PHẢI LÀM GÌ ĐỂ GỠ KHÓ CHO NÔNG DÂN SẢN XUẤT VIEPGAP?

0
381

Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2008, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước ban đầu đã tạo nên cú hích đối với nông dân, các HTX…Nhưng quá trình triển khai đã gặp nhiều khó khăn, và đến nay nông dân cũng không mặn mà với sản xuất VietGap. Lý do vì sao? tháo gỡ thế nào? giải đáp những thắc mắc này, luật sư Nguyễn Thanh hà ( Chủ tịch Công ty Luật SBLAW- Hà Nội) cho biết:

VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. VietGAP là một tiêu chuẩn tự nguyện nhằm hướng dẫn nhà sản xuất nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm trên cơ sở kiểm soát các mối nguy. VietGAP có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam trên cơ sở 4 nhóm tiêu chí:

  • Đảm bảo an toàn thực phẩm
  • Bảo vệ môi trường
  • Bảo đảm sức khỏe cho người lao động và phúc lợi xã hội
  • Bảo đảm chất lượng sản phẩm

Như vậy thực hiện quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP không những tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, mà còn đảm bảo chống được sự ô nhiễm môi trường. Đặc biệt khi thực hiện quy trình sản xuất VieetGap, nông dân còn nhận được sự hỗ trợ kinh phí về điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí để xác định các vùng sản xuất tập trung; đầu tư xây dựng, cải tạo: đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, điện hạ thế, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống cấp thoát nước; ap dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sử dụng giống kháng sâu bệnh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học …

Mặt khác, trong tình hình người tiêu dùng rất lo lắng về tình trạng thực phẩm bẩn, thì sản phẩm nông nghiệp VietGap sẽ là một giải pháp hữu hiệu để người tiêu dùng yên tâm. Và như thế sẽ kích thích phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.

Mỗi sản phẩm có một quy trình sản xuất tương ứng, như quy trình sản sản xuất rau, quả, cà phê…theo tiêu chuẩn VietGap; hoặc trong chăn nuôi bò, lợn, gà, dê, …theo tiêu chuẩn tiêu chuẩn ViepGap

Một quy trình trình sản xuất có nhiều tính ưu việt như thế lẽ ra phải nhận được sự hưởng ứng cao của nông dân, nhưng tại sao được triển khai từ năm 2008, đến nay đã gần 8 năm vẫn không thu được hiệu quả mong muốn. Thậm chí không ít nông dân, HTX bỏ cuộc?

Việc này có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi có ba nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất: Có những quy trình VietGap ban hành vào năm 2008, được căn cứ dựa trên những quy định của Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm (như Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi an toàn ban hành kèm theo Quyết định số 379/QĐ-BNN-KHCN ngày 28 tháng 01 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Nhưng đến 2010 đã có Luật an toàn thực phẩm. Do đó quy trình trên có những điểm không còn phù hợp với những quy định của Luật an toàn thực phẩm. Hơn nữa quy trình này còn cần phải căn cứ dựa trên những quy định của Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa; Luật tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật thì mới đáp ứng được yêu cầu.

Thứ hai: Để thực hiện quy trình sản xuất VietGap người sản xuất phải thực hiện quá nhiều tiêu chí. Ví dụ như để sản xuất cho rau quả an toàn thực phẩm, rau quả theo tiêu chuẩn VietGap, ban hành kèm theo Quyết định số 379/QĐ-BNN-KHCN thì người sản xuất phải thực hiện tới 93 tiêu chí. Từ việc đánh giá, lựa chọn vùng sản xuất, chọn giống, phân bón, nước tưới, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quản lý chất thải, xử lý sản phẩm…Chỉ riêng đối với hóa chất (bao gồm cả thuốc bảo vệ thực vật, quy định tại điểm 6 quy trình trên) đã có đến 19 tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí mà nông dân rất khó thực hiện, ấy là chưa kể đến việc bố trí thiết bị nhà xưởng, vệ sinh phòng dịch, ghi chép lữu trữ hàng loạt hồ sơ sổ sách … Đơn cử như trong quy trình quy định: “ 6.17. Nếu phát hiện dư lượng hóa chất trong rau quả vượt quá mức tối đa cho phép phải dừng ngay việc thu hoạch, mua bán sản phẩm, xác định nguyên nhân ô nhiễm và nhanh chóng áp dụng các biện pháp ngăn chặn giảm thiểu ô nhiễm. Phải ghi chép cụ thể trong hồ sơ lưu trữ.”. Để phát hiện được dư lượng hóa chất vượt ngưỡng tối đa cho phép; Hóa chất đó là hóa chất nào? Ngưỡng tối đa cho phép là bao nhiêu? Những điều này chỉ có thể được thực hiện bởi những chuyên gia tại phòng thí nghiệm chứ nông dân làm sao có thể làm được việc này. Vậy mà lại yêu cầu nông dân “phát hiện” đó là điều quá khó.

Hoặc như điểm 6.19 yêu cầu “ Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện qui trình sản xuất và dư lượng hóa chất có trong rau, quả theo yêu cầu của khách hàng hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền. Các chỉ tiêu phân tích phải tiến hành tại các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế về lĩnh vực dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”. Mỗi lần lấy mẫu kiểm tra, số tiền không nhỏ, trong khi đó lại quy định “thường xuyên kiểm tra” thì nông dân lấy đâu ra tiền để kiểm tra? Khách hàng mua số lượng rau quả bao nhiêu thì mới phải đáp ứng yêu cầu kiểm tra, cũng chưa quy định rõ. Giả sử, khách hàng mua hàng tấn rau quả mà yêu càu kiểm tra thì còn có thể bù đắp được được chi phí; ngược lại mua với số lượng ít thì liệu số tiền thu được có đủ bù đắp chi phí kiểm tra hay không?

Thứ ba: Mặc dù nhu cầu thực phẩm sạch trên thị trường lớn nhưng đầu ra sản phẩm VietGap quá khó khăn. Tỷ lệ sản phẩm VietGap được phân phối theo hệ thống siêu thị chưa được bao nhiêu; chủ yếu vẫn bán qua thương lái; người tiêu dùng chưa có khái niệm phân biệt rau sản xuất theo quy trình VietGap với rau trồng truyền thống giá cả không chênh với sản phẩm thường là bao nhiêu. Trong khi sản xuất theo chuẩn VietGAP, nông dân phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt từ khâu sản xuất đến thu hoạch, đóng gói, giá thành sản phẩm cao. Tuy nhiên, sản phẩm VietGAP chưa có một kênh tiêu thụ ổn định với mức giá bán phù hợp với công sức đã đầu tư. Nông dân vẫn phải tự xoay xở tìm đầu ra cho sản phẩm, luôn đối mặt với sự bấp bênh của thị trường. Các HTX chưa phát huy được vai trò trong việc liên kết, tổ chức phân phối ; hoạt động xúc tiến thương mại để xuất khẩu sản phẩm VietGap còn rất hạn chế.

Trong hoàn cảnh khó khăn đó nông dân lại còn phải đối mặt với sự gian lận từ một số cơ sở sản xuất và cá nhân có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận VietGap. Việc mới đây 80 con heo được phát hiện có chất tạo nạc trà trộn vào lợn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap ở TP Hồ Chí Minh hay ran toàn (RAT) Ba Chữ tại Hà Nội đội lốt VietGAP vào các siêu thị trung tâm thương mại; rồi vụ việc nhân viên của Công ty CP Chứng nhận và giám định VinaCert (Công ty VinaCert-1 trong 22 đơn vị được Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT chỉ định cấp chứng chỉ VietGap) rao bán Giấy chứng nhận ViệtGap khiến người dân thêm hoang mang và niềm tin vào chứng nhận này bị giảm sút. Thật giả lẫn lộn, người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm VietGap, nông dân đã khó lại càng khó khăn hơn.

Theo luật sư, làm thế nào để tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap?

Các cơ quan nhà nước cần quản lý tận gốc mã số của từng loại sản phẩm (mã số hóa trên từng sản phẩm), qua đó, người tiêu dùng mới phân biệt được đâu là sản phẩm VietGap. Ban hành nhãn cho sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGap và kèm quy định sử dụng. Trên cơ sở đó giúp nông dân chứng minh và giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng dễ dàng hơn.

Nhà nước cần tổ chức chợ, khu vực buôn bán tập trung sản phẩm sạch để nông dân có thể dễ dàng đem sản phẩm của mình ra tiêu thụ. Phải sắp xếp lại mạng lưới phân phối để sản phẩm nông dân làm ra vào được hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối dễ dàng.. Tổ chức lại sản xuất, thành lập các HTX, sản xuất theo quy mô lớn và gắn với vai trò của doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm cho nông dân, theo mô hình liên kết theo chuỗi và hướng đến thị trường xuất khẩu”.

Tăng cường công tác hậu kiểm, cho dù cơ sở sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận VietGap, nhưng các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt cơ quan cấp giấy chứng nhận phải thường xuyên tổ chức kiểm tra sản phẩm. Khắc phục tình trạng nhiều tổ chức, đơn vị chứng nhận VietGap tự đặt ra mức phí quá cao khi thực hiện các quy trình để cấp giấy chứng nhận VietGap.