Những lưu ý trong quá trình soạn thảo hợp đồng thương mại

0
487

Câu hỏi: Tôi định ký kết hợp đồng với một doanh nghiệp tại Đức tiêu thụ sản phẩm của công ty. Luật sư có thể cho tôi những lưu ý trong quá trình soạn thảo hợp đồng cũng như thực hiện hợp đồng hay không?

Luật sư trả lời:

Trong quá trình soạn thảo và thực hiện hợp đồng thương mại, bạn cần lưu ý:

Thứ nhất, bạn nên soạn thảo Dự thảo hợp đồng trước khi đàm phán:

  • Bước 1: Soạn dự thảo hợp đồng;
  • Bước 2: Đàm phán, sửa đổi bổ sung dự thảo;
  • Bước 3: Hoàn thiện – ký kết hợp đồng.

Đây là một quy trình cần thiết.

Thứ hai, doanh nghiệp có quyền tham gia ký kết hợp đồng thương mại, nhưng để xác định được quyền hợp pháp đó và tư cách chủ thể của các bên thì cần phải có tối thiểu các thông tin sau: Tên, Trụ sở, Giấy phép thành lập và người đại diện. Các nội dung trên phải ghi chính xác theo Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư của doanh nghiệp.

Thứ ba, về điều khoản chất lượng hàng hóa, chất lượng hàng hoá kết hợp cùng với tên hàng sẽ giúp các bên xác định được hàng hoá một cách rõ ràng, chi tiết. Trên thực tế, nếu điều khoản này không rõ ràng thì rất khó thực hiện hợp đồng và rất dễ phát sinh tranh chấp.

Thứ tư, về điều khoản giá cả, các bên khi thoả thuận về giá cả cần đề cập các nội dung sau: đơn giá, tổng giá trị và đồng tiền thanh toán.

Thứ năm, về điều khoản phạt vi phạm, trong thỏa thuận HĐ, bạn cần ghi chuẩn xác là phạt hay bồi thường nếu một trong hai bên vi phạm HĐ. Nếu phạt HĐ thì mức phạt tối đa là 8% giá trị vi phạm (không phải giá trị HĐ như lâu nay mọi người vẫn nghĩ), còn bồi thường thì phải chứng minh có sự thiệt hại.

Thứ sáu, về điều khoản giải quyết tranh chấp, đối với hợp đồng mua bán hàng hoá giữa bạn với doanh nghiệp tại Đức thì bạn phải quan tâm đến việc lựa chọn luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp là: luật của bên mua, luật của bên bán hay luật quốc tế (các công ước quốc tế – ví dụ: Công ước Viên năm 1980 về mua bán hàng hoá). Đây là vấn đề hết sức quan trọng, để tránh những thua thiệt do thiếu hiểu biết pháp luật của nước ngoài hay pháp luật quốc tế thì bạn nên chọn luật Việt Nam để áp dụng cho hợp đồng thương mại.