Những nội dung cơ bản của Luật phí và lệ phí sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017

0
452

Ngày 25/11/2015, Quốc hội đã ban hành Luật số 97/2015/QH13 về phí và lệ phí, thay thế cho Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 và Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án số 10/2009/PL-UBTVQH12 đã không còn phù hợp sau nhiều năm thi hành. Cụ thể, các nội dung mới của Luật phí và lệ phí 2015 bao gồm:

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

So với Pháp lệnh 2001 thì Luật mới đã có những quy định cụ thể, rõ ràng về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, cụ thể:

Phạm vi điều chỉnh: Luật phí và lệ phí 2015 quy định về Danh mục phí, lệ phí; người nộp phí, lệ phí; tổ chức thu phí, lệ phí; nguyên tắc xác định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí; thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức trong quản lý phí, lệ phí.

Đối tượng liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí gồm:

  • Cơ quan nhà nước (bao gồm cả cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài);
  • Đơn vị sự nghiệp công lập;
  • Tổ chức, cá nhân liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí.

Thuật ngữ “Phí” và “Lệ phí”

Định nghĩa về phí và lệ phí được quy định tại Luật mới như sau: Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này. Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật này.

Danh mục phí, lệ phí

Để khuyến khích chính sách về xã hội hóa, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước thì một số khoản phí, lệ phí đã được chuyển sang cơ chế giá trong đó có một số các sản phẩm, dịch vụ tuy được chuyển từ phí sang giá nhưng vẫn do nhà nước định giá. Cụ thể như sau:

STT TÊN PHÍ TÊN GIÁ SẢN PHẨM, DỊCH VỤ
1 Thủy lợi phí Sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi
2 Phí kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật, thực vật Dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật, thực vật
3 Phí đo đạc, lập bản đồ địa chính Dịch vụ đo đạc, lập bản đồ địa chính
4 Phí chợ Dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ
5 Phí sử dụng đường bộ Dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh
6 Phí qua đò, qua phà Dịch vụ sử dụng đò, phà
7 Phí sử dụng cảng, nhà ga Dịch vụ sử dụng cảng, nhà ga
8 Phí hoa tiêu, dẫn đường Dịch vụ hoa tiêu, dẫn đường
9 Phí kiểm định phương tiện vận tải Dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải
10 Phí kiểm định kỹ thuật máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn Dịch vụ kiểm định kỹ thuật máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn
11 Phí trông giữ xe Dịch vụ trông giữ xe
12 Phí phòng, chống dịch bệnh Dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y
13 Phí kiểm dịch y tế Dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng
14 Phí kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thuốc Dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thuốc
15 Phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn Dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt
16 Phí vệ sinh Dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt
17 Phí hoạt động chứng khoán Dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán

Miễn giảm phí, lệ phí

Các trường hợp được miễn giảm phí, lệ phí đã được quy định chi tiết trong Luật phí và lệ phí, đây cũng là một trong những điểm khác biệt so với Pháp lệnh cũ, bao gồm: trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm án phí và lệ phí tòa án; chính phủ quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền và Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền.

Thu, nộp, quản lý và sử dụng phí

Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước, trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí trên cơ sở dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước.

Số tiền phí được khấu trừ và được để lại quy định được sử dụng như sau:

  • Số tiền phí được để lại cho tổ chức thu để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng loại phí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định mức để lại cho tổ chức thu phí;
  • Số tiền phí để lại được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật; hàng năm phải quyết toán thu, chi. Số tiền phí chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.