Trong bài viết Mua thêm nhà phải chịu thuế, cần nghiên cứu kỹ đăng trên báo Đầu tư bất động sản có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW:
Trên thực tế, đề xuất này không mới, đã được đưa ra từ hơn 5 năm trước, với tên gọi là Thuế Nhà ở, nằm trong Luật Thuế nhà đất, song tại thời điểm đó, đề xuất này không được Quốc hội thông qua. Cuối năm 2009, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Thuế nhà đất trước đây, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã thống nhất chưa đánh thuế nhà ở, vì chưa có sự đồng thuận cao trong dân.
Ở thời điểm đó, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nguyên là Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, trên thực tế, giá trị nhà ở lại gắn liền với giá trị quyền sử dụng đất và đầu cơ lại tập trung vào đất, mà không phải là đầu cơ giá trị xây dựng nhà trên đất. Do đó, để hạn chế đầu cơ, thì phải tập trung áp dụng công cụ điều tiết đối với đất.
Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, nếu chỉ áp dụng thuế tài sản đối với nhà ở thì chưa bảo đảm tính hợp lý, công bằng của một sắc thuế. Mặt khác, một số nước có trình độ phát triển hơn Việt Nam cũng chưa áp dụng thuế đối với nhà ở. Đặc biệt, dự kiến số thu từ thuế nhà ở cho Ngân sách nhà nước không lớn, trong khi chi phí cho công tác thu lại không nhỏ.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Capital House cho biết, đề xuất đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi của Bộ Tài chính đưa ra hiện đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Tuy nhiên, hiện đây mới chỉ là chủ trương được nêu ra, nên chưa thể bình luận một cách cụ thể về những lợi ích hay tác hại có thể mang lại nếu ban hành sắc thuế này.
Theo ông Trung, trên thế giới, đã có một số quốc gia áp dụng sắc thuế này, với mục đích hướng tới đối tượng người chưa có nhà ở, nhằm tạo điều kiện cho họ có cơ hội tiếp cận với các dự án, trong bối cảnh quỹ nhà còn eo hẹp. Ngoài ra, với việc đánh thuế cũng có thể làm giảm bớt độ hưng phấn quá mức có thể gây nguy hại đối với thị trường từ các nhà đầu cơ, giúp giảm tránh nguy cơ bong bóng.
Tuy nhiên, việc áp dụng tại Việt Nam ra sao sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng, tránh gây tâm lý bó buộc và có hơi hướng ngăn cản quyền sở hữu hợp pháp của người mua nhà. Bởi lẽ, thực tế, trong số người dân, vẫn có nhiều người có nhu cầu mua nhà để ở thực sự, như mua cho con cái, ông bà… và do họ đứng tên. Vì vậy, nếu đánh thuế quá cao cũng có thể gây tác động không thực sự tốt lên diễn biến chung của thị trường.
Ngoài vấn đề nêu trên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, trên thực tế, tại TP. HCM có nhiều nhà mua 3 căn hộ, nhưng diện tích cũng chỉ xấp xỉ 100 m2, trong khi đó, có người mua 1 căn nhà có diện tích lên tới vài trăm, thậm chí là cả ngàn mét vuông.
“Vậy nên, có công bằng với những người sở hữu nhiều nhà, diện tích bé bị đánh thuế, trong khi có người mua 1 căn nhà nhưng diện tích lớn”, ông Châu nói.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, đúng là cần đánh thuế vào đối tượng đầu cơ và đầu tư, nhằm mục tiêu điều tiết thị trường và phục vụ nhu cầu của đại đa số người dân. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần nghiên cứu kỹ mô hình và đặc thù của thị trường nhà ở và bất động sản ở Việt Nam.
“Chúng ta cũng nên học mô hình của các quốc gia có điều kiện kinh tế, xã hội giống Việt Nam để có thể đưa ra một sắc luật có tính khả thi cao. Theo quan điểm của tôi, chúng ta chưa nên đánh thuế ngôi nhà thứ 2, mà nên đánh thuế ngôi nhà từ thứ 3 trở lên và đánh vào những nhà ở cao cấp. Bên cạnh đó, thời điểm áp dụng nên cân nhắc để đảm bảo lợi ích hài hoà cho doanh nghiệp và người dân. Thời điểm áp dụng nên từ sau năm 2020 để người dân và doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và hiểu được chính sách mới. Các quốc gia đều có chính sách khuyến khích người dân có ngôi nhà đầu tiên và từ ngôi nhà thứ 2, thứ 3 trở đi thì có thể đánh thuế”, ông Hà cho biết.
Theo Việt Dương
Báo Đầu tư Bất động sản