Câu hỏi:
Công ty tôi có trụ sở tại Hoa kỳ và có văn phòng đại diện tại Hà Nội. Ngày 21/4/2017, công ty tôi ký hợp đồng với Công ty A để bán hàng, thanh toán bằng thư tín dụng (L\C). Sau khi giao hàng vào ngày 30/4/2017, chúng tôi đã chuyển hóa đơn và vận đơn đến ngân hàng để yêu cầu thanh toán.
Tuy nhiên, đến nay công ty tôi chưa nhận được số tiền hàng, vận đơn và hóa đơn cũng không nhận lại được. Đối tác giải thích, gửi công văn đến chúng tôi từ chối việc thanh toán vì cho rằng họ chỉ nhận ủy thác nhập khẩu giúp cửa hàng B (vì cửa hàng B không có quyền nhập khẩu cà phê). Để giải quyết việc này, văn phòng đại diện tại Hà Nội đã ký biên bản thỏa thuận với Công ty A và cửa hàng B với nội dung cửa hàng B phải thanh toán nợ và lãi chậm trả đối với công ty tôi. Kể từ sau khi biên bản được ký kết, công ty tôi đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu thanh toán nhưng vẫn chưa nhận được tiền. Vậy công ty tôi nên khởi kiện Công ty A hay cửa hàng B để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi.
Liên quan đến thắc mắc của bạn, SB LAW xin tư vấn như sau:
Điều 17 Luật Thương mại 2005 có quy định về quyền của Văn phòng đại diện như sau:
“1. Hoạt động đúng mục đích, phạm vi và thời hạn được quy định trong giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.
- Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Văn phòng đại diện.
- Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Mở tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của Văn phòng đại diện.
- Có con dấu mang tên Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, theo quy định của luật thì văn phòng đại diện của công ty bạn không có quyền ký biên bản thỏa thuận với công ty A và cửa hàng B trừ khi được người đai diện theo pháp luật của công ty ủy quyền cho người của Văn phòng đại diện. Vì vậy có 2 trường hợp xảy ra:
Trường hợp 1: Văn phòng đại diện của công ty bạn ký kết thỏa thuận với công ty A và cửa hàng B mà không có sự ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp này thỏa thuận được ký giữa Văn phòng đại diện của công ty bạn với công ty A và cửa hàng B về việc cửa hàng B sẽ thanh toán nợ và lãi trả chậm đối với công ty là vô hiệu do đó người có nghĩa vụ thanh toán vẫn là công ty A. Vì vậy công ty bạn chỉ có thể khởi kiện công ty A để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ.
Trường hợp 2: Người đại diện theo pháp luật của công ty bạn đã tiến hành ủy quyền cho Văn phòng đại diện của công ty thì biên bản thỏa thuận mà Văn phòng đại diện đã ký với công ty A và cửa hàng B có giá trị hiệu lực pháp lý nên theo như biên bản thỏa thuận cửa hàng B là bên có nghĩa vụ thanh toán. Vì vậy công ty bạn sẽ khởi kiện cửa hàng B để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ và lãi chậm trả đối với công ty bạn.