Việc Tập đoàn ZTE của Trung Quốc đã đánh bại kình địch đồng hương là Tập đoàn Công nghệ Huawei để đạt vị trí thứ nhất trong số lượng đơn sáng chế quốc tế được nộp qua WIPO năm 2016, theo sau là Công ty Qualcomm của Mỹ xếp vị trí thứ ba là những điểm nhấn khẳng định nhu cầu nộp đơn đăng ký quốc tế về sở hữu công nghiệp qua các dịch vụ của WIPO ngày càng tăng.
Nhìn chung, sau 39 năm gia nhập Hiệp ước Sáng chế quốc tế (PCT), số lượng đơn từ Mỹvẫn xếp vị trí đầu bảng, chiếm gần một phần tư (24,3%) trong tổng số 233.000 đơn nộp qua PCT của WIPO năm 2016 – bản thân mức tăng tổng số đơn nộp qua PCT của WIPO hàng năm là 7,3% – theo sau là số lượng đơn từ Nhật Bản và Trung Quốc lần lượt chiếm 19,4% và 18,5% tổng số đơn. Trong đó, truyền thông số và công nghệ máy tính là hai lĩnh vực sôi động nhất.
Tương tự hệ thống PCT, số lượng đơn nhãn hiệu quốc tế nộp qua hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế (Madrid) của WIPO năm 2016 tăng 7,2% với tổng số 52.550 đơn, trong khi số lượng đơn quốc tế kiểu dáng công nghiệp nộp qua Hệ thống đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (La-hay) tăng 13,9% đạt tổng số 18.716 đơn. Đây là năm thứ 7 liên tiếp có sự gia tăng tổng số đơn trong cả ba hệ thống nộp đơn quốc tế của WIPO, vốn được xem là giúp người nộp đơn tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc. “Trong một nền kinh tế kết nối toàn cầu và dựa vào tri thức, các nhà sáng chế và sáng tạo ngày càng phụ thuộc vào sở hữu trí tuệ để thúc đẩy và bảo vệ khả năng cạnh tranh của mình trên toàn thế giới”, Tổng giám đốc WIPO Francis Gurry phát biểu. “Những người nộp đơn từ Trung Quốc đã và đang có những đóng góp lớn vào sự gia tăng tổng số đơn được nộp vào hệ thống nộp đơn sáng chế và nhãn hiệu quốc tế, góp phần làm nên những bước tiến lớn trong việc quốc tế hóa các doanh nghiệp của Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia này đang trên hành trình biến “Sản xuất tại Trung Quốc (Made in China)” thành “Sáng tạo từ Trung Quốc (Created in China)”.
Sáng chế
Năm 2016, số lượng đơn PCT nộp từ Mỹ là 56.595 đơn, theo sau là Nhật Bản với 45.239 đơn và Trung Quốc với 43,168 đơn, thể hiện sự tăng trưởng hai chữ số hàng năm từ 2002. Nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trong vòng hai năm tới và trở thành nước có số đơn PCT được nộp lớn nhất. Đức và Hàn Quốc với 18.315 và 15.560 đơn lần lượt đứng vị trí thứ tư và thứ năm. Trung Quốc và Ấn Độ (1.529 đơn) là 2 quốc gia có thu nhập trung bình duy nhất nằm trong danh sách 15 nước dẫn đầu về lượng đơn PCT.
Nhìn chung, số đơn nộp từ châu Á chiếm khoảng 47,4% toàn bộ số đơn PCT, còn lại là từ châu Âu với 25,6% và Bắc Mỹ với 25,3%. Trong danh sách 15 nước có lượng đơn PCT lớn nhất, Trung Quốc đạt sự tăng trưởng vượt bậc nhất với mức gia tăng 44,7%, trong khi mức tăng của Ý là9,3%, Israel là 9,1%, Ấn Độ là 8,3% và Hà Lan là 8%. Trong khi đó, năm 2016 là năm thứ hai liên tiếp số đơn nộp từ Canada bị sụt giảm với mức 17,3% – một trong những nguyên nhân là do sự giảm sút về số đơn nộp từ RIM/Blackberry và Nortel.
Các công ty viễn thông có trụ sở tại Thẩm Quyến (Trung Quốc) như Tập đoàn ZTE và Tập đoàn Công nghệ Huawei với lần lượt 4.123 và 3.692 đơn PCT được công bố đã trở thành hai điểm sáng dẫn đầu trong danh sách những người nộp đơn PCT, đặc biệt Tập đoàn ZTE đã nhảy hai bậc để đẩy Tập đoàn Huawei ra khỏi vị trí dẫn đầu. Theo sau là Công ty Qualcomm có trụ sở tại Mỹ với 2.466 đơn, Tập đoàn Mitsubishi Electric với 1.888 đơn. Danh sách 10 người nộp đơn hàng đầu gồm 07 công ty/tập đoàn đến từ châu Á và 03 công ty/tập đoàn từ Mỹ.
Trong số các cơ sở đào tạo, Đại học California – với 434 đơn sáng chế đã công bố – trở thành đơn vị thuộc danh mục cơ sở đào tạo có số lượng đơn PCT lớn nhất năm 2016 và duy trì vị trí này từ năm 1993. Viện Công nghệ Masachusetts xếp thứ hai với 236 đơn và theo sau là Đại học Harvard với 162 đơn, Đại họp Johns Hopkins với 158 đơn và Hệ thống Đại học Texas với 152 đơn. Nhìn chung, danh sách 20 cơ sở đào tạo có số lượng đơn PCT lớn nhất có đến 10 đơn vị xếp đầu đều từ Mỹ và 10 đơn vị còn lại đến từ châu Á. Truyền thông số là lĩnh vực có số đơn PCT được công bố lớn nhất với 8,5%, theo sau là công nghệ máy tính với 8,2%, máy điện với 6,9% và công nghệ y với 6,8%. Trong danh sách 10 lĩnh vực công nghệ có số đơn PCT lớn nhất, công nghệ y (tăng 12,8%),công nghệ quang (tăng 12,7%) và truyền thông số (tăng 10,7%) – là những lĩnh vực có số đơn PCT tăng nhanh nhất trong năm 2016.
Nhãn hiệu
Với 7.741 đơn, Mỹ xếp thứ nhất về số lượng đơn quốc tế nộp qua hệ thống Madrid của WIPO năm 2016, theo sau số đơn nộp từ Đức đạt 7.551 , Pháp đạt 4132, Trung Quốc đạt 3.200 và Thụy Sĩ đạt 3.074. Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ (xếp thứ 12 với 1.221 đơn) và Nga (xếp thứ mười ba với 1.176 đơn) là ba quốc gia có thu nhập trung bình duy nhất lọt danh sách 15 nước có số đơn Madrid lớn nhất.
Trong danh sách 15 nước có lượng đơn Madrid lớn nhất, Trung Quốc có số lượng đơn nộp gia tăng nhanh nhất với mức tăng 68,6% trong năm 2016, theo sau là Nga với mức tăng là 32,7%, Ý với 14,4%, Hà Lan với 14,1%, trong khi đó số lượng đơn nộp từ Áo giảm 3,8%, Pháp giảm 0,4%, Hàn Quốc giảm 0,5%, Thụy Sĩ giảm 2,4%.
L’Oréal của Pháp với 150 đơn đã chiếm lĩnh vị trí số một trong danh sách người nộp đơn qua hệ thống Madrid, theo sau là Tập đoàn Glaxo của Anh với 141 đơn, BMW và Lidl của Đức lần lượt với 117 đơn và 112 đơn. Với 94 đơn năm 2016, giảm đi 100 đơn so với năm 2015, công ty Norvatis của Thụy Sỹ đã tụt hạng từ thứ 1 năm 2015 xuống vị trí thứ 5 năm 2016.
Máy tính và điện tử là các nhóm hàng hóa/dịch vụ được quan tâm đặc biệt, chiếm 9,4% tổng số đơn được nộp, theo sau là dịch vụ kinh doanh chiếm 7,6% và dịch vụ công nghệ chiếm 6%. Trong danh sách 10 nhóm hàng hóa/dịch vụ được quan tâm nhất, nhóm dịch vụ công nghệ tăng 11,3%, nhóm máy tính và điện tăng 10,6% – là các nhóm có số lượng đơn nộp qua hệ thông Madrid tăng nhanh nhất.
Trung Quốc với 22314 đơn chỉ định, châu Âu với 21526 đơn chỉ định và Mỹ với 20979 đơn chỉ định là ba thành viện được chỉ định nhiều nhất qua hệ thống Madrid. Các quốc gia có thu nhập trung bình cũng nhận được số đơn chỉ định đáng kể năm 2016 như Liên bang Nga với 14.604 đơn, Ấn Độ với 11.105 đơn, Mexico với 9.098 đơn và Thổ nhĩ Kỳ với 8.679 đơn. Trung Quốc là quốc gia nằm trong danh sách các quốc gia được chỉ định nhiều nhất từ năm 2006 đến nay.
Kiểu dáng công nghiệp
Đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp được nộp qua hệ thống La-hay của WIPO tăng 35,3% năm 2016. Đồng thời, số lượng các kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ trong đơn cũng tăng 13,9% với 5.562 đơn được nộp trong năm 2016 chứa 18.716 kiểu dáng công nghiệp.
Đức với 3.917 kiểu dáng công nghiệp là nước có số đơn quốc tế kiểu dáng công nghiệp nộp qua hệ thống La-hay lớn nhất, theo sau là Thụy Sĩ với 2.555 đơn, Hàn Quốc với 1.882 đơn, Mỹ với 1.410 đơn và Hà Lan 1.317 đơn. Trong danh sách 10 nước có số đơn La-hay lớn nhất, số đơn từ Nhật Bản tăng 109,2% và Thổ Nhĩ Kỳ tăng 136,5% cho thấy sự gia tăng đáng kể trong năm 2016.
Fonkel Meubelmarketing của Hà Lan với 953 kiểu dáng công nghiệp đã vượt qua Tập đoàn Samsung Electronics của Hàn Quốc với 862 kiểu dáng công nghiệp và trở thành người nộp đơn lớn nhất của hệ thống La-hay. Tập đoàn LG Electronics của Hàn Quốc với 728 kiểu dáng công nghiệp chiếm vị trí thứ ba, theo sau là Swatch của Thụy Sĩ với 383 kiểu dáng công nghiệp và Procter&Gramber của Mỹ với 348 kiểu dáng công nghiệp. Nhóm lĩnh vực được đăng ký kiểu dáng công nghiệp nhiều nhất là trang trí nội thất với 11,3% tổng số đơn, theo sau là các thiết bị ghi âm và truyền thông với 10% tổng số đơn, phương tiện giao thông với 7,8% tổng số đơn, đồng hồ và đồng hồ đeo tay với 6,9% tổng số đơn.
Với 14.952 kiểu dáng công nghiệp, EU trở thành thành viên được chỉ định nhiều nhất La-hay. Theo sau là Thụy Sĩ với 8.811 kiểu dáng công nghiệp, Thổ Nhĩ Kỳ với 6.137 kiểu dáng công nghiệp và Na-Uy với 3.324 kiểu dáng công nghiệp./.
Nguồn: http://vipri.gov.vn/bai-viet/28/tin-tuc/hoat-dong-shtt-quoc-te/nam-2016-luong-don-dang-ky-sang-che-quoc-te-dat-ki-luc-va-nhu-cau-bao-ho-nhan-hieu-va-kieu-dang-cong-nghiep-ngay-cang-lon-41791.html