Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí

0
454

Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí.
Ngày 16 tháng 10 năm 2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2015/NĐ – CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí.
Nghị định này gồm có 8 chương và 87 điều quy định một số nội dung sau:
* Đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng
– Về đối tượng điều chỉnh: Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động dầu khí; tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động dầu khí.
– Về phạm vi áp dụng: Nghị định quy định chi tiết về cơ sở để tiến hành hoạt động dầu khí; đấu thầu dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; hợp đồng dầu khí; trữ lượng và phát triển mỏ; thu dọn công trình cố định, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí; quản lý nhà nước về hoạt động dầu khí và điều khoản thi hành.
*Ưu tiên sử dụng lao động Việt Nam trong khai thác dầu khí
Theo Nghị định thì tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí được phép tuyển dụng người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, nhưng vẫn phải ưu tiên sử dụng lao động là người Việt Nam.
Đồng thời, tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí phải mua bảo hiểm đối với công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bên thứ ba, bảo hiểm con người… theo quy định của pháp luật và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế; khuyến khích mua bảo hiểm của công ty bảo hiểm có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực dầu khí đang hoạt động tại Việt Nam.
* Quy định về việc tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí
Theo đó, Nghị định quy định, tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí phải thực hiện các công việc về an toàn. Cụ thể:
– Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí phải lập vùng an toàn và duy trì tín hiệu an toàn cho các công trình dầu khí và máy móc thiết bị như khoảng cách tối thiểu vùng an toàn cho các công trình dầu khí trên biển là 500m trở ra tính từ rìa ngoài cùng của các công trình về mọi phía hoặc từ vị trí thả neo đối với các phương tiện nổi, công trình di động, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
– Trong phạm vi 2 hải lý tính từ rìa ngoài cùng của công trình dầu khí (bao gồm các công trình ngầm dưới đáy biển), các phương tiện, tàu thuyền không được thả neo, hoặc tiến hành các hoạt động ngầm dưới đáy biển;
– Trong phạm vi vùng an toàn, người không có trách nhiệm không được xâm nhập, trừ trường hợp đặc biệt do nhà thầu chấp thuận hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định;
– Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí không được xây dựng công trình, thả phương tiện nổi cũng như không thiết lập vành đai an toàn xung quanh công trình, phương tiện ở nơi có nguy cơ cản trở cho việc lưu thông các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế và tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý cảng biển, luồng hàng hải…;
– Tổ chức, cá nhân tiến hành khai thác dầu khí phải tuân thủ các quy định về khai thác tài nguyên dầu khí. Thực hiện đúng nội dung kế hoạch phát triển mỏ dầu khí hoặc kế hoạch phát triển sớm mỏ dầu khí đã được phê duyệt. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật và thiết bị tiên tiến nhằm thu hồi dầu khí tối ưu nhưng không gây tác hại đến lòng đất, môi trường sinh thái và an toàn mỏ.
* Cơ sở để tiến hành hoạt động dầu khí
– Trên cơ sở hợp đồng dầu khí hoặc thỏa thuận khác được ký kết với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của Luật Dầu khí, Nghị định này và văn bản có liên quan;
– Công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trực tiếp tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí theo quy định của Nghị định này;
– Việc lựa chon nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi được áp dụng trên nguyên tắc cạnh tranh quốc tế và không qua bước sơ tuyển. Mọi tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 8 Nghị định này đều được tham gia dự thầu.
* Điều kiện dự thầu
1. Bên dự thầu phải đáp ứng đủ các điều kiện: Bên dự thầu là tổ chức phải có đăng ký thành lập, hoạt động được cấp theo quy định của quốc gia bên dự thầu đang hoạt động; không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc không có khả năng trả nợ theo quy định của pháp luật; không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu.
2. Đối với bên dự thầu là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật của quốc gia mà cá nhân đó là công dân; không đang bị truy cứu là trách nhiệm hình sự; không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu.
3. Có đủ năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí;
4. Đã hoặc đang tham gia tối thiểu hai hợp đồng tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí.
– Nghị định cũng nêu rõ hợp đồng dầu khí được ký kết theo hình thức hợp đồng chia sản phẩm dầu khí hoặc hình thức khác do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thỏa thuận với nhà thầu và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
– Hợp đồng dầu khí phải tuân thủ hợp đồng mẫu do Chính phủ ban hành, trừ trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
– Trường hợp hợp đồng dầu khí chỉ quy định thời hạn chung, không phân biệt thời hạn đối với dầu và khí, thời hạn đó sẽ áp dụng cho cả dầu và khí;
– Trường hợp hợp đồng dầu khí chỉ quy định thời hạn đối với khí nhưng có cả phát hiện dầu trong diện tích hợp đồng, thời hạn hợp đồng dầu khí đối với dầu là không quá 25 năm và đối với các dự án khuyến khích đầu tư dầu khí, thời hạn hợp đồng đối với dầu không quá 30 năm;
– Trường hợp hợp đồng dầu khí chỉ quy định thời hạn đối với dầu nhưng có phát hiện khí trong diện tích hợp đồng, thời hạn hợp đồng dầu khí đối với khí không quá 30 năm;
– Trường hợp hợp đồng quy định cụ thể cả thời hạn đối với dầu và với khí, thời hạn hợp đồng dấu khí được áp dụng theo quy định trong hợp đồng.
* Quy trình đấu thầu
Quy trình đấu thầu rộng rãi gồm các bước sau:
1. Lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu
– Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lập kế hoạch đấu thầu, báo cáo Bộ Công Thương để tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoặc văn bản đề nghị, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan;
– Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến kèm theo hồ sơ của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành gửi ý kiến bằng văn bản về Bộ Công Thương. Bộ Công Thương hoàn thành việc thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt (trong thời hạn 45 ngày kể từ khi nhận được đủ hồ sơ hoặc văn bản đề nghị).
2. Thông báo mời thầu
– Căn cứ vào kế hoạch đấu thầu đã được phê duyệt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ra thông báo mời thầu;
– Thông báo mời thầu được đăng liên tục trong năm (05) số báo liên tiếp trên năm (05) báo có uy tín phát hành hàng ngày, trong đó có ít nhất một (01) báo phát hành bằng tiếng Anh trên mạng thông tin trong nước hoặc nước ngoài bằng tiếng Việt và tiếng Anh;
– Thông báo mời thầu có thể được gửi trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân có quan tâm đến các lô mời thầu.
3. Đăng ký dự thầu và đọc tài liệu
– Bên dự thầu gửi đăng ký dự thầu cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Thời hạn đăng ký dự thầu không quá 45 ngày, kể từ ngày cuối cùng đăng thông báo mời thầu.
4. Phát hành hồ sơ mời thầu
– Căn cứ kế hoạch đấu thầu đã được phê duyệt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chuẩn bị hồ sơ mời thầu và phát hành hồ sơ mời thầu cho bên dự thầu;
– Hồ sơ dự thầu được lập thành một (01) bản gốc và hai (02) bản sao bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh theo quy định tại hồ sơ mời thầu. Đồng tiền sử dụng trong hồ sơ dự thầu là Đô la Mỹ.
5. Nhận hồ sơ dự thầu, mở thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu
– Việc tổ chức mở thầu phải đúng thời gian quy định trong hồ sơ mời thầu. Thành phần tham dự mở thầu bao gồm đại diện Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các thành viên tổ chuyên gia;
– Đại diện bên dự thầu được mời tham dự mở thầu. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành lập tổ chuyên gia để đánh giá thầu. Tổ chuyên gia làm việc theo quy chế do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quy định;
– Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành đánh giá thầu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương kết quả đánh giá thầu.
6. Thẩm định, phê duyệt và thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kết quả đấu thầu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông báo cho bên dự thầu về kết quả đấu thầu, trừ trường hợp đặc biệt khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
– Trên cơ sở kết quả đấu thầu đã được phê duyệt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông báo cho bên trúng thầu về kế hoạch đàm phán hợp đồng dầu khí.
7. Đàm phán và hoàn thiện hợp đồng dầu khí
– Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm đàm phán hợp đồng dầu khí trên cơ sở kết quả đấu thầu, chào thầu cạnh tranh hoặc chỉ định thầu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
– Thời gian đàm phán hợp đồng dầu khí không quá chín mươi (90) ngày, kể từ ngày Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông báo kết quả lựa chọn thầu.
8. Phê duyệt và ký kết hợp đồng dầu khí.
– Hợp đồng dầu khí được ký kết theo hình thức hợp đồng chia sản phẩm dầu khí hoặc hình thức khác do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thỏa thuận với nhà thầu và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận;
– Trường hợp nhà thầu vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ cơ bản được quy định trong hợp đồng dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
* Về điều khoản thi hành
– Nghị định này thay thế:
+ Nghị định số 48/2000/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Dầu khí;
+ Nghị định số 34/2001/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2001 của Chính phủ về ban hành Quy chế đấu thầu dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí;
+ Nghị định số 115/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2000/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Dầu khí;
+ Quy chế đấu thầu dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ban hành kèm theo Nghị định số 34/2001/NĐ-CP. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu khí; tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động dầu khí.
– Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2015