Mức phạt khi dùng phần mềm Microsoft bản crack ?

0
1641

Câu hỏi: Cho mình hỏi ví dụ như công ty mình dùng phần mềm Microsoft bản crack cho công ty thì có bị xử phạt không? Và nếu bị xử phạt thì mức phạt sẽ như thế nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SBLaw cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

  1. Cơ sở pháp lý

– Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009;

– Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan có quy định;

– Nghị định 28/2017/NĐ – CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

  1. Nội dung tư vấn

– Theo Điểm m Khoản 1 Điều 14 và Khoản 1 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung 2009) các chương trình máy tính hay các phần mềm máy tính được bảo hộ quyền tác giả như bảo hộ một tác phẩm văn học dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy:

 “Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

  1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

[…]m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.”

“Điều 22. Quyền tác giả đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu

  1. Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.
    Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.”

Như vậy, theo quy định trên, phần mềm máy tính sẽ được bảo hộ quyền tác giả. Tác giả, chủ sở hữu của quyền tác giả sẽ được bảo hộ đầy đủ các quyền nhân thân, quyền tài sản được quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ đối với phần mềm máy tính của mình. Theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009) thì tùy theo mức độ mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ nhất, về xử phạt hành chính: Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 131/2013/NĐ – CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ – CP) thì cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng/ 1 sản phẩm phần mềm nếu như có hành vi sao chép chương trình máy tính mà không được sự cho phép của chủ thể sở hữu quyền tác giả. Đồng thời, các tổ chức này sẽ bị buộc phải dỡ bỏ các bản sao vi phạm trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc phải hủy tiêu tang vật vi phạm.

“Điều 18. Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm

  1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
  2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.”

Thứ hai, về truy cứu trách nhiệm hình sự:  Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 225 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể:

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 225 Bộ luật Hình sự, đối với trường hợp pháp nhân thương mại đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1.000.000 đồng.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 225 Bộ luật Hình sự, trường hợp cá nhân phạm tội có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 500 triệu đồng trở lên, hoặc hàng hóa vi phạm trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1.000.000.000 đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung: bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 225, thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm.

Ngoài ra, theo quy định của Điểm c Khoản 4 Điều 225, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 đến 3 năm.

Như vậy, việc sử dụng phần mềm Microsoft bản crack tức là công ty bạn đã có hành vi sử dụng trái phép chương trình máy tính được bảo hộ quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và tùy theo mức độ mà công ty bạn vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự như đã nêu trên.