Phân biệt giết người và cố ý gây thương tích

0
421

Trong thực tế xét xử, có những tội danh rất khó để phân biệt, định hình để đưa ra khung hình phạt, kể cả với cơ quan xét xử cũng khó đưa ra kết luận. Giết người và cố ý gây thương tích dẫn đến  chết người là hai tội danh khó đưa ra kết luận , và luôn có những ý kiến trái chiều nhau. Một số các dấu hiệu cơ bản để phân biệt hai tội danh như sau:

– Xác định mục đích hành vi phạm tội: Để xác định yếu tố này, cơ quan xét xử còn phải dựa vào yếu tố chủ quan của người phạm tội, thông thường là qua biện pháp điều tra nghiệp vụ. Nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội là tước đoạt tính mạng của người khác thì phạm tội giết người, còn nếu ý thức chủ quan không có ý định giết người thì phạm tội cố ý gây thương tích.

Ví dụ: A và B do mâu thuẫn nên A đã thuê người đánh B. Khi B chết, vụ việc bị điều tra và thông qua những kẻ đồng phạm, cơ quan điều tra xác định được rằng ý định của A là giết B chứ không phải đánh cảnh cáo nên A phạm tội giết người chủ mưu.

– Xác định mức độ tấn công, cường độ tấn công: Theo Từ điển Tiếng Việt thì “Mức độ là tiêu chuẩn để xác định cho hành động; Cường độ là độ mạnh của lực”, việc xác định mức độ tấn công, cường độ tấn công nhằm phân biệt hai tội danh này là rất quan trọng trọng. Nếu người phạm tội có hành vi đánh người một cách liên tục và rất mạnh, chứng tỏ họ có ý định giết người.

Việc căn cứ vào mức độ tấn công nhanh hay chậm, cường độ tấn công mạnh hay yếu để nhằm xác định đâu là hành vi phạm tội Giết người và hành vi Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người là dấu hiệu quan trọng để nhằm phân biệt hai tội danh này, hữu dụng cả trong công tác điều tra và thẩm định.

– Xác định vị trí tác động: Để nhằm phân biệt hai loại tội phạm này trong thực tiễn cần căn cứ vào vị trí tấn công trên cơ thể, có thể xác định các vị trí như vùng đầu, vùng ngực, bụng…đây được xem là những vị trí trọng yếu trên cơ thể. Ngoài ra khi xác định các vị trí trọng yếu của cơ thể con người cần kết hợp với việc xác định các yếu tố khác như cường độ tấn công, mức độ tấn công, hung khí sử dụng….

Ví dụ: Anh Nguyễn Văn N rủ anh M đi uống rượu, sau khi say, cả hai có lời qua tiếng lại và xảy ra mâu thuẫn và xô xát. Trong lúc xô xát, anh N vớ được thanh sắt bên cạnh đập vào đầu anh M liên tục cho đến khi anh M chết hẳn. Khám nghiệm tử thi cho thấy anh M bị chấn thương sọ não, chảy máu não do bị đánh vào vùng đầu. Cơ quan xét xử nhận thấy hành vi của anh N có tính hung đồ, bạo lực, có chủ ý sử dụng hung khí nguy hiểm, tấn công vào vùng đầu, mà người bình thường nhận thức được tấn công vào vùng đầu có thể gây chết người, song anh N vẫn cố đánh. Do vậy anh N bị Tòa án kết tội danh Giết người.

– Xác định yếu tố lỗi: Lỗi của người thực hiện hành vi: Lỗi là thái độ tâm lý bên trong của người phạm đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra.

Trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người tất yếu xảy ra và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Biểu hiện ý thức này ra bên ngoài thường được biểu hiện bằng những hành vi như: chuẩn bị hung khí (phương tiện), điều tra theo dõi mọi hoạt động của người định giết, chuẩn bị những điều kiện, thủ đoạn để che giấu tội phạm…

Trước khi có hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội  chỉ nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra chứ không chắc chắn nhất định xảy ra vì người phạm tội  chưa tin vào hành vi của mình nhất định sẽ gây ra hậu quả chết người. Bản thân người phạm tội  cũng rất mong muốn cho hậu quả xảy ra, nhưng họ lại không tin một cách chắc chắn rằng hậu quả ắt xảy ra.

Trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của người khác, người phạm tội  cũng chỉ thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra tuy không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra, hậu quả xảy ra người phạm tội cũng chấp nhận.

– Điểm khác nhau cơ bản là trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác là người phạm tội chỉ mong muốn hoặc bỏ mặc cho hậu quả gây thương tích xảy ra. Còn trường hợp phạm tội giết người chưa đạt là người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra, hậu quả chết người không xảy ra là ngoài ý muốn của họ.