cước đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội khác. Tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán… lên ứng dụng VNeID, mã QR của thẻ căn cước gắn chip điện tử. Ba là, phục vụ phát triển công dân số. Hiện nay, người dân có rất nhiều loại giấy tờ, như CCCD, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, các loại bằng cấp, chứng chỉ… Luật Căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân và từng bước thay thế các giấy tờ của người dân trong các giao dịch. Bốn là, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Triển khai hiệu quả việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã có, như: Cơ sở dữ liệu giáo dục, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu thuế…, bảo đảm giải quyết các thủ tục phục vụ người dân chính xác và thuận lợi. |
Tham khảo >> Luật căn cước rà soát