Nhãn hàng hóa là gì?

0
722

Câu hỏi: Mình là Tràm, ở Hà Nội. Quý công ty cho mình hỏi: Nhãn hàng hóa là gì?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

“Nhãn hàng hoá” là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá.

Hàng hóa lưu thông trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải có nhãn hàng hóa, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật.

Nhãn hàng hóa được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.  nhãn hàng hóa là để cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về sản phẩm (như: tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức chịu trách nhiệm về hang hóa; xuất xứ hang hóa; các tiêu chuẩn kỹ thuật của hang hóa hay thành phần, định lượng, hạn sử dụng, … của hàng hóa) để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm hàng hóa. Đồng thời để nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chưc năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát sản phẩm, hàng hóa.

Nội dung ghi nhãn hàng hoá kể cả nhãn phụ phải bảo đảm trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hoá. Một nhãn hàng hóa bắt buộc phải có các thông tin sau:

– Tên hàng hoá;

– Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá;

– Xuất xứ hàng hoá.

Ngoài ra, tùy tính chất của từng loại hàng hóa, phải thể hiện trên nhãn hàng hóa nội dung bắt buộc quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan. Nhãn hàng hóa có xuất xứ khác nhau thì trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa cũng khác nhau. Điều 10 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về Nhãn hàng hóa quy định:

“1. Hàng hoá được sản xuất, lắp ráp, chế biến, đóng gói tại Việt Nam để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hoá phải chịu trách nhiệm về việc ghi nhãn.

2. Hàng hoá được sản xuất, chế biến tại Việt Nam để xuất khẩu thì tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hoá phải chịu trách nhiệm về việc ghi nhãn.

Trong trường hợp hàng hoá không xuất khẩu được mà đưa trở lại lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hoá ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này.

3. Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 9 của Nghị định này trước khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc”.

Ngôn ngữ thể hiện trên nhãn hàng hóa tiêu thụ trên thị trường là tiếng Việt, đối với hàng hóa nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt kèm theo, trên nhãn phụ phải thể hiện đấy đủ các nội dung bắt buộc của nhãn gốc.