Những quy định mới trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường và tính uy nghiêm của pháp luật.

0
435

Trong chương trình Vì anh ninh tổ quốc kênh VOV1, luật sư Nguyễn Thanh Hà có trao đổi về những quy định mới trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường và tính uy nghiêm của pháp luật.

Sau đây là nội dung của bài phỏng vấn:

Thưa các bạn! Từ ngày 1-2-2017, Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực. Trong Nghị định mới, Chính phủ đã quyết định tăng mức phạt vi phạm hành chính nhiều lần đối với hàng loạt các hành vi vi phạm. Cụ thể những thay đổi trong Nghị định này là gì, tính khả thi trong việc thực hiện ra sao, mời quý vị và các bạn cùng chúng tôi tìm hiểu trong chuyên mục Bạn và Pháp luật tuần này, với sự đồng hành của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law

Box thông tin: (đọc trên nền nhạc)

Sáng 28/2, Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự – Cơ động, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội phối hợp với công an phường Hàng Bông ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị tại ngã tư Tràng Thi – Triệu Quốc Đạt và dọc trên phố Phủ Doãn. Hàng loạt hộ kinh doanh bị nhắc nhở và xử phạt vì lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tập kết hàng hóa làm nơi buôn bán, kinh doanh. Mái che, mái vẩy, bục bệ, biển quảng cáo, bếp ăn… gây mất mĩ quan đô thị cũng bị dẹp bỏ. Trên phố Phủ Doãn, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính 6 triệu đồng theo Nghị định 155 với một phụ nữ do vứt rác thải ra đường.

Trước đó, ngày 13/2, 3 tài xế lái taxi cũng đã bị Công an quận Hoàng Mai xử phạt mỗi người hai triệu đồng vì có hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, trong những ngày đầu ra quân lập lại trật tự công cộng, Đội Quản lý trật tự đô thị, Quận 1 cũng đã lập biên bản 55 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp đi tiểu tiện không đúng nơi quy định.

Vâng, thưa Luật sư…, ông có suy nghĩ gì về việc các đô thị lớn đồng loạt ra quân xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường trong thời gian vừa qua?

Việc các đô thị lớn đồng loạt ra quân xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường trong thời gian vừa qua xuất phát từ một thực tế đang rất nóng bỏng và gây bức xúc trong dư luận xã hội cả nước – đó là tình trạng gây ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra. Có thể thấy hiện nay tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hay các làng nghề thủ công ở nước ta vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng về môi trường theo quy định pháp luật, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt tại các địa phương. Bên cạnh đó, tại các đô thị lớn, tình trạng ô nhiễm cũng lên tới mức báo động, đặc biệt là ô nhiễm không khí, tiếng ồn. Trước tình trạng là vậy song phần lớn ý thức của người dân hầu như không được nâng cao, mọi người dường như vẫn còn khá thờ ơ trước thực trạng ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép như hiện nay, do đó đây là lúc các cấp chính quyền thể hiện sự quan tâm cũng như trách nhiệm kiểm tra, giám sát, quản lý để giảm thiểu thực trạng trên.

Thực tế đây không phải là lần đầu tiên lực lượng chức năng xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường như xả rác, đi vệ sinh không đúng nơi quy định… Tuy nhiên, theo Nghị định 155 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-2 thì mức phạt đối với những hành vi này có gì khác?

Nghị định 155 được ban hành thay thế cho Nghị định 179/2013/NĐ – CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trước đây, Nghị định 179 quy định: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẫu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng” tuy nhiên cũng với hành vi này nhưng Nghị định 155 đã bỏ chế tài phạt cảnh cáo và nâng mức phạt tiền lên từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Hoặc đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng thay vì chỉ xử phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng thì với Nghị định mới, mức xử phạt đã nâng lên từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Bên cạnh mức xử phạt về những hành vi như Luật sư vừa nêu trên thì Nghị định 155 này còn có những điểm gì mới, thưa Luật sư?

Nghị định 155 quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Về cơ bản, điểm mới của Nghị định 155 so với Nghị định trước đây là chế tài xử phạt đã được tăng gấp nhiều lần, tạo sức răn đe đối với người vi phạm, thông qua đó nhằm nâng cao ý thức và thay đổi thói quen xấu của một bộ phận dân cư trong xã hội.

PTV: Đến các bến xe khách trên địa bàn thành phố Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh tàn thuốc lá, đầu mẩu thuốc vương vãi khắp trên mặt đất.  Khá nhiều biển cấm hút thuốc được treo ở bãi gửi xe, phòng bán vé nhưng cả lái xe, hành khách và thậm chí nhân viên trông xe, người làm nhiệm vụ soát vé vẫn cứ hút. Và dù cho nhà vệ sinh ở bến xe khá sạch sẽ, chỉ mất 2.000 đồng/lượt nhưng nhiều người vẫn cứ “tiện” đi vệ sinh ngay ngoài đường, cạnh các bờ rào, tường ngăn… Hành khách Lê Bá Thắng, ở Sơn La nói:

Băng: Tôi cũng có nghe nói đến quy định cấm hút thuốc lá  ở nơi công cộng, cấm đi vệ sinh bừa bãi nhưng đó là thói quen khó bỏ. Nhà xe hay hành khách đều tranh thủ hút điếu thuốc trước lúc lên xe, cộng với ý thức chưa cao nên cứ tiện tay vứt mẩu thuốc lá ra đất. Nam giới thì nhiều khi lười đi vào nhà vệ sinh của bến xe nên tiện đâu vệ sinh đó.

PTV: Tương tự như tại các bến xe, ngay ở cổng, các sảnh và hành lang bệnh viện Xanh Pôn có rất nhiều biển cấm hút thuốc lá nhưng nhiều người vẫn ngang nhiên hút  làm ảnh hưởng đến sức khỏe người khác. Chị Lê Thanh Huyền, quận Long Biên, Hà Nội bức xúc, nhiều người không có ý thức thấy biển cấm hút thuốc lá nhưng vẫn vô tư hút, nhả khói trước mặt bệnh nhân, con trẻ:

Băng: Biển cấm thì ở khắp mọi nơi, nhưng người ta vẫn cứ hút, người khác nhắc nhở thì cũng chỉ được một tí xong lại đâu vào đấy, nhiều khi mệt cũng chả buồn nhắc nữa, phải chịu ấm ức vì mùi thuốc lá xung quanh thôi.

PTV: Công viên cũng là nơi tàn, mẩu thuốc bừa bãi khắp nơi hay bất cứ gốc cây nào cũng có mùi khí “amoniac” nồng nặc. Điển hình như Công viên Hòa Bình, do diện tích rộng , nhà vệ sinh lại phân bố thưa thớt nên không ít người tìm bừa nơi “giải quyết nỗi buồn”. Bạn Nguyễn Lê Minh, sinh viên Đại học Mỏ – Địa chất chia sẻ,:

Băng: Mặc dù biết tiểu tiện nơi công cộng là bị phạt nhưng thật ra hệ thống nhà vệ sinh ở đây chưa thật tốt, vừa thiếu lại không sạch sẽ nên người ta vẫn ngại vào. Hơn nữa, quy định đã có nhưng chưa thấy ai bị phạt nên người ta vẫn cứ vi phạm

Vâng, thưa Luật sư… trong phóng sự ngắn vừa rồi thì có thể thấy, mặc dù những quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường đã có hiệu lực, các lực lượng chức năng cũng đã ra quân quyết liệt, song vì sao các vi phạm vẫn diễn ra phổ biến?

Như tôi đã trình bày ở trên, điểm mới nổi bật trong Nghị định 155 là tăng mức tiền xử phạt đối với các hành vi vi phạm, song trên thực tế nếu chỉ dừng lại ở các quy định pháp luật thì chưa đảm bảo được tính khả thi. Hiện tại, chúng ta cần nhìn nhận trực tiếp từ nguyên nhân dẫn đến việc các vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến. Tôi cho rằng trước mắt trách nhiệm vẫn cần đặt lên các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý nếu bắt gặp đối tượng vi phạm. Hiện tại, các cơ quan chức năng có liên quan vẫn chưa có sự tăng cường công tác phối hợp, nâng cao các trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ, phục vụ cho công tác xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cũng như nguồn nhân lực để thực hiện công tác thanh tra, giám sát còn ít nên đã không giải quyết được triệt để các vi phạm nêu trên.

Theo Luật sư…, cái khó của lực lượng chức năng trong việc thực thi Nghị định này là gì?

Hiện tại hầu hết các hành vi vi phạm thường xảy ra ở những nơi khó phát hiện, khó xử lý trong khi đó lực lượng chức năng còn hạn chế nên đã không bao quát được hết trong việc giám sát, xử lý các đối tượng này. Mặt khác, bên cạnh công tác quản lý thì chúng ta cũng cần nâng cao hơn nữa về ý thức của người dân song điểm khó ở đây là hạ tầng cơ sở còn thiếu, trên thực tế tại các thành phố hiện nay rất hiếm khi thấy các điểm bỏ rác hay nhà vệ sinh công cộng. Chính các yếu tố này đã tạo nên nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc thực thi pháp luật.

Thưa quý vị, thưa các bạn! Thời gian qua, chương trình Bạn và Pháp luật cũng đã nhận được nhiều thắc mắc của thính giả liên quan đến Nghị định 155/2016 của Chính phủ. Thính giả ở địa chỉ email hoanglelinh1206@gmail.com gửi thư về cho chương trình với nội dung sau: Các cơ quan chức năng đang tiến hành xử phạt vi phạm hành chính rất nặng với những trường hợp gây ô nhiễm môi trường. Vậy thế nào là hành vi vi phạm hành chính và đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường? Các hình thức xử phạt trong lĩnh vực này được quy định như thế nào? 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 2 Nghị định 155/2016, bao gồm:

  1. Cá nhân, tổ chức trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức) có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều bị xử phạt theo các quy định tại Nghị định này hoặc các Nghị định có liên quan.
  2. Hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.

Theo quy định tại Nghị định này, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính là: cảnh cáo, phạt tiền.

Một thính giả ở số điện thoại đuôi 134 gọi điện đến cho chương trình hỏi: Thưa Luật sư! Hiện nay trong khu vực khu dân chúng tôi có 1 hộ kinh doanh chăn nuôi lợn, gây mùi hôi thối rất khó chịu. Nếu chúng tôi làm đơn đề nghị xử lý việc hộ kinh doanh này gây ô nhiễm môi trường ở khu vực xung quanh thì liệu chấm dứt được không và hộ này sẽ bị xử lý như thế nào? Chúng tôi phải gửi đơn đến đâu?

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 155 thì các hành vi thải mùi hôi thối vào môi trường sẽ bị phạt cảnh cáo; đơn đề nghị xử lý các hộ kinh doanh gây ô nhiễm môi trường có thể được gửi Ủy ban nhân dân hoặc Công an nhân dân tại địa phương của bạn.

Thính giả Trịnh Quyết Đạt ở Hà Nội có hỏi: Tôi ở khu Nguyễn Xiển, gia đình tôi có sản xuất kinh doanh bàn ghế, vừa rồi có mấy nhà ở gần xưởng kiện vì bụi mùn cưa. Chương trình cho tôi hỏi là khi khắc phục xong bụi thì tôi phải mời trực tiếp người viết đơn kiện ra nghiệm thu để người đó rút đơn kiện hay phải làm sao ạ?

Về thủ tục kiểm tra, thanh tra và xác nhận đã khắc phục xong hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì bạn có thể tham khảo thêm Điều 55 Nghị định 155. Về cơ bản, kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường phải được lập thành báo cáo và gửi tới các cơ quan có thẩm quyền, tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Vâng, còn một số câu hỏi khác liên quan đến các quy định trong việc xử phạt hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên do thời lượng chương trình có hạn, chúng tôi xin hẹn quý thính giả trong một chương trình khác. Quay trở lại với việc thực thi các quy định mới theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, thưa Luật sư… rõ ràng là đối với những hành vi đã ăn sâu vào nếp sống của một bộ phận người dân như là vứt rác bừa bãi, đi vệ sinh, hút thuốc lá không đúng nơi quy định… thì việc xử phạt còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông, để xử lý triệt để các hành vi này, cần phải có những biện pháp như thế nào?

Trước hết phải khẳng định Nghị định 155 được ban hành là công cụ pháp lý hết sức quan trọng, cơ sở vững chắc để áp dụng trong việc xử lý các hành vi vi phạm về môi trường do đó điều đầu tiên cần chú trọng thực hiện là đưa Nghị định 155 vào đời sống. Cụ thể, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật tới các lực lượng tại các cơ quan quản lý cho tới mọi người dân trong xã hội. Chúng ta cần nâng cao phương pháp giáo dục bởi dù pháp luật có nghiêm minh đến đâu, cơ quan chức năng có quản lý chặt chẽ như thế nào thì ý thức của người dân vẫn là điều quan trọng nhất. Thay đổi được ý thức của người dân chính là giải pháp tốt nhất để ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Thứ hai, để có thể xử lý triệt để các hành vi này thì các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giám sát thông qua việc cử thêm nhiều lực lượng đi tuần tra, xử phạt ngay nếu phát hiện các hành vi sai phạm. Ngoài ra, có thể lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát để triển khai các hình thức phạt nguội các đối tượng vi phạm.

Bên cạnh đó, đối với các cơ sở công cộng hiện nay cần tăng cường các cơ sở hạ tầng như nhà vệ sinh, thùng đựng rác…. nhằm tạo điều kiện khi người dân có nhu cầu, giảm thiểu vi phạm.

Vâng, xin cảm ơn Luật sư…

Thưa các bạn! Mặc dù Nghị định 155/2016/NĐ-CP đã có chế tài xử phạt khá rõ ràng với các hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường song thực tế, những quy định này vẫn còn nhiều khó khăn khi áp dụng vào thực tế do lực lượng chuyên trách còn mỏng, thiếu trang thiết bị, kinh phí hoạt động, trong khi đó nhiều hành vi diễn ra nhanh, trong thời gian rất ngắn nên khó kiểm soát. Ngoài ra, việc quy định thẩm quyền xử phạt còn chung chung, những người có thẩm quyền lập biên bản chưa thực sự quyết liệt trong việc lập biên bản xử phạt nên đã dẫn đến hiện tượng “nhờn” luật. Đối với việc xử phạt hành vi về vệ sinh cá nhân, để quy định đảm bảo tính khả thi, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý thường xuyên, khi xử phạt cần đảm bảo tính công bằng, minh bạch để người dân nghiêm túc chấp hành. Bên cạnh đó, phạt tiền phải kèm theo các biện pháp xử lý mang tính chất văn hóa (ra văn bản khiển trách về khu dân cư hoặc cơ quan nơi công tác, viết cam kết không vi phạm lối sống văn hóa, công khai danh tính cá nhân của người vi phạm…). Tuy nhiên, để Nghị định thực sự đi vào đời sống thì điều quan trọng nhất là phải thực hiện một cách bền bỉ và quyết liệt, tránh tình trạng “chỉ ban hành rồi để đó”.

Chuyên mục Bạn và Pháp luật tuần này xin được dừng ở đây. Một lần nữa xin cảm ơn sự đồng hành của ông,……. Cảm ơn quý vị và các bạn đã để tâm theo dõi.