Người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam có được không?

0
540

Câu hỏi: Công ty chúng tôi đang có 1 số đối tượng là người nước ngoài đến làm việc và sinh sống lâu dài tại Việt Nam, họ muốn mua nhà để ổn định cuộc sống, vậy vui lòng cho chúng tôi biết :
1/ Người nước ngoài có được mua nhà tại Việt Nam hay không ?
2/ Nếu được mua nhà thì họ có được các quyền như người bản xứ hay phải giới hạn về thời gian sở hữu
3/ Và nếu được phép mua thì họ cần phải cung cấp những giấy tờ gì để được làm thủ tục sở hữu tài sản đó?

Trả lời: Liên quan tới câu hỏi của bạn, luật sư SBLAW trả lời như sau:
1. Căn cứ vào Khoản 1, Điều 74, Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết về Luật Nhà Ở, Người nước ngoài đã được cấp thị thực hợp pháp vào Việt Nam và không thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao thì được phép mua nhà ở Việt Nam.

2. Quyền sở hữu nhà của Người nước ngoài về cơ bản giống với người bản xứ.

Tuy nhiên, quyền sở hữu nhà ở của Người nước ngoài phải tuân theo một số hạn chế sau đây:

– Chỉ được sở hữu nhà ở bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong các dự án đầu tư nhà ở thương mại (Khoản 1, Điều 75, Nghị định 99/2015/NĐ-CP)

– Số lượng nhà ở được phép sở hữu trong một dự án không được vượt quá 30% tổng số lượng căn trong một dự án. Trường hợp tổng số căn trong dự án chỉ khoảng 2,500 căn thì chỉ được sở hữu không quá 250 căn (Điều 76, Nghị định 99/2015/NĐ-CP).

– Quyền sở hữu nhà ở không được vượt quá 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (Điểm c, Khoản 2, Điều 161, Luật Nhà ở năm 2014).

3. Để làm thủ tục mua nhà, người nước ngoài cần cung cấp giấy tờ sau:

– Bản gốc hộ chiếu

– Thị thực cho phép người đó vào Việt Nam (đang trong thời gian có hiệu lực).

SBLAW cũng lưu ý, tại một số dự án, nhân viên làm thủ tục thường yêu cầu người nước ngoài có thẻ tạm trú thì mới cho mua nhà. Nếu gặp trường hợp này, người mua cần phải giải thích cho họ quy định tại Khoản 1 Điều 74 Nghị định 99/2015/NĐ-CP.

– Lưu ý: Người nước ngoài chỉ được mua nhà khi họ đang có mặt tại Việt Nam theo thị thực nhập cảnh vào Việt Nam.

Phần tư vấn được thực hiện bởi luật sư Trần Trung Kiên từ SBLAW.