Người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với người lao động thì có hậu quả gì?

0
689

Câu hỏi: Tôi làm công nhân trong 1 công ty may.  Thời gian vừa rồi tôi có bị ốm nặng phải nằm viện 1 tháng và tôi có xin phép nghỉ ốm. Khi quay trở lại công ty thì mới biết chuyện tôi bị chấm dứt hợp đồng lao động không rõ lý do. Xin hỏi, công ty may đó chấm dứt hợp đồng với tôi có trái với pháp luật không? Và hậu quả như thế nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 39 Bộ luật Lao động 2012 quy định về trường hợp người sử dụng lao động không được chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động:

1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 của Bộ luật này.

2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.

3. Lao động nữ quy định tại khoản 3 Điều 155 của Bộ luật này.

4. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.”

Dẫn chiếu điểm b khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động 2012:

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

……

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

……

Việc bạn nghỉ ốm 1 tháng đã xin phép thì công ty không thể chấm dứt hợp đồng lao động với bạn. Trong trường hợp này công ty đã chấm dứt hợp đồng trái pháp luật vì đã vi phạm vào khoản 1 Điều 39 Bộ luật Lao động 2012. Hậu quả của việc công ty chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật được quy định chi tiết tại Điều 42 Bộ luật Lao động 2012:

“1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.”

Như vậy, tùy theo nguyện vọng của các bên có thể xử lý hậu quả của việc người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng trái pháp luật với người lao động theo từng khoản của Điều 42 Bộ luật Lao động 2012.

Công ty luật tư vấn chuyên nghiệp tại Hà Nội – Văn phòng luật uy tín