Phải làm gì khi tài sản chung của vợ, chồng bị chấp hành viên kê biên toàn bộ để thi hành án?

0
644

Luật sư SBLAW sẽ đưa ra những giải đáp cho câu hỏi phải làm gì khi tài sản chung của vợ, chồng bị chấp hành viên kê biên toàn bộ để thi hành án?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị Định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/07/2015, đối với tài sản bị kê biên thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết.

Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Chấp hành viên thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết.

Như vậy, nghĩa vụ xác định phần sở hữu của vợ hoặc chồng trong phần tài sản kê biên để thi hành nghĩa vụ dân sự của người còn lại thuộc trách nhiệm của Chấp hành viên.

Trong trường hợp Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ hoặc chồng trong tài sản chung không phù hợp, vợ hoặc chồng bị xâm phạm quyền sở hữu tài sản hợp pháp có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày.

Cụ thể Nghị Định số 62/2015/NĐ-CP quy định như sau:

“Vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ”.

Ngoài ra, vợ hoặc chồng trong tình huống này có thể thực hiện thủ tục khiếu nại đối với Thủ trưởng cơ quan thi hành án hoặc Chấp hành viên nếu cho rằng quyết định hoặc hành vi kê biên tài sản nêu trên là trái pháp luật.

Thời hiệu khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên như sau:

a) Đối với quyết định, hành vi về thi hành án trước khi áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;

b) Đối với quyết định về áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định;

Đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp bảo đảm khác là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;

c) Đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp cưỡng chế là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;

d) Đối với quyết định, hành vi sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó.

Trong thời gian thời hiệu khiếu nại chưa kết thúc, người khiếu nại thực hiện việc khiếu nại bằng một trong các hình thức sau đây:

Gửi đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Đơn của người khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; họ, tên, địa chỉ của người bị khiếu nại; nội dung khiếu nại, lý do khiếu nại và yêu cầu giải quyết. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

Trình bày trực tiếp nội dung khiếu nại tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Người có trách nhiệm tiếp nhận việc khiếu nại phải hướng dẫn người khiếu nại viết thành đơn hoặc ghi lại nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều này, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.

Như vậy, trong trường hợp tài sản chung của vợ, chồng bị chấp hành viên kê biên toàn bộ để thi hành nghĩa vụ của vợ hoặc chồng thì người còn lại có quyền khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền hoặc tiến hành khiếu nại đối với Thủ trưởng cơ quan thi hành án hoặc Chấp hành viên trực tiếp chịu trách nhiệm.