Ngăn sở hữu chéo ngành tài chính ngân hàng: Cần cơ chế giám sát đủ mạnh

0
26

Trước thực tế vẫn có tình trạng lách luật, theo chuyên gia, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát cũng như có cơ chế đủ mạnh để ngăn sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn. Bài viết dưới đây có tham khảo ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLAW và các chuyên gia khác.

Để tăng cường kiểm soát tình trạng sở hữu chéo trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã đưa ra nhiều quy định chặt chẽ hơn về công khai thông tin hay giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần. Cụ thể, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, một cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; một cổ đông tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ; cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ.

Đi cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các thông tư liên quan nhằm góp phần hạn chế sở hữu chéo, sở hữu có tính chất chi phối hoạt động của tổ chức tín dụng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cấp tín dụng. Và gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo Thông tư quy định việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ cho phép phải xây dựng và thực hiện lộ trình tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có trường hợp “lách luật” thông qua việc nhờ người thân hoặc nhân viên đứng tên hộ. Điều này tạo ra một hệ sinh thái sở hữu chéo chằng chịt, gây khó khăn lớn trong quản lý.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLAW

Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho hay, hiện có tình trạng nhân viên vì sức ép của lãnh đạo mà phải chấp nhận đứng tên thay cho sếp ở công ty sân sau. Thông thường, một công ty sân sau như vậy sẽ có 2 Hội đồng quản trị, trong đó lãnh đạo thực sự là ông chủ ngân hàng. Nhân viên đứng tên thay chỉ làm nhiệm vụ ký hộ chứ không có quyền quyết định, dẫn tới hệ lụy pháp lý lớn.

“Cần phải điều tra dòng tiền của các ông chủ lớn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng để kiểm soát đúng ngọn nguồn sở hữu chéo”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà bày tỏ.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế cho rằng, tại Việt Nam có tình trạng “nói một đằng nhưng làm một nẻo” dẫn đến chưa kiểm soát được sở hữu thực sự của một cá nhân hay một tổ chức kinh tế tại ngân hàng.

“Cổ đông có thể lách quy định sở hữu bằng việc nhờ đứng tên hộ, nhưng điều này thường sẽ không giấu được cơ quan chức năng. Muốn làm quyết liệt thì sẽ làm được, việc điều tra một người có liên quan đến ai trong ngân hàng không khó”, ông Hiếu chia sẻ.

Đề xuất Việt Nam nên có đạo luật về quản lý tập đoàn tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu lấy ví dụ hoạt động ở Mỹ, những ngân hàng thuộc về các tập đoàn tài chính được quy định theo Bank Holding Act sẽ do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thanh tra. Bank Holding Act có quy định chặt chẽ về hoạt động của các tập đoàn tài chính và các công ty con, đặc biệt là các quy định chuyển giá để ngăn chặn việc các công ty con cho nhau vay, nhiều doanh nghiệp lợi dụng vay lãi suất ưu đãi, với điều kiện dễ dàng, đưa đến rủi ro khủng khoảng.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, công tác thanh tra, giám sát cũng cần được cải cách mạnh mẽ, áp dụng các chế tài nghiêm khắc hơn, chẳng hạn như rút giấy phép hoạt động đối với những ngân hàng vi phạm quy định sở hữu nhiều lần.

“Chỉ cần xử lý nghiêm một vài trường hợp điển hình, toàn hệ thống sẽ phải thay đổi. Giải bài toán xử lý sở hữu vượt trần không chỉ đòi hỏi sự chặt chẽ trong khung pháp lý mà còn cần ý thức tự giác từ chính các ngân hàng và cổ đông. Nếu không có những bước đi quyết liệt, tình trạng lách luật và sở hữu chéo tiếp tục là điểm nghẽn lớn trong hệ thống ngân hàng Việt Nam” ông Hiếu nhấn mạnh.

Liên quan đến mô hình tập đoàn tài chính tại Việt Nam, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho hay, hạn chế của mô hình này là sở hữu chéo chằng chịt. Trong điều kiện không minh bạch thì vô cùng khó kiểm soát. Cùng với đó là việc tuồn vốn cho công ty sân sau dễ dãi, tạo rủi ro lan truyền trong hệ thống, ưu đãi nội bộ nhằm lách luật, thiếu minh bạch.

Ngăn sở hữu chéo ngành tài chính ngân hàng Cần cơ chế giám sát đủ mạnh - SBLAW.jpg
Ngăn sở hữu chéo ngành tài chính ngân hàng Cần cơ chế giám sát đủ mạnh

Đề xuất về giải pháp quản lý các tập đoàn tài chính lành mạnh với hai điểm chính, ông Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh, đầu tiên, quan trọng nhất là câu chuyện minh bạch và thực thi công tác quản lý, giám sát đầy đủ, khách quan trung thực và phải nâng các chuẩn mực tài chính. Vấn đề thứ hai là cơ chế giám sát hợp nhất.

“Nếu chỉ có một ngân hàng thì theo cơ chế, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước giám sát. Nếu là công ty bảo hiểm thì Bộ Tài chính giám sát, các lĩnh vực khác thì có thêm Ủy ban Chứng khoán… Tuy nhiên, cơ chế lại thiếu một người đứng đầu giám sát chung. Vì thế, theo tôi, nếu như đứng đầu tập đoàn tài chính là ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước giám sát, chứng khoán đứng đầu thì Bộ Tài chính phải giám sát”, ông Hòe nêu quan điểm.

Và nhìn về dài hạn, nên cụ thể hơn trong luật về thanh tra giám sát, Luật Kiểm toán, Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi gồm các điều khoản cụ thể về quản lý giám sát tập đoàn tài chính. Một nghị định mới quy định về vấn đề này cần được xây dựng, đưa ra những quy định mang tính chất nền móng về những nội dung quy định về tổ chức, trách nhiệm của ban quản trị đứng đầu tập đoàn tài chính, điều lệ của tập đoàn tài chính. Mục tiêu hướng tới các tập đoàn tài chính có một cấu trúc tổ chức và quản lý minh bạch, nhất quán với chiến lược tổng thể.

“Trong đó, các chủ sở hữu lớn, các thành viên ban quản trị, quản lý cấp cao và những người nắm giữ vị trí quan trọng trong một tập đoàn tài chính phải đáp ứng những điều kiện nhất định”, ông Hòe chia sẻ.

Tham khảo thêm >> Tư vấn pháp luật ngân hàng