Nhiều vướng mắc BHNN cần tháo gỡ

0
451

Sản xuất nông nghiệp của nước ta gặp rất nhiều rủi ro trong quá tình sản xuất bởi thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh. Để chia sẻ rủi ro với nông dân, ngày 01 tháng 03 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 315/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm bảo hiểm  nông nghiệp; kèm theo đó là hàng loạt văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn trong đó quy định việc Nhà nước hỗ trợ phí BHNN, các chính sách BH khi sản xuất gặp rủi ro…

Một chính sách ưu việt như thế, nhưng đến nay nông dân vẫn chưa mặn mà tham gia bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), bên cạnh đó còn xảy ra tình trạng trục lợi từ BHNN. Vậy đâu là nguyên nhân? Để ngăn chặn tình trạng trục lợi BHNN phải có giải pháp gì?  Đó là vấn đề TTV đặt ra với luật sư Nguyễn Thanh Hà  (Chủ tịch Công ty Luật SB Law- Hà Nội), luật sư Hà cho biết:

BHNN là một biện pháp tốt nhất nhắm giảm thiểu thiệt hại cho nông dân khi gặp rủi ro. Nông dân tham gia bảo hiểm chỉ cần đóng một khoản phí là sẽ được công ty bảo hiểm đền bù tổn thất khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Và Chính phủ sẽ hỗ trợ phí bảo hiểm cho người tham gia thí điểm BHNN: hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ 100%; cận nghèo sản xuất nông nghiệp 90%; hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo; tổ chức sản xuất nông nghiệp 20% (khoản 2, Điều 1, Quyết định số: 315/QĐ-TTg)

BHNN mang lại sự ổn định tài chính cho nông dân; góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao nhận thức cho người nông dân trong sản xuất …Tuy nhiên, kết quả BHNN trong những năm qua chưa được như mong muốn, bởi lẽ: rủi ro trong sản xuất nông nghiệp là rất lớn và thường xuyên, doanh nghiệp bảo hiểm  phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ cao nên ít doanh nghiệp tham gia; sản xuất nông nghiệp chịu tác động mạnh của các yếu tố thiên nhiên, nên công tác quản lý rủi ro gặp khó khăn; doanh nghiệp bảo hiểm muốn chọn sản phẩm và đối tượng có mức độ rủi ro thấp để nhận bảo hiểm, ngược lại nông dân lại muốn bảo hiểm cho sản phẩm có mức độ rủi ro cao, thường xuyên bị thiệt hại; quy định về đối tượng được bảo hiểm chưa khớp với nhu cầu thực tế của nông dân ở từng địa phương; công tác đánh giá rủi ro về mức độ thiệt hại và quy trình để bồi thường thiệt hại khá phức tạp; điều kiện để nông dân, chủ trang trại được hưởng BHNN cũng có nhiều vướng mắc …Trong phạm vi bài viết này, không thể phân tích hết những vướng mắc đó.

Về phía nông nông dân, chủ trang trại, theo luật sư vướng mắc nhất để được tham gia và hưởng BHNN là gì?

Để được tham gia, thanh toán bảo hiểm là hộ nông dân, chủ trang trại phải thỏa mãn điều kiện về quy mô sản xuất, mức độ thiệt hại,…được quy định tại Thông tư  47/2011/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong quy định này có nhiều bất cập:

Thứ nhất: Điểm a, khoản 4, Điều 5 quy định:  Tổng đàn có từ 200 con trở lên đối với gà, vịt thịt và quy mô từ 100 con đối với gà, vịt đẻ thì được bảo hiểm. Với quy mô này thì người nghèo lấy đâu ra vốn để nuôi hàng trăm con gà, vịt để được tham gia bảo hiểm?

Thứ hai: Quy định về mức độ thiệt hại để được thanh toán bảo hiểm quá cao: Theo quy định tại khoản 5, Điều 3 thì chỉ khi thiên tai, dịch bệnh làm cho năng suất lúa thu hoạch của vùng thấp hơn 75% năng suất bình quân vụ sản xuất trong 3 năm gần nhất; chăn nuôi thiệt hại ở mức 20%; thủy sản nuôi ở mức 30% trở lên (theo giá trị kinh tế) thì được bảo hiểm. Tôi cho rằng ngưỡng tỷ lệ thiệt hại được chi trả bảo hiểm như vậy là cao, không hấp dẫn người sản xuất tham gia mua bảo hiểm.

Thứ ba: Theo tinh thần quy định tại khoản 3, Điều 3 thì chỉ khi nào có quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công bố dịch thì người sản xuất mới được chi trả bảo hiểm. Tuy nhiên, việc chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công bố dịch phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của pháp luật hiện. Như vậy, nếu trâu, bò, lợn có chết mà chưa có quyết định công bố dịch thì người sản xuất vẫn không được chi trả bảo hiểm.

Một trong những điều kiện để được thanh toán BH khi gặp rủi ro là nông dân, chủ trang trại phải thực hiện đúng quy trình sản xuất theo quy định của Bộ NN&PTNT. Ông đánh giá thế nào về quy định này?

Một trong những điều kiện để nông dân, chủ trang trại được thanh toán bảo hiểm khi gặp rủi ro là phải thực hiện một quy trình sản xuất chặt chẽ theo đúng quy định tại Thông tư  47/2011/TT-BNNPTNT . Về nguyên tắc thì quy định như thế là đúng, bởi lẽ anh thực hiện đúng quy trình theo quy định (ví dụ như tiêm phòng dịch đầy đủ… mà vật nuôi vẫn chết) thì anh mới được thanh toán BH. Tuy nhiên  nông dân không phải ai, lúc nào cũng làm được như thế. Đơn cử, để được BHNN trong chăn nuôi lợn thịt, hộ nông dân, chủ trang trại phải thực hiện quy trình với gần 20 tiêu chí ( quy định tại Phụ lục III ban hành theo Thông tư 47/2011/TT-BNNPTNT). Từ chọn giống; chăm sóc nuôi dưỡng đến quản lý chăn nuôi phải thực hiện đúng quy định này: Con giống phải được sản xuất ở những cơ sở có uy tín, an toàn về dịch bệnh; chuồng tại phải có địa điểm, khoảng cách an toàn sinh học đối với chăn nuôi tập trung, trang trại; rắc vôi bột hoặc phun hóa chất khử trùng xung quanh chuồng nuôi, khu chăn nuôi 01 lần/tuần khi không có dịch; thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy trình của cơ quan Thú y…Như vậy để thực hiện được quy trình sản xuất này là điều không dễ.

Còn về đối tượng bảo hiểm, theo luật sư quy định hiện hành đã phù hợp với mong muốn của nông dân, chủ trang trại?

Tôi cho rằng đối tượng đối tượng được bảo hiểm được quy định tại Khoản 5, Điều 1, Quyết định số: 315/QĐ-TTg còn hẹp, và đôi khi chưa phù hợp với mong muốn của nông dân, chủ trang trại. Ví dụ: Theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 1, Quyết định 315/QĐ-TTg thì tại Nam Định chỉ được thực hiện bảo hiểm đối với cây lúa. Tuy nhiên ở một số huyện vùng ven biển của Nam Định, có rất nhiều hộ nông dân, chủ trang trại nuôi ngao, nuôi tôm. Đây mới chính là đối tượng sản phẩm dễ gặp rủi ro và mức độ rủi ro cao. Đơn cử như cơn bão số 1 vừa qua, nước ngập trắng đồng, những hộ trồng lúa có thiệt hại nhưng so với những hộ nuôi trồng thủy hải sản thì không lớn, vả lại thiệt hại ấy sớm có thể được khắc phục nên nông dân chưa mặn mà với BHNN. Trong khi đó  nhiều hộ nuôi ngao, nuôi tôm mất trắng hàng trăm triệu đồng,  do đó nhiều chủ trang trại muốn được thực hiện bảo hiểm cho sản phẩm này. Tuy nhiên theo quy định trên thì ngao, tôm lại không thuộc đối tượng bảo hiểm. Cũng như thế ở những địa phương khác, trong nhiều trường hợp cũng có sự “vênh” về đối tượng bảo hiểm với mong muốn của nông dân, chủ trang trại.

Theo nhận định của một số Công ty bảo hiểm, thời gian qua có tình trạng trục lợi BHNN. Theo luật sư, làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này?

Tính chất đặc thù của BHNN là đối tượng bảo hiểm chịu nhiều ảnh hưởng từ thiên thiên, do đó rủi ro được bảo hiểm và rủi ro không được bảo hiểm rất khó kiểm soát. Mặt khác công tác quản lý rủi ro gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế đã có không ít tình trạng khai khống thủy sản, vật nuôi…bị chết để hưởng tiền bảo hiểm.

Để ngăn chặn tình trạng trục lợi BHNN, thì trước tiên Hợp đồng bảo hiểm giữa Công ty Bảo hiểm và nông dân, chủ trang trại phải chặt chẽ, chi tiết. Các bên cùng nghiêm túc thực hiện điều khoản ký kết, đồng thời phải tăng cường việc kiểm tra, giám sát. Cùng với nó là nâng cao công tác tuyên truyền cho nhân dân và tăng cường hơn nữa sự phối hợp chỉ đạo của chính quyền các cấp, các ngành nông nghiệp, tài chính và đặc biệt cần có sự vào cuộc đắc lực của Hội Nông dân.

Cảm ơn luật sư!

Theo Lê Chiên (thực hiện)