Nguyên tắc xây dựng Điều lệ công ty là gì? Những điều cần lưu ý khi lập Điều lệ công ty?

0
486

Điều lệ công ty là một tài liệu bắt buộc phải có trong hồ sơ đăng ký kinh doanh và hoạt động. Điều lệ có thể coi như “hiến pháp” của công ty, là bộ quy tắc ứng xử của công ty, là văn bản ghi nhận sự phân chia quyền và nghĩa vụ các thành viên, là cơ sở để thực hiện các quyền và giải quyết tranh chấp khi xảy ra.

Điều lệ công ty tự soạn thảo và tự thỏa thuận, không được trái với các quy định của pháp luật. Điều lệ công ty phải được lưu trong hồ sơ công ty, lưu tại phòng đăng ký kinh doanh. Luật Doanh nghiệp 2005 không quy định việc xác nhận, phê duyệt của cơ quan Nhà nước; đồng thời việc công chứng Điều lệ do công ty tự quyết định, Luật Doanh nghiệp 2005 cũng không buộc Điều lệ phải được công chứng mới có giá trị.

Việc xây dựng Điều lệ công ty cần dựa trên các nguyên tắc sau:

– Không được trái pháp luật;

– Không được xâm phạm đến lợi ích của bên thứ ba;

– Tự nguyện và thoả thuận trong giới hạn pháp luật quy định.

Do vậy, khi xây dựng Điều lệ công ty phải chú ý các nội dung sau đây:

– Điều lệ công ty là một hợp đồng nhiều bên dựa trên nguyên tắc tự nguyện, thỏa thuận để quy định quyền và nghĩa vụ của các bên, tổ chức quản lý, hoạt động của công ty;

– Điều lệ không được trái với các quy định của pháp luật; – Điều lệ phải có đủ các nội dung chủ yếu quy định tại Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2005. Có nhiều quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 cho phép tự thỏa thuận trong điều lệ, nhưng các thỏa thuận này không vượt qua giới hạn “trần” và “sàn” và có thể quy định một số nội dung khác như giải quyết tranh chấp, thanh lý tài sản…

Ngoài ra, khi soạn thảo điều lệ, cần chú ý làm rõ một số nội dung sau:

– Thể thức thông qua quyết định của từng cơ quan trong cơ cấu tổ chức quản lý, nguyên tắc giải quyết tranh chấp giữa các thành viên;

– Nguyên tắc định giá doanh nghiệp;

– Những trường hợp thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp, các tỷ lệ áp dụng cho các trường hợp triệu tập cuộc họp, thông qua các nghị quyết, quyền triệu tập họp Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông;

– Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty, thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.

 Theo Luật gia: Cao Bá Khoát và Luật sư : Trần Hữu Huỳnh.