Nở rộ M&A bất động sản

0
327

(ĐTCK) Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực đã tạo điều kiện cho các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trên thị trường bất động sản được tiến hành thuận lợi hơn, qua đó giúp hoạt động này thời gian qua diễn ra rất sôi động.

Liên tục trong thời gian gần đây, thị trường bất động sản ở cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM chứng kiến nhiều thương vụ M&A, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp địa ốc.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật S&B Law, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang phát triển ổn định, dư địa còn nhiều, trong khi quỹ đất ngày càng eo hẹp, thì với các doanh nghiệp bất động sản chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính, việc chuẩn bị quỹ đất phục vụ cho chiến lược phát triển dài hơi luôn là bài toán được tính tới.

Có thể kể đến những tên tuổi tích cực trong việc săn tìm quỹ đất thời gian qua như Novaland, Hưng Thịnh, Đất Xanh, Him Lam, Khang Điền, Thủ Đức House, Sacomreal, Vingroup, FLC, CEN Group…

Ngoài các doanh nghiệp bất động sản chuyển nghiệp, thời gian qua, thị trường cũng chứng kiến nhiều doanh nghiệp ngoài ngành “dòm ngó” các dự án bất động sản. Chẳng hạn, Đại hội đồng cổ đông mới đây của Công ty cổ phần Xây dựng Cotec (CTD) đã thông qua phương án thành lập công ty mới, hoặc thực hiện M&A với các công ty hoặc dự án xây dựng bất động sản để mở rộng hoạt động sản xuất.

Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTD cho biết, trong tương lai, Công ty sẽ phát triển đa dạng ngành nghề với mục tiêu mảng xây lặp đóng góp 50% doanh thu và các mảng khác đóng góp nửa còn lại.

Tương tự, một thương hiệu xây lắp khác cũng lấn sân sang bất động sản là Công ty cổ phần Licogi 13. Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra vào đầu tháng 1/2016, Đại hội đã thông qua phương án phát hành tăng vốn để đầu tư vào một số dự án bất động sản tại Đà Nẵng và Quảng Nam.

Ông Bùi Đình Sơn, Chủ tịch HĐQT Licogi 13 cho biết, thị trường bất động sản tiếp tục khởi sắc chính là yếu tô quan trọng để Công ty tiến hành triển khai và thúc đẩy các hoạt động M&A, tìm kiếm các quỹ đất có tiềm năng khai thác để mở rộng lĩnh vực bất động sản theo định hướng tái cấu trúc Công ty từ năm 2013.

Ngoài các doanh nghiệp trong nước, trong 6 tháng đầu năm 2016, thị trường cũng chứng kiến nhiều thương vụ M&A khác. Cụ thể, Tập đoàn BRG mua lại 70% cổ phần tại Dự án Sedona Suites Hanoi (Hồ Tây) từ Keppel Land Việt Nam với giá 31,5 triệu USD, ThaiGroup thông qua đấu giá đã mua lại cổ phần của Công ty Du lịch Kim Liên từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để nắm quyền khai thác khu đất vàng 3,5 ha Khách sạn Kim Liên (quận Đống Đa); Tập đoàn Hoa Sen đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng vào Khu du lịch tâm linh, sinh thái đầm Vân Hội (Yên Bái), Công ty cổ phần Tập đoàn T&T mua lại Tổng công ty Rau quả, nông sản (Vegetexco) với hàng loạt khu đất trên địa bàn cả nước…

Đánh giá về việc nhiều doanh nghiệp ngành nghề khác nhảy vào bất động sản thông qua M&A, các chuyên gia cho rằng, chủ yếu là do đánh giá tích cực của các doanh nghiệp về thị trường địa ốc, đặc biệt là sự thay đổi tích cực của khuôn khổ pháp lý, đã tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Văn Phấn, Vụ trưởng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dưng) cho biết, 2 sắc luật mới mở rộng phạm vi kinh doanh bất động sản cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và mở rộng đối tượng, nới lỏng điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài khi mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đây chính là nền tảng để các nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong việc tiến hành tăng cường sự hiện diện của mình trên thị trường thông qua các hoạt động M&A.

Tuy nhiên, với cách nhìn thận trọng hơn, luật sư Hà cho rằng, giai đoạn tới, dù thị trường tiếp tục được đánh giá sẽ phát triển, nhưng cũng sẽ có những khó khăn nhất định. Do đó, các bên tham gia thị trường từ nhà phát triển dự án, nhà đầu tư, ngân hàng và các cơ quan quản lý của nhà nước cần tỉnh táo và thận trọng hơn trong mỗi hành động và vai trò của mình.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn