Chế tài xử lý hành vi buôn bán rượu giả

0
306

Nhận lời mời của Ban biên tập kênh VOV 1, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trả lời phỏng vấn với chủ đề Chế tài xử lý hành vi buôn bán rượu giả.

Câu hỏi 1: Thưa ông, trước hết xin ông thông tin cho thính giả về những quy định xử phạt liên quan đến hành vi sản xuất, kinh doanh rượu giả?

Hiện nay các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các liên quan đến sản xuất, kinh doanh rượu giả thì tùy vào mức độ vi phạm mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Việc xử lý các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh rượu giả được quy định chi tiết tại Mục 5 Nghị định 185/2013/NĐ – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tương ứng với mỗi hành vi vi phạm cụ thể mà pháp luật quy định mức xử phạt hành chính khác nhau. Bên cạnh đó, Người có hành vi vi phạm còn chịu một số hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất…..

Mặt khác, Bộ luật hình sự 1999 cũng có quy định, chế tài nghiêm khắc đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, cụ thể được quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự 1999 như sau:

“1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị  phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:

a)  Có tổ chức;

b)  Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d)  Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.

4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Câu hỏi 2: Thưa ông, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ngành chức năng đang ráo riết truy tìm rượu giả và ngành chức năng khuyến cáo, tuyên truyền người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm rõ nguồn gốc. Tuy nhiên việc tuyên truyền luật pháp đến những hộ kinh doanh sản xuất rượu lại có vẻ như chưa được quan tâm đúng mức?

Trên thực tế hiện nay các cơ quan chức năng mới chỉ chú trọng đến vấn đề quản lý, kiểm tra cũng như xử phạt đối với các hộ kinh doanh còn sai phạm mà chưa có những chủ trương cụ thể để đưa các quy định của pháp luật đi vào đời sống.

Do đó theo ý kiến của cá nhân tôi, các cơ quan chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương để đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật tới các đối tượng sản xuất, kinh doanh rượu.

Bên cạnh đó, cần hướng dẫn các hộ kinh doanh tiến hành xin các thủ tục cấp phép cũng như các thủ tục hành chính cần thiết khác có liên quan, tiến hành phổ biến giáo dục về vệ sinh an toàn thực phẩm, các chế tài xử phạt nếu vi phạm để các hộ kinh doanh tránh mắc phải các sai phạm.

Câu hỏi 3: Việc uống phải rượu giả rất có thể gây đến chết người nhưng hiện nay sản xuất, kinh doanh rượu giả mới chỉ dừng ở mức phạt hành chính (nhiều nhất là 60 triệu đồng), có những ý kiến cho rằng, cần phải có quy định xử lý hình sự, quan điểm của Luật sư về ý kiến này là như thế nào?

Như tôi đã trình bày ở trên, tùy vào mức độ tính chất của hành vi vi phạm mà các đối tượng có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả trên thực tế đã được quy định tại Bộ luật hình sự 1999 (Điều 156, 157).