Những điểm mới trong Nghị định 128/2014/NĐ-CP về bán, giao, chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước

0
415

Những điểm mới trong Nghị định 128/2014/NĐ-CP về bán, giao, chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước

  1. Doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty thành viên) chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện sau:
  • Là doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, lĩnh vực kinh doanh chính hoặc có liên quan chặt chẽ tới ngành, lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn kinh tế, tổng công ty, nhóm công ty tiếp nhận chuyển giao.
  • Không thuộc diện giải thể hoặc mất khả năng thanh toán.
  • Thuộc diện chuyển giao doanh nghiệp trong Đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc được Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở thỏa thuận và đề nghị của bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao.
  1. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức kinh tế tài chính được thành lập theo pháp luật nước ngoài hoạt động kinh doanh tại nước ngoài hoặc tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài, trừ tổ chức kinh tế tài chính và cá nhân thuộc tổ chức kinh tế tài chính thực hiện tư vấn định giá, đấu giá bán doanh nghiệp được xác định là nhà đầu tư nước ngoài được tham gia cùng với các doanh nghiệp, công dân Việt Nam khác mua một phần của doanh nghiệp với điều kiện sau:
  • Đối với doanh nghiệp được bán thuộc ngành nghề, lĩnh vực mà Việt Nam có cam kết quốc tế về quyền được góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài được mua doanh nghiệp theo tỷ lệ không vượt quá mức cam kết quốc tế của Việt Nam.
  • Đối với các doanh nghiệp được bán thuộc các ngành nghề, lĩnh vực ngoài phạm vi cam kết, nhà đầu tư nước ngoài được mua doanh nghiệp theo tỷ lệ quy định của pháp luật về hạn chế tỷ lệ của nhà đầu tư nước ngoài tham gia ngành nghề, lĩnh vực đó.
  • Đối với doanh nghiệp được bán hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực; bao gồm một số ngành nghề, lĩnh vực có quy định khác nhau về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua doanh nghiệp không quá mức của ngành nghề, lĩnh vực có quy định tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài ở mức thấp nhất.
  • Ngoài những điều kiện trên nhà đầu tư nước ngoài được mua doanh nghiệp Việt Nam với tỉ lệ không hạn chế.
  1. Các nguyên tắc về chuyển giao doanh nghiệp:
  • Chuyển giao không thanh toán áp dụng trong trường hợp chuyển giao doanh nghiệp từ Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sang tập đoàn kinh tế, tổng công ty, nhóm công ty; chuyển giao doanh nghiệp giữa các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
  • Chuyển giao có thanh toán áp dụng trong trường hợp chuyển giao doanh nghiệp giữa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, nhóm công ty.
  • Thỏa thuận giữa bên chuyển giao với bên nhận chuyển giao phải phù hợp với các quy định của pháp luật về cạnh tranh.
  • Trường hợp chuyển giao doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thì phải chuyển giao nguyên trạng doanh nghiệp trên cơ sở ghi nhận sự tăng, giảm vốn chủ sở hữu theo giá trị sổ sách của doanh nghiệp chuyển giao; thực hiện đúng nguyên tắc không thanh toán và chỉ thực hiện kiểm kê, đánh giá thực trạng tài sản, tài chính, công nợ của doanh nghiệp, xác định lại giá trị doanh nghiệp.
  1. Giá khởi điểm bán doanh nghiệp được xác định theo nguyên tắc sau: Không thấp hơn tổng giá trị phần vốn nhà nước đã được xác định theo phương pháp tài sản, phương pháp dòng tiền chiết khấu, các phương pháp khác quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và giá trị quyền sử dụng đất (nếu có) theo giá công bố của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nếu người mua kế thừa các khoản nợ; không thấp hơn tổng giá trị doanh nghiệp đã được xác định nếu người mua không kế thừa các khoản nợ.

Giá bán doanh nghiệp căn cứ vào phương thức bán (bán đấu giá hoặc bán trực tiếp), phương thức thanh toán (một lần hoặc nhiều lần), mức giá đặt mua, số lao động mà người mua tiếp tục sử dụng để quyết định giá bán nhưng không thấp hơn giá khởi điểm.

  1. Chính sách đối với người lao động :
  • Đối với người lao động được tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp mới, doanh nghiệp được bán có trách nhiệm tính trả trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động làm việc tại doanh nghiệp từ thời điểm ký hợp đồng mua bán trở về trước và thực hiện giao kết hợp đồng lao động mới khi chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp mới.
  • Đối với người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động.
  • Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động được hưởng chế độ trợ cấp mất việc làm, thôi việc hoặc đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
  • Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Kế toán trưởng và người được cử làm đại diện phần vốn của doanh nghiệp được bán tại doanh nghiệp khác làm việc theo chế độ bổ nhiệm được Bộ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Hội đồng thành viên công ty mẹ xét từng trường hợp cụ thể để bố trí việc làm. Trường hợp không sắp xếp được việc làm hoặc cho thôi việc theo nguyện vọng thì thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức.
  1. Các nguyên tắc tổ chức thực hiện chuyển giao doanh nghiệp:
  • Đối với các trường hợp chuyển giao doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển giao nguyên trạng doanh nghiệp trên cơ sở ghi nhận sự tăng, giảm vốn chủ sở hữu theo giá trị sổ sách của doanh nghiệp chuyển giao: Bên nhận chuyển giao và bên chuyển giao doanh nghiệp thực hiện ghi tăng, giảm vốn chủ sở hữu theo giá trị sổ sách của doanh nghiệp chuyển giao.
  • Đối với các trường hợp chuyển giao doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển giao nguyên trạng doanh nghiệp theo nguyên tắc không thanh toán và chỉ thực hiện kiểm kê, đánh giá thực trạng tài sản, tài chính, công nợ của doanh nghiệp, xác định lại giá trị doanh nghiệp: Bên chuyển giao doanh nghiệp tiến hành kiểm kê, đánh giá thực trạng tài sản, tài chính, công nợ của doanh nghiệp, xác định lại giá trị doanh nghiệp theo các nguyên tắc xử lý tài sản, xử lý các khoản nợ và tiến hành chuyển giao doanh nghiệp cho bên nhận chuyển giao.
  • Đối với các trường hợp chuyển giao doanh nghiệp giữa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, nhóm công ty theo nguyên tắc chuyển giao có thanh toán và chuyển giao doanh nghiệp từ Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sang tập đoàn kinh tế, tổng công ty, nhóm công ty theo nguyên tắc chuyển giao không thanh toán.
  1. Nguyên tắc xử lý tài sản, tài chính, công nợ khi chuyển giao doanh nghiệp

Nguyên tắc xử lý chênh lệch tài sản kiểm kê:

  • Đối với tài sản thừa nếu không xác định được nguyên nhân hoặc không tìm được chủ sở hữu thì doanh nghiệp được ghi tăng giá trị thực tế phần vốn chủ sở hữu tương ứng với giá trị thực tế của tài sản thừa.
  • Đối với tài sản thiếu phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xử lý bồi thường theo quy định hiện hành. Giá trị tài sản thiếu sau khi trừ khoản bồi thường của tổ chức, cá nhân (nếu có) thì hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh.

Nguyên tắc xử lý tài sản:

  • Đối với tài sản mang đi góp vốn liên doanh hoặc nhận góp vốn liên doanh; tài sản thuê ngoài, thuê tài chính; tài sản mượn, giữ hộ và các tài sản khác không phải của doanh nghiệp thì doanh nghiệp và chủ sở hữu tài sản thỏa thuận việc tiếp tục hợp đồng hoặc thanh lý hợp đồng
  • Đối với tài sản chiếm dụng, doanh nghiệp xác định chủ sở hữu để hoàn trả hoặc tiếp tục duy trì hợp đồng thuê mượn tài sản.
  • Đối với tài sản thuộc công trình phúc lợi, tài sản dùng trong sản xuất kinh doanh được đầu tư bằng nguồn Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi của doanh nghiệp và số dư bằng tiền của quỹ này thì doanh nghiệp chuyển giao tiếp tục quản lý và sử dụng. Người lao động không tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp kể từ thời điểm ký hợp đồng chuyển giao doanh nghiệp thì được chi trả tương ứng từ Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi theo số năm thực tế làm việc tại doanh nghiệp trước khi chuyển giao doanh nghiệp.
  • Đối với tài sản không cần dùng, tài sản ứ đọng, tài sản chờ thanh lý, Giám đốc doanh nghiệp chuyển giao chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thanh lý, nhượng bán tài sản. Việc thanh lý, nhượng bán tài sản được thực hiện thông qua phương thức đấu giá công khai. Các khoản thu và chi phí cho hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản được hạch toán vào thu nhập và chi phí của doanh nghiệp.

Nguyên tắc xử lý các khoản nợ:

  • Đối với khoản nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước: Doanh nghiệp chuyển giao có trách nhiệm nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước trước khi chuyển giao; trường hợp doanh nghiệp chuyển giao chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước thì bên nhận chuyển giao doanh nghiệp có trách nhiệm kế thừa toàn bộ các khoản nợ được bàn giao và được trừ vào giá trị vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp khi thanh toán.
  • Đối với các khoản vay Ngân hàng Thương mại nhà nước, vay của các tổ chức, cá nhân khác, doanh nghiệp chuyển giao có trách nhiệm huy động các nguồn vốn hợp pháp để thanh toán các khoản nợ đến hạn trước khi chuyển giao doanh nghiệp; trường hợp doanh nghiệp chuyển giao chưa thanh toán hết các khoản nợ đến hạn thì bên nhận chuyển giao doanh nghiệp có trách nhiệm kế thừa toàn bộ các khoản nợ được bàn giao và được trừ vào giá trị vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp khi thanh toán.
  • Đối với các khoản nợ vay nước ngoài (có bảo lãnh hoặc không bảo lãnh) đã quá hạn, được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý vay nợ và trả nợ vay nước ngoài.
  • Đối với khoản nợ bảo hiểm xã hội, nợ người lao động, doanh nghiệp chịu trách nhiệm xử lý trước khi chuyển giao doanh nghiệp và được trừ vào giá trị vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp để thanh toán.
  • Bên nhận chuyển giao doanh nghiệp có trách nhiệm kế thừa các khoản nợ phải thu, phải trả của doanh nghiệp sau khi được xử lý.
  1. Doanh nghiệp chuyển giao sẽ được miễn phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (sửa đổi, bổ sung); được tiếp tục thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp về sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai.