Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty Luật SBLaw đã nhận lời mời tham gia trong chương trình “Bạn và Pháp luật” để chia sẻ những ý kiến, đánh giá của mình về vấn nạn buôn lậu thuốc lá tại nước ta hiện nay.
Phóng viên: Có thể thấy buôn bán thuốc lá nhập lậu đang là một trong những vấn đề nhức nhối đối với các nhà quản lý. Mặc dù có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm hạn chế vấn nạn này, nhưng đến nay, tình trạng buôn bán thuốc lá nhập lậu vẫn không hề có xu hướng “giảm nhiệt”, thậm chí còn phức tạp và khó kiểm soát hơn.
Thưa luật sư Nguyễn Thanh Hà. Có ý kiến cho rằng các chế tài mới đối với nạn buôn lậu thuốc lá không đủ sức răn đe và đi ngược lại với chính sách tăng cường chống buôn lậu thuốc lá trong thời gian qua. Theo luật sư thì có sự liên hệ gì giữa việc thay đổi các chế tài xử phạt với thực trạng buôn lậu thuốc lá hiện nay?
Luật sư trả lời: Thông qua các tài liệu, phóng sự mà chương trình đã đưa ra thì có thể thấy một thực trạng hiện nay là các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý hình sự đối với hành vi buôn lậu thuốc lá. Mặc dù Nghị định 124/2015 đã làm rất tốt chức năng xử phạt hành chính của mình tuy nhiên lợi dụng việc các chế tài xử phạt còn chưa đồng bộ, khó có thể xử lý hình sự nên có nhiều đối tượng đã liều lĩnh, bất chấp việc xử phạt hành chính hết lần này tới lần khác.
Thực tế cho thấy thuốc lá là một mặt hàng chịu thuế suất rất cao, bên cạnh đó còn phải chịu các khoản đóng góp bắt buộc khác theo quy định của pháp luật tuy nhiên khi thực hiện việc buôn bán thuốc lá lậu thì các đối tượng kinh doanh trái phép sẽ trốn được các khoản thuế, phí bắt buộc này, từ đó lợi nhuận khi bán trót lọt số thuốc lá sẽ càng tăng cao hơn nữa.
Do đó, xét về hai nguyên nhân nêu trên có thể thấy việc khó xử lý hình sự đối với hành vi buôn lậu thuốc lá cùng với siêu lợi nhuận thu được đã khiến tình trạng buôn lậu thuốc lá ngày càng gia tăng.
Phóng viên: Tại điều 190, 191 của Bộ luật hình sự 2015 đưa ra chế tài xử phạt mới là chỉ xử lý hình sự với những vụ buôn lậu thuốc lá có giá trị tang vật từ một trăm triêu đồng trở lên. Vậy thì với mức 100 triệu đồng thay đổi với mức xử lý hình sự trước đây như thế nào và việc định tội dựa trên giá trị tang vật sẽ đặt ra những vấn đề gì trong quá trình xử lý các vụ buôn lậu thuốc lá thưa luật sư?
Luật sư trả lời: Trước đây, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định xử lý hình sự đối với Tội buôn lậu căn cứ trên “số lượng lớn, rất lớn hay đặc biệt lớn” của hàng cấm. So với quy định tại Điều 190, 191 Bộ luật hình sự 2015 thì có thể thấy BLHS2015 đã đưa ra căn cứ cụ thể trên giá trị hàng phạm pháp, tối thiểu phải bằng 100 triệu đồng. Tuy nhiên mức 100 triệu đồng này được xem là không phù hợp bởi 02 lý do sau:
+ Trước hết, Nghị định 124/2015 quy định sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự với các đối tượng có hành vi buôn bán thuốc lá nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên, nếu tính giá buôn trung bình của mặt hàng thuốc lá hiện nay vào khoảng 15000-20000đ/1 bao thì trị giá tương đương với 500 bao sẽ khoảng 7.500.000đ-10.000.000đ; so với mức 100 triệu đồng mà BLHS2015 đưa ra là chênh lệch rất lớn.
+ Mặt khác hiện nay để định giá hàng hóa nhập lậu, nhập ngoại là hết sức khó khăn bởi không có cơ quan nào tiến hành giám định trị giá tiền của loại hàng hóa này. Nguyên nhân này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác định tội dựa trên giá trị tang vật, gây khó khăn cho các cơ quan điều tra cũng như giải quyết vụ việc.
Phóng viên: Công văn số 06 của tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn tòa án các cấp chỉ xử lý hình sự khi chứng minh được hành vi vận chuyển qua biên giới. Theo luật sư thì tác động của công văn này có ảnh hưởng gì đến công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu thuốc lá qua biên giới trong thời gian qua không?
Luật sư trả lời: Có thể hiểu theo quy định tại Công văn 06 thì sẽ chỉ đưa ra xét xử đối với hành vi buôn lậu thuốc lá khi chứng minh được hành vi này có yếu tố qua biên giới, tuy nhiên đối với trường hợp bắt giữ được số lượng thuốc lá lưu hành trong nội địa thì vẫn chưa có cơ quan nào giải thích, làm rõ do đó việc bắt giữ trong thời gian qua ở dọc các biên giới mặc dù có số lượng rất lớn đủ để xử lý hình sự tuy nhiên vì những vướng mắc trên nên việc xét xử vẫn hoàn toàn đình trệ. Bên cạnh đó, quy định tại Công văn 06 của TANDTC tôi cho rằng còn gây khó khăn cho các cơ quan điều tra trong việc chứng minh nguồn gốc của các loại thuốc lá nhập lậu, từ đó gây khó khăn trong việc định tội danh cũng như chế tài xử phạt cho các đối tượng này.
Phóng viên: Thưa luật sư, ông vừa nghe những đề xuất của Chủ tịch hiệp hội thuốc lá Việt Nam liên quan đến xử lý hình sự nạn buôn lậu thuốc lá. Vậy ông nghĩ thế nào về tính răn đe của những biện pháp này và tác động của nó đối với công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá ?
Luật sư trả lời: Trước tiên, tôi đồng tình với đề xuất của Chủ tịch hiệp hội thuốc lá Việt Nam trong việc tăng mức chế tài xử phạt, đặc biệt là thay đổi lại chế tài xử phạt hình sự đối với hành vi buôn lậu thuốc lá bởi chỉ có xử phạt thật nặng mới đủ sức răn đe tới các đối tượng. Nếu chúng ta chỉ chú tâm vào xử phạt hành chính thì sẽ không thể giải quyết được vấn đề này. Ngoài ra, tôi cũng cho rằng TANDTC nên xem xét lại công văn số 06 và có văn bản hướng dẫn về vấn đề này, tránh để các đối tượng buôn lậu lợi dụng kẽ hở của pháp luật để gia tăng hành vi phạm tội của mình.
Ngoài ra tôi muốn thêm vào ý kiến của Chủ tịch hiệp hội thuốc lá là bên cạnh việc điều chỉnh các quy định của pháp luật thì các cơ quan từ trung ương tới địa phương cũng cần chấn chỉnh, phối hợp chặt chẽ và đồng bộ, cùng quyết tâm đẩy lùi tệ nạn buôn lậu thuốc lá này. Hiện nay việc buôn lậu thuốc lá chủ yếu được thực hiện tại các địa bàn gần biên giới, trình độ dân trí thấp nên tôi cho rằng các chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc, tuyên truyền các quy định của pháp luật cho nhân dân; ngoài ra cần tạo điều kiện về việc làm cho nhân dân trong địa phương để tránh tình trạng những người thất nghiệp do không có thu nhập nên nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng xấu.
Phóng viên: Ở góc độ của chuyên gia nghiên cứu pháp luật, theo ông chúng ta cần phải xây dựng hệ thống pháp luật như thế nào để giảm thiểu tình trạng buôn lậu thuốc lá đang diễn biến phức tạp như hiện nay?
Luật sư trả lời: Trước mắt tôi cho rằng cần phải xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, chặt chẽ với nhau; các cơ quan lập pháp cần giải quyết tình trạng chồng chéo của các quy định pháp luật hiện nay như sau:
+ Thống nhất giữa các văn bản tại Luật thương mại và Luật đầu tư trong việc xác định mặt hàng thuốc lá nhập lậu có phải thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh hay không.
+ Thứ hai, việc định lượng tang vật vi phạm làm cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn chưa có sự thống nhất. Trước đây tại BLHS 1999 chỉ quy định căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội buôn lậu là hàng cấm có “số lượng lớn, rất lớn hay đặc biệt lớn” mà không có văn bản hướng dẫn nên trong thời gian qua các cơ quan tiến hành tố tụng thường căn cứu theo Khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC để làm cơ sở truy cứu. Cụ thể khoản 2 Điều 7 Thông tư này như sau:
“2. Đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sản phẩm thuốc lá nhập lậu, việc xác định số lượng làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự cụ thể như sau:
a) Số lượng từ 1.500 bao đến dưới 4.500 bao được coi là số lượng lớn;
b) Số lượng từ 4.500 bao đến dưới 13.500 bao được coi là có số lượng rất lớn;
c) Số lượng từ 13.500 bao trở lên được coi là có số lượng đặc biệt lớn”.
Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 124/2015 có hiệu lực đã quy định sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự với các đối tượng buôn bán thuốc lá nhập lậu với số lượng từ 500 bao trở lên. Bên cạnh đó BLHS 2015 (đã rời hiệu lực thi hành) thì không định lượng theo số bao thuốc lá mà lại quy ra trị giá tang vật, tối thiểu là 100 triệu đồng. Điều này đã thể hiện sự không thống nhất giữa các văn bản pháp luật trong việc định lượng các tang vật vi phạm, gây lúng túng cho các cơ quan hải quan, cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định.
Phóng viên: Thưa các đồng chí, thưa các bạn, thưa luật sư Nguyễn Thanh Hà. Thời gian qua, Chuyên mục “Bạn và pháp luật” đã nhận được nhiều câu hỏi xung quanh vấn nạn buôn lậu thuốc lá hiện nay. Thính giả Nguyễn Hải Nam ở Quảng Ninh gọi điện hỏi chương trình: Tôi được biết theo Nghị định số 124/2015/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, buôn bán hàng cấm là thuốc lá lậu từ 500 bao trở lên sẽ bị chuyển sang xử lý hình sự, chương trình có thể cho biết cụ thể hơn về mức xử lý này?
Luật sư trả lời: Quy định mà bạn nhắc tới được quy định cụ thể tại Điều 22 Nghị định 124/2015/NĐ – CP như sau:
“Đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính; trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”.
Ngoài ra, hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 500 bao trở lên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là: Tịch thu tang vật vi phạm, Tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển hàng cấm…
Phóng viên: Bạn Hoàng Quyên có địa chỉ email Hoangquyen@gmai.com gửi thư đến chương trình với nội dung như sau: Theo Nghị định 43/2009/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật Thương mại hàng hóa đã đưa “thuốc lá điếu nhập lậu” vào danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh Tuy nhiên tại luật đầu tư chỉ qui định chung thuốc lá điếu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Xin hỏi luật sư việc qui định việc chồng chéo của hai luật trên đã gây khó khăn như thế nào trong xử lý đối với các hành vi buôn lậu thuốc lá cũng như căn cứ vào luật nào để các cơ quan chức năng xử lý các đối tượng trên?
Luật sư trả lời:
Quy định tại Nghị định 43/2009/NĐ – CP và Luật đầu tư 2014 đã đưa ra 02 cách hiểu khác nhau, cụ thể Nghị định 43 đã xác định “Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu” thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh tuy nhiên Luật đầu tư 2014 lại quy định hoạt động kinh doanh sản phẩm thuốc lá thuộc Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và không phân biệt về nguồn gốc của các sản phẩm thuốc lá, có nghĩa là dù thuốc lá có nguồn gốc nhập lậu thì cũng không thuộc Danh mục cấm kinh doanh.
Thực trạng chồng chéo của hệ thống các quy định pháp luật nêu trên đã gây lung túng cho các cơ quan hải quan tại từng địa phương trong việc bắt giữ, xử lý đối với các hành vi buôn lậu thuốc lá; không những vậy trong thời gian vừa qua có rất nhiều Tòa án gặp khó khăn trong khi giải quyết các vụ việc liên quan. Để xử lý tình huống này thì theo ý kiến của cá nhân tôi, các cơ quan tiến hành tố tụng nên trình ý kiến, đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét để tiến hành giải thích các quy định của pháp luật theo đúng trình tự, làm cơ sở để giải quyết các vụ án nêu trên.
Phóng viên: Chào luật sư, tôi có câu hỏi như sau, từ tháng 8/2015 đến tháng 10/2015 bạn tôi đã có hành vi mua bán lậu 300 bao thuốc lá 555 do Anh quốc sản xuất. Theo quy định, pháp luật xử phạt về tội buôn lậu thuốc lá thế nào? Bạn tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không và sẽ bị xử phạt ra sao? Xin cám ơn. Vâng đây là câu hỏi của một thính giả ở thành phố HCM gọi điện về chương trình. Xin mời luật sư Nguyễn Thanh Hà giải đáp giúp.
Luật sư trả lời: Hiện nay theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là tại Nghị định 124/2015/NĐ – CP (có hiệu lực kể từ ngày 05/01/2016) thì buôn lậu từ 500 bao thuốc lá trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự; do đó vì bạn của bạn chỉ có hành vi buôn lậu đối 300 bao thuốc lá nên sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, Hành vi buôn lậu 300 bao thuốc lá 555 do Anh sản xuất sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo quy định tại Điều 22 Nghị định 124. Ngoài ra, bạn của bạn sẽ phải chịu một số hình phạt bổ sung như tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh…..