NGĂN CÁC BIẾN THỂ VIỆT Á TRONG TƯƠNG LAI NHƯ THẾ NÀO?

0
604

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về “Ngăn các biến thể Việt Á trong tương lai như thế nào”. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Đến thời điểm này vụ án thổi giá kít test Việt Á đã xảy ra được hơn 3 tháng, có 28 bị can bị khởi tố, với nhiều tội danh khác nhau. Hiện vụ án đang được C03 Bộ Công an tiếp tục điều tra mở rộng theo quy định pháp luật. Những hệ lụy từ vụ án là không thể đo đếm được…

Vì vậy việc mổ xẻ những kẽ hở của luật và kiến nghị những giải pháp hoàn thiện để góp phần ngăn chặn “biến thể Việt Á” trong tương lai là vấn đề cần được quan tâm.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law

 

Câu hỏi: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vụ việc này?

Trả lời:

Vụ việc “thổi giá” kit test Covid-19 của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á khi cung ứng cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỉ đồng. Hòng thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng không giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm. Trong đó, CDC tỉnh Hải Dương đã ký nhiều hợp đồng mua bán thiết bị, sinh phẩm y tế đối với Công ty Việt Á, do ông Phan Quốc Việt làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Bước đầu, qua kiểm tra 5 hợp đồng có tổng trị giá 151 tỉ đồng đã xác định ông Phan Quốc Việt chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương với tổng số tiền gần 30 tỉ đồng.

Vụ việc trên đã gây bức xúc không nhỏ đối với toàn xã hội. Sự việc này được đã xảy ra trong thời gian tình hình dịch bệnh Covid tại nước ta vô cùng căng thẳng. Trong khi cả nước nỗ lực chống dịch thì họ lại lợi dụng dịch để tư lợi cho bản thân hay “nhóm lợi ích”. Việc mua bán những sản phẩm xét nghiệm với giá cao, thông đồng với nhau để tạo thành một đường dây rất lớn, là vấn đề rất nghiêm trọng. . Rõ ràng chúng ta đều nhận thấy đây là việc làm vi phạm pháp luật nghiêm trọng đồng thời cũng cho thấy việc làm trái lương tâm của một số bộ phận tổ chức cá nhân có liên quan đến vụ án này. Nếu không ngăn chặn kịp thời, đây sẽ là mảnh đất “màu mỡ” cho tham nhũng.

Câu hỏi: Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

Trả lời:

Công ty Việt Á đã lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm kit test Covid-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên lãnh đạo Công ty Việt Á đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng. Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách để Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá, … để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do doanh nghiệp này đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Từ vụ việc trên có thể thấy Lãnh đạo Công ty Việt Á đã rất tinh vi và thủ đoạn khi lợi dụng sự “hám lợi”, sự thiếu trách nhiệm của các lãnh đạo địa phương và thông qua kẽ hở trong quy định pháp luật để trục lợi. Trong đó lỗ hổng trong Luật đấu thầu chính là nguyên nhân quan trọng, tiên quyết dẫn tới thực trạng nêu trên.

Đầu tiên phải kể đến quy định về chỉ định thầu theo Điều 22 Luật đấu thầu 2013. Đây là một trong các hình thực lựa chọn nhà thầu được quy định tại Mục 1 Chương 2 của Luật này. Theo đó một trong các trường hợp được chỉ định thầu là gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách.

Đặc biệt, việc thực hiện chỉ định thầu với gói thầu này khi chiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật đấu thầu 2013 thì không phải chịu bất cứ điều kiện, ràng buộc nào bao gồm việc phải có quyết định đầu tư được phê duyệt, trừ gói thầu tư vấn chuẩn bị dự án; có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt; đã được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu; có dự toán được phê duyệt theo quy định, trừ trường hợp đối với gói thầu EP, EC, EPC, gói thầu chìa khóa trao tay; có thời gian thực hiện chỉ định thầu kể từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng không quá 45 ngày; trường hợp gói thầu có quy mô lớn, phức tạp không quá 90 ngày; nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu phải có tên trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu. Đây chính là kẽ hở vô hình trung tạo điều kiện thuận lợi để cho các đối tượng áp dụng hình thức chỉ định thầu để phục vụ cho động cơ trục lợi mà không phải thông qua sự kiểm duyệt của bất cứ tổ chức có thẩm quyền nào khác.

Bên cạnh đó, việc chỉ định thầu với nhà đầu tư quy định theo khoản 4 Điều 22 Luật đấu thầu trong các trường hợp: “a) Chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện; b) Chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn” cũng đã vô hình trung tạo ra sơ hở để các cơ quan, tổ chức có quyền chỉ định thầu đối với việc mua sắm thiết bị y tế nếu chứng minh được tính hợp pháp và hợp lý chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện hoặc chỉ có nhà đầu tư đó mới đáp ứng được các khả năng về các lĩnh vực được đưa ra ở điểm b nêu trên.

Ngoài ra một vấn đề nghiêm trọng khác phải kể đến là việc các quy định pháp luật đã trao quyền quá lớn cho các tổ chức thẩm định giá.

Theo đó quy định tại Điều 29 Luật giá 2012 về nguyên tắc hoạt động thẩm định giá bao gồm: tuân thủ pháp luật, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; chịu trách nhiệm về hoạt động thẩm định giá theo quy định của pháp luật; bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, tính trung thực, khách quan của hoạt động thẩm định giá và kết quả thẩm định giá,…

Cùng với đó Điều 42 Luật giá quy định doanh nghiệp thẩm định giá được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định theo thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng. Đối với nghĩa vụ của các doanh nghiệp này, Luật quy định: tuân thủ quy định về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Luật này và Luật doanh nghiệp; chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá; quản lý hoạt động nghề nghiệp của thẩm định viên về giá thuộc quyền quản lý; thực hiện chế độ báo cáo;…

Như vậy, nếu nhìn vào 2 quy định nêu trên của Luật giá 2012 thì các doanh nghiệp hoạt động thẩm định giá hoạt động trên tinh thần “tự nguyện” tôn trọng pháp luật bởi lẽ không có bất cứ một cơ quan hay cơ chế nào giám sát quá trình thực hiện để cho ra kết quả thẩm định gía này. Chỉ đến khi các vụ việc bị phát giác thì Thanh tra, Kiểm toán nhà nước mới vào cuộc thì “sự cũng đã thành” và việc khắc phục thiệt hại trở nên khó khăn, phức tạp khi đã can hệ đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Đây chính là điểm hổng lớn dẫn tới giá thành của các thiết bị y tế bị đội lên rất nhiều với giá trị thực, khi mà các thẩm định viên có thể dễ dàng thông đồng với các công ty cung ứng thiết bị và lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức đấu thầu thực hiện mua sắm để cố tình làm sai lệch ngay từ khi bắt đầu quá trình định giá.

Ngăn biến thể Việt Á

Câu hỏi: Thưa ông, trong vụ việc này, việc “thổi” giá thành sản phẩm từ việc lợi dụng kẽ hở  của Luật Giá được tiến hành như thế nào?

Trả lời:

Trong vụ việc này, kit xét nghiệm COVID-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên giám đốc Công ty Việt Á đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.

Sau đó, Giám đốc Công ty Việt Á đã thông đồng với lãnh đạo một số đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống, lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá, … cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Như vậy, các bên liên quan đã lợi dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn trong mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 để trục lợi.

 

Câu hỏi: Làm thế nào để có thể khắc phục được tình trạng này, thưa ông?

Trả lời:

Những vụ án trên cho thấy công tác tổ chức đấu thầu đang có những lỗ hổng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng. Những “điểm mở” trong các quy định về đấu thầu và hoạt động định giá này đã khiến người đại diện cho cơ quan có thẩm quyền dễ dàng bị thao túng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện những hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu. Do đó để ngăn chặn hành vi này cần phải có sự điều chỉnh ngay những nội dung bất cập trong quy định về chỉ định thầu tại Điều 22 Luật Đấu thầu 2013.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để hạn chế sự làm quyền của các thẩm định viên cũng như các doanh nghiệp hoạt động về thẩm định giá, bổ sung quy định khắt khe hơn về tiêu chuẩn đào tạo, tuyển dụng và cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thẩm định giá; chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân hành nghề thẩm định giá; công khai những trường hợp vi phạm, …

Với trường hợp của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á vừa qua thì việc căn cứ vào giá được công bố trên cổng thông tin này cũng đang là vấn đề gây tranh cãi. Mặc dù Bộ Y tế đã thông báo đây chỉ là giá tham khảo chứ không phải giá bắt buộc áp dụng vậy nên các địa phương, đơn vị cần thực hiện mua sắm, đấu thầu theo đúng quy định và tự chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.

Điều này mặc nhiên đẩy các địa phương, cơ sở y tế vào sự bối rối vì cũng không nắm được giá thành thật sự của sản phẩm nên chỉ có thể lấy đúng giá công bố trên Cổng Công khai giá. Chính vì thế, Bộ y tế cũng nên bổ sung thêm quy trình xem xét, kiểm tra và đánh giá chất lượng cũng như giá thành của các thiết bị này trước khi công bố trên Cổng Công khai giá để có thể trở thành kênh thông tin chính xác, đảm bảo việc đấu thầu thực hiện mua sắm thiết bị y tế trở nên minh bạch hơn.

Theo đó, các biện pháp quản lý giá bao gồm đưa trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm vào mặt hàng phải kê khai giá. Quy định cụ thể nội dung kê khai giá: giá vốn nhập khẩu hoặc giá vốn sản xuất, chi phí quản lý, chi phí đào tạo, bồi dưỡng, chi phí bảo hành, lợi nhuận dự kiến và giá bán cuối cùng.

Trên đây là quan điểm của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law về vấn đề “Ngăn các biến thể Việt Á trong tương lai”