Phương pháp định giá TSTT

0
569

Hiện nay trên thế giới có rất nhiều phương pháp định giá TSTT khác nhau, tuy nhiên, không có một phương pháp nào là tối ưu cho mọi trường hợp. Do đó, tùy vào mục đích định giá, đặc điểm của từng loại TSTT trong những điều kiện thị trường khác nhau mà chúng ta lựa chọn phương pháp định giá cho phù hợp.

Nhìn chung hiện nay có ba phương pháp định giá chủ yếu, đó là:

       Phương pháp chi phí: Phương pháp này được tìm ra dựa trên nguyên tắc thay thế. Trong khi thực hiện phương pháp chi phí, chi phí của từng bước tạo ra tài sản phải được xác định, có sử dụng những lý thuyết và kiến thức được biết vào thời điểm định giá. Có hai phương pháp định giá dựa trên chi phí:

1, Phương pháp dựa trên chi phí quá khứ: Phương pháp này liên quan đến việc xác định và tổng hợp các chi phí quá khứ đã phát sinh trong quá trình xây dựng tài sản, tổng chi phí được coi như giá trị của tài sản đó. Hạn chế của phương pháp này đó là không nhận thấy được giá trị tiềm năng trong tương lai của các TSTT, dẫn đến việc tính toán giá trị tài sản thiếu sự chính xác.

2, Phương pháp dựa trên chi phí thay thế táo tạo: Phương pháp này liên quan đến việc xác định và tổng hợp các chi phí cần thiết để tái tạo lại tài sản mà nó có khả năng tạo ra các lợi ích kinh tế trong tương lai giống như tài sản đang được định giá.

Ví dụ: Khi tạo ra một cái bút (chủ thể được cấp bằng độc quyền sáng chế), cộng tất cả các chi phí để sản xuất ra chiếc bút chỉ có 200 đô la, nhưng khi đưa vào sản xuất hàng loạt trên thị trường có thể tạo nên hàng triệu đô la tiền lợi nhuận.

       Phương pháp thị trường: Là phương pháp dựa trên cơ sở phân tích mức giá của các TSTT tương tự với tài sản cần định giá đã giao dịch thành công hoặc đang mua, bán trên thị trường vào thời điểm định giá, hoặc gần với thời điểm định giá để ước tính giá trị thị trường của tài sản cần định giá. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, việc định giá TSTT còn rất mới mẻ, các doanh nghiệp còn rất nhiều bỡ ngỡ vì chưa có nhiều các giao dịch TSTT trên thị trường. Do đó, việc áp dụng phương pháp này gặp rất nhiều khó khăn.

       Phương pháp thu nhập: Phương pháp này dựa trên nguyên tắc cơ bản là giá trị của một TSTT sẽ được tính ra từ các lợi ích kinh tế mà tài sản đó mang lại trong tương lai. Phương pháp này tập trung vào việc đánh giá khả năng sinh lợi của TSTT. Hai cách tiếp cận thông thường nhất là vốn hóa thu nhập và phân tích dòng tiền chiết khấu. Đây là một phương pháp được đánh giá là đáng tin cậy trong định giá TSTT.

Trên thế giới hiện nay, phương pháp định giá theo cách tiếp cận thu nhập được xem là phương pháp tốt nhất để định giá. Theo phương pháp này, định giá là việc so sánh lợi ích kinh tế tương lai tích lũy từ việc khai thác patent có đầu tư thay thế điều chỉnh rủi ro .

Như vậy, qua lý thuyết về TSTT, định giá TSTT, cũng như các đặc điểm của TSTT, các phương pháp định giá TSTT, tác giả nhận thấy được tầm quan trọng của việc định giá TSTT đối với doanh nghiệp. Trong giai đoạn hiện nay, khi mà nhu cầu định giá TSTT nhằm mục đích góp vốn, thế chấp tài sản để vay ngân hàng… ngày càng tăng cao thì việc đưa ra các văn bản hướng dẫn việc định giá TSTT là hết sức cần thiết. Ở Việt Nam hiện nay, do thiếu các chế định, các văn bản hướng dẫn việc định giá TSTT nên việc định giá còn nhiều khó khăn, bất cập, nhiều loại TSTT đã không được định giá đúng giá trị thực của nó, làm giảm giá trị của doanh nghiệp.

Vì vậy, ở các chương tiếp theo, tác giả tập trung phân tích những bất cập của pháp luật Việt Nam về định giá TSTT, từ đó đưa ra được những đề xuất nhằm khắc phục tình trạng trên.