Những trường hợp người chưa thành niên bị kết án được coi là không có án tích

0
593

Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có nhiều quy định mới thể hiện rõ tinh thần nâng cao hơn việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, hướng tới những quy định nhân đạo hơn với người phạm tội, đặc biệt là người chưa đủ 18 tuổi nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất cho họ và nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm.

Khoản 2 Điều 69 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:

“…2. Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích”.

Khoản 1 Điều 107 BLHS 2015 quy định:

1. Người dưới 18 tuổi được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a)Người từ đủ 14tuổi đến dưới 16 tuổi;

 

b)Người từ đủ 16tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng do vô ý;

 

c) Người bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục 3 Chương này …”.

Hiện nay, có hai quan điểm về cách hiểu các trường hợp này như sau.

Quan điểm thứ nhất: Người bị kết án trong các trường hợp này đương nhiên được coi là không có án tích kể từ khi bản án có hiệu lực, không liên quan tới việc người đó đã chấp hành xong bản án hay chưa. Nói theo cách khác, trường hợp này cũng giống như một cách xóa án tích đặc biệt, vô điều kiện: xóa án tích ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật. Trên thực tế, áp dụng như vậy là tạo điều kiện cho bị can, bị cáo được hưởng những quy định có lợi nhất theo đúng tinh thần của chính sách hình sự mới.

Quan điểm thứ hai cho rằng, cần thiết phải xem xét việc xóa án tích đối với người đã bị kết án khi họ đã chấp hành xong bản án. Bởi lẽ, theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, hiện nay, có 02 trường hợp xóa án tích là: đương nhiên xóa án tích (Điều 70) và xóa án tích theo quyết định của Tòa án (Điều 71). Trong đó, xóa án tích theo quyết định của Tòa án chỉ áp dụng với 2 trường hợp: người bị kết án về các tội quy định tại chương XIII, chương XXVI của Bộ luật hình sự năm 2015. Theo quy định này, việc xóa án tích chỉ được xem xét khi người bị kết án đã chấp hành xong bản án.

Hơn nữa, xét đến cùng, việc tính đã xóa án tích hay chưa cũng chỉ là để đánh giá quá trình nhân thân của một con người cũng như xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm, tái phạm nguy hiểm” đối với họ trong lần phạm tội tiếp theo. Khoản 7 Điều 91 Bộ luật hình sự năm 2015 chỉ quy định rõ:

“Án đã tuyên đố với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội thì không tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm”.

Theo quy định này, án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội dù đã thi hành xong hay chưa thì cũng không dùng để tính tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Nếu 03 đối tượng còn lại (người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, người được miễn hình phạt – theo Điều 69; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng do vô ý và người bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục 3 Chương XII – theo Điều 107) cũng được hưởng chính sách này như người chưa đủ 16 tuổi phạm tội thì phải được quy định rõ trong điều luật. Vì họ không được quy định rõ về việc án đã tuyên không được dùng để tính tái phạm, tái phạm nguy hiểm (như người chưa đủ 16 tuổi phạm tội) nên tôi cho rằng vẫn cần phải sử dụng để tính án tích như đã phân tích ở trên.

Thiết nghĩ, nếu hiểu và áp dụng theo cách thứ hai, sẽ vừa đảm bảo tính chất trừng phạt, răn đe của bản án trước, vừa thể hiện tinh thần nhân đạo hơn với những người bị kết án theo khoản 2 Điều 69 và khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự. Ngoài ra, nó còn giải quyết được mâu thuẫn trong trường hợp người bị kết án chưa thi hành xong bản án trước đã phạm tội mới và bị tổng hợp hình phạt.