Những ý kiến tâm huyết đóng góp Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND (sửa đổi)

0
552
ANTD.VN – Suốt trong quá trình Bộ Công an công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND (sửa đổi) và lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, ANTĐ đã ghi nhận nhiều ý kiến của các luật sư, chuyên gia pháp lý và cán bộ sỹ quan Công an hưu trí…

Luật CAND cần bảo đảm sự công bằng, đồng bộ và phù hợp hơn

Đó là quan điểm của luật sư Phạm Kỳ Dương (Văn phòng Luật sư Giang Thanh – Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Theo luật sư Phạm Kỳ Dương, sau gần 4 năm thực hiện, Luật CAND đã tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy, đủ toàn diện để lực lượng CAND thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước về giữ gìn ANQG, bảo đảm TTATXH. Qua đó, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giữ vững an ninh, trật tự của đất nước và không ngừng thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, xã hội, văn hóa.

Những ý kiến tâm huyết đóng góp Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND (sửa đổi) ảnh 1

Trên cơ sở làm phép so sánh: “Điều 30 – Luật CAND quy định, hạn tuổi phục vụ cao nhất trong lực lượng Công an nhân dân chỉ là 45 tuổi đối với hạ sĩ quan; 53 tuổi đối với Cấp úy; Cấp Thiếu tá, Trung tá thì 55 tuổi đối với nam và 53 tuổi đối với nữ; Cấp Thượng tá thì 58 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ và từ Cấp Đại tá trở lên là 60 tuổi đối với nam và nữ cũng không quá 55 tuổi.

Như vậy có thể thấy, trong khi tuyệt đại bộ phận người lao động bình thường trong xã hội tính đến năm 2028 (đối với nam) tuổi nghỉ hưu sẽ là 62 tuổi và tính đến 2035 (đối với nữ) tuổi nghỉ hưu sẽ là 60 tuổi; thì hạn tuổi phục vụ cao nhất trong lực lượng Công an theo Luật CAND năm 2018 chỉ là 60 tuổi (đối với nam) và 55 tuổi (đối với nữ)”;

Luật sư Phạm Kỳ Dương phân tích: Bộ luật Lao động là “luật gốc” quy định về tuổi lao động, tuổi nghỉ hưu của người lao động nói chung. Do đó, khi quy định và áp dụng đối với một số ngành nghề, lĩnh vực đặc thù cũng cần phải căn cứ vào đạo “luật gốc” này để bảo đảm sự công bằng xã hội, sự hợp lý và sự hài hòa.

Đó là chưa kể thực tiễn đấu tranh, phòng ngừa tội phạm đã chứng minh, trong lực lượng CAND có không ít cán bộ có thời gian công tác lâu năm, nhiều kinh nghiệm, thông thuộc địa bàn, địa hình, địa vật ở những địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, phức tạp, trọng điểm về an ninh, trật tự. Vì thế, nếu hạ sĩ quan, sĩ quan và công nhân Công an được kéo dài hạn tuổi phục vụ trong lực lượng CAND hơn so với quy định hiện hành sẽ bảo đảm được việc chỉ đạo giải quyết, điều tra, xác minh vụ án, chuyên án liên thông, liên tục cho đến khi kết thúc, đồng thời còn tận dụng được những mặt tích cực của đội ngũ này và phần nào đó góp phần giảm áp lực đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội trong việc chi trả lương hưu.

Sửa Luật CAND là thiết thực xây dựng lực lượng Công an Cách mạng, chính quy, hiện đại

Đại tá Nguyễn Viết Chuẩn – nguyên Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ CATP Hà Nội, đã viết tay và gửi bản thảo đến ANTĐ, sau khi nghiên cứu kỹ Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND (sửa đổi).

Những ý kiến tâm huyết đóng góp Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND (sửa đổi) ảnh 2

Theo Đại tá Nguyễn Viết Chuẩn, Luật CAND đưa vào thực tiễn, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật vẫn còn một số vướng mắc ảnh hưởng đến tâm tư, suy nghĩ trong cán bộ chiến sĩ. Luật CAND Bộ Công an mới triển khai cho CBCS có cấp hàm từ Đại tá trở xuống, còn cấp Tướng trở lên do Chủ tịch nước quyết định theo Khoản 3 Điều 23 của Luật CAND đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thi hành; trong khi nhiều lãnh đạo cấp Tướng có thành tích đặc biệt xuất sắc trong hợp tác chống tội phạm quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, An ninh đối ngoại, các vụ án lớn, các công trình nghiên cứu quan trọng, các Đề án thuộc Chính phủ chỉ đạo … lại chưa được động viên thỏa đáng, kịp thời.

Đại tá Nguyễn Viết Chuẩn nhìn nhận, việc quy định cấp hàm trần trong Luật CAND đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND chưa phù hợp với thực tiễn. Thực hiện các Nghị quyết của Đại hội Đảng cũng như hướng dẫn của Chính phủ, bộ máy các cấp của nghành Công an đã được đổi mới như bỏ cấp Tổng cục, bộ máy tinh gọn theo hướng giảm đầu mối, Công an chính quy đã bố trí xuống tận xã …

Hiện tại, thủ trưởng các đơn vị cấp Cục đã được thăng hàm cấp Tướng nhưng cũng còn các đơn vị tương đương cấp Cục lại chưa được quy định cấp hàm trần cao nhất. Hay như trong các nhà trường đào tạo như nhau, nhưng trường mang danh Học viện lại khác với các trường mang danh Đại học. Ngoài ra, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động (tương đương cấp phòng), Luật CAND quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tá là không phù hợp thực tiễn vì đơn vị chiến đấu ăn ở tập trung với quân số đông, làm nhiệm vụ quan trọng và đã được Quốc hội xác định bằng Luật Cảnh sát cơ động thông qua tháng 6 năm 2022 .

Cần kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất của sỹ quan Công an trong trường hợp đặc biệt

Dành nhiều thời gian nghiên cứu Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND (sửa đổi), luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng rất cần thiết khi Bộ Công an đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng tuổi được kéo dài hạn tuổi phục vụ; bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan CAND trong trường hợp đặc biệt.

Theo luật sư Lê Hồng Vân, khoản 2 Điều 13 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam quy định về kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ đối với sĩ quan Quân đội nhân dân trong trường hợp đặc biệt. Nhưng Luật CAND lại chưa quy định về nội dung này. Vì vậy, việc bổ sung quy định về kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan CAND trong trường hợp đặc biệt là cần thiết và phù hợp.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, Luật CAND năm 2018 nêu rõ, sĩ quan CAND là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp có thể được kéo dài tuổi phục vụ hơn hạn tuổi phục vụ cao nhất (60 tuổi đối với nam, hơn 55 tuổi đối với nữ) nhưng theo quy định thì hạn tuổi phục vụ cao nhất được nâng từ 60 tuổi lên 62 tuổi đối với nam, từ 55 tuổi lên 60 tuổi đối với nữ, nên cần sửa đổi quy định này cho phù hợp.

Một ưu điểm khác được luật sư Lê Hồng Vân nhìn nhận, là Dự thảo đã đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 42 theo hướng Chính phủ quy định chế độ, chính sách của công nhân Công an. “Hiện nay, chế độ, chính sách với công nhân Công an đang thực hiện theo quy định tại Nghị định 49/2019; Nghị định 34/2012 về chế độ phụ cấp công vụ; Nghị định 116/2010; Nghị định 204/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang… Do đó, việc giao Chính phủ quy định cụ thể chế độ, chính sách đối với công nhân Công an nhằm bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành trong Luật CAND là phù hợp”, luật sư Lê Hồng Vân bày tỏ.

“Gỡ khó” cho quy định về thăng hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND

Đây là đánh giá về Dự thảo của Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội; và vị luật sư này cho rằng, quy định hiện hành về thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác chưa cụ thể nên khó thực hiện.

Những ý kiến tâm huyết đóng góp Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND (sửa đổi) ảnh 3

Cụ thể, khoản 1 Điều 23 Luật Công an nhân dân quy định: “Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, nghiên cứu khoa học, công tác, học tập mà cấp bậc hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang đảm nhiệm thì được xét thăng cấp bậc hàm trước thời hạn”.

Khoản 3 Điều 23 Luật CAND nêu, Chủ tịch nước quyết định việc thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và thăng cấp bậc hàm vượt bậc đối với cấp bậc hàm cấp Tướng.

Thực hiện quy định nêu trên, Bộ Công an đã ban hành văn bản quy định cụ thể về thăng cấp bậc hàm trước thời hạn đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND lập thành tích đặc biệt xuất sắc có cấp bậc hàm từ Đại tá trở xuống.

Tuy nhiên, đối với sĩ quan cấp Tướng thì Luật CAND và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định nên khó triển khai thực hiện trên thực tế.

“Việc bổ sung nội dung này là cần thiết và cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xác định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác để làm căn cứ đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định thăng cấp bậc hàm cấp Tướng theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật CAND, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, TTATXH”. – Luật sư Thu nhận định.

Cũng liên quan đến quy định về cấp bậc hàm cao nhất hiện nay trong lực lượng CAND, luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hiện nay quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND chưa phù hợp với thực tiễn.

Luật CAND quy định 199 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng. Trong đó, hầu hết Thủ trưởng các đơn vị cấp Cục và tương đương cấp Cục trực thuộc Bộ có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng, nhưng vẫn còn Thủ trưởng của một số đơn vị tương đương cấp Cục chưa được quy định có trần cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng, tạo ra sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong quy định về cấp bậc hàm đối với các chức vụ, chức danh tương đương.

Khoản 4 Điều 22 Luật CAND quy định, tuổi để xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải không quá 57 tuổi; trong khi đó, hạn tuổi phục vụ cao nhất của cấp Tướng là 60 tuổi; như vậy, sĩ quan được thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác. Do đó, nếu tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan CAND thì cũng phải sửa đổi, bổ sung quy định nêu trên.

“Việc Bộ Công an đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 22 theo hướng quy định sĩ quan CAND được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác, trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định là hoàn toàn hợp lý” – luật sư Thanh Hà nhận định.

Nguồn:https://www.anninhthudo.vn/nhung-y-kien-tam-huyet-dong-gop-du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-cand-sua-doi-post530784.antd