SBLAW trân trọng gửi tới Quý khách hàng và đối tác một số thông tin quan trọng về pháp lý liên quan tới Bộ luật lao động và bảo hiểm xã hội để quý vị nắm được.
1.Một số điểm mới nổi bật trong Bộ luật lao động sửa đổi năm 2017
Bộ luật lao động ảnh hưởng rất lớn đến người lao động, do vậy, bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động. Dự kiến Bộ luật lao động mới thay thế Bộ luật lao động năm 2012 sẽ được trình Quốc hội thông qua và có hiệu lực trong năm 2019. Dưới đây là một số điểm mới nổi bật tại Bộ luật lao động sửa đổi năm 2017:
– Muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động chỉ cần tuân thủ thời hạn báo trước mà không cần lý do
Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi được lựa chọn việc làm tốt hơn cho người lao động và phòng chống cưỡng bức lao động: bất cứ khi nào người lao động cảm thấy không hài lòng với việc làm hiện tại hoặc tìm kiếm được việc làm tốt hơn thì họ sẽ thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần có lý do. Người lao động chỉ cần báo trước một thời hạn nhất định để doanh nghiệp chủ động tìm kiếm lao động thay thế.
– Được phép thỏa thuận thời gian làm thêm giờ nhiều hơn
Cụ thể, nâng giới hạn giờ làm thêm lên tối đa 12 giờ/ngày và 400 giờ/năm.
– Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình
Từ năm 2021, cứ mỗi năm tăng thêm 06 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
– Về hợp đồng lao động:
+ Bổ sung quy định thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động: để giải quyết bất cập trên thực tế là không xác định được ai là người có thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động đối với doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu;
+ Quy định rõ thời hạn của Phụ lục hợp đồng.
+ Cho phép ký hợp đồng lao động xác định thời hạn với lao động cao tuổi và lao động nước ngoài: đảm bảo phù hợp với thực tiễn.
+ Quy định rõ hơn về trách nhiệm của người sử dụng lao động phải nhận người lao động vào làm việc chính thức khi việc làm thử đạt yêu cầu
+ Quy định rõ đối với trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu: để giải quyết vướng mắc của DN trong việc sử dụng lao động cao tuổi trên thực tế.
– Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam:
Sửa đổi, bổ sung các quy định về công việc người nước ngoài được vào làm việc, điều kiện của người nước ngoài vào làm việc, …nhằm giải quyết vướng mắc, bất cập trên thực tiễn trong việc giới hạn công việc, điều kiện mà người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, đảm bảo tính minh bạch, linh hoạt trong việc sử dụng người lao động nước ngoài, đồng thời bảo vệ việc làm của những người lao động trong nước.
– Không bắt buộc hòa giải khi giải quyết tranh chấp lao động tập thể
Cụ thể là:
+ Khi phát sinh tranh chấp lao động tập thể về quyền, các bên có quyền quyết định lựa chọn vụ việc của mình sẽ được giải quyết thông qua hòa giải hoặc trọng tài hoặc xét xử.
+ Khi phát sinh tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, các bên tranh chấp có quyền quyết định lựa chọn việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải hoặc trọng tài. Tổ chức đại diện của người lao động có thể tiến hành thủ tục lấy ý kiến và thông báo trước đề đình công.
Việc sửa đổi theo hướng này không làm giảm nhẹ vai trò của hòa giải trong việc giải quyết tranh chấp lao động vì các bên vẫn có quyền yêu cầu hòa giải nếu họ muốn; đồng thời, góp phần khắc phục hạn chế về quy trình giải quyết tranh chấp lao động theo “một con đường độc đạo” của luật hiện hành mà các bên không thể thực hiện được trong suốt hơn 20 năm qua.
– Ban hành Bộ tiêu chí xác định tiền lương tối thiểu
Bao gồm các tiêu chí sau đây:
+ Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
+ Mức tiền lương phổ biến trên thị trường lao động.
+ Chi phí sinh hoạt.
+ Khả năng chi trả của người sử dụng lao động
+ Điều kiện kinh tế – xã hội; năng suất lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm và thất nghiệp của ngưởi lao động.
– Bỏ nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương
Mỗi đơn vị sử dụng lao động căn cứ vào điều kiện thực tế sản xuất kinh doanh tại từng doanh nghiệp sẽ chủ động tiến hành thỏa thuận, thương lượng tập thể để xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động để áp dụng và công bố công khai tại doanh nghiệp để người lao động biết, giám sát thực hiện mà không cần tuân thủ các nguyên tắc nhất định.
2. Bắt buộc tham gia BHXH với HĐLĐ dưới 3 tháng
Từ ngày 01/01/2018, Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đó là nội dung mới nổi bật tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 – QH khóa XIII.
Cũng từ 01/01/2018, Người lao động là công dân nước ngoài vào Việt Nam làm việc có Giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề theo quy định được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.