PVN sẽ bị xử lý ra sao?

0
517

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn về việc PVN đã báo cáo sai sự thật về kết quả thăm dò, về đánh giá trữ lượng, bỏ qua các cảnh báo rủi ro, làm mất mát một lượng vốn khổng lồ của nhà nước. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1. Không chỉ sai phạm về việc tuân thủ các quy trình, thủ tục đầu tư; ký hợp đồng khi chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép…, tiến trình thực hiện dự án còn cho thấy rằng, PVN đã báo cáo sai sự thật về kết quả thăm dò, về đánh giá trữ lượng, bỏ qua các cảnh báo rủi ro, làm mất mát một lượng vốn khổng lồ của nhà nước. Chưa kể nhiều chi phí khác, trên góc độ của luật pháp, theo anh ai chịu trách nhiệm về khoản thất thoát 532 triệu USD  (tương đương) hơn 11.000 tỉ đồng “tiền tươi thóc thật” này?

Trả lời: Theo quan điểm cá nhân của tôi, nếu PVN có những sai phạm như trên, rõ ràng lãnh đạo PVN và các bộ ban ngành liên quan tại thời điểm trình duyệt dự án đầu tư sẽ là người chịu trách nhiệm cho những thất thoát này.

Vấn đề là các cơ quan chức năng như thanh tra, ủy ban kiểm tra trung ương cần chỉ ra các sai phạm một cách cụ thể và từ đó sẽ quy trách nhiệm cho những cá nhân và tập thể liên quan.

Các cá nhân và tập thể liên quan cũng sẽ được giải trình với cơ quan chức năng về nguyên nhân gồm cả chủ quan và khách quan cho những quyết định đầu tư vào thời điểm đó.

Sau khi tổng hợp, cơ quan thanh tra có thể xem xét và xử lý trách nhiệm của các bên nếu có sai phạm.

2. Việc quản lý dòng vốn đầu tư của Nhà nước ra nước ngoài đang gặp phải những vấn đề gì?

Trả lời: Hiện tại, các quy định đầu tư ra nước ngoài đặc biệt là dung vốn nhà nước nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau như luật đầu tư.

Chưa có sự tách biệt giữa đầu tư tư nhân và đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước.

Việc kiểm tra, giám sát và tổng hợp hoạt động đầu tư ra nước ngoài nói chung và đầu tư của nhà nước chưa được coi trọng.

Kinh nghiệm và năng lực của những cán bộ và doanh nghiệp khi mang tiền nhà nước ra nước ngoài đầu tư còn nhiều hạn chế, khi chưa có những đánh giá toàn diện về quá trình đầu tư để trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Hiện nay, chưa có một báo cáo cụ thể là các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài bao nhiêu tiền, hiệu quả ra sao, dự án nào mất vốn, khả năng bảo toàn và đặc biệt là biện pháp xử lý thế nào đối với những khoản có nguy cơ mất vốn cao.

3. Với trường hợp của PVN, theo anh sẽ phải xử lý ra sao?

Trả lời: Việc đầu tư kinh doanh đặc biệt là ra nước ngoài thì khả năng thua lỗ và mất vốn là một thực tế khách quan của thị trường, đầu tư ngay cả trong lĩnh vực tư nhân vấn có được có mất.

Đối với trương hợp của PVN, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần đánh giá một cách khách quan trên nguyên tắc tôn trọng thị trường.

Nếu việc PVN mất vốn là do lý do khách quan, bất khả kháng và lý do thị trường, như là giá dầu giảm, có sai số lớn về sản lượng dự kiến và sản lượng thực tế thì có thể chấp nhận được.

Còn lý do mất vốn là do hành vi thiếu trách nhiệm, đánh giá chủ quan, không làm đúng các quy định thì rõ rang cần phải xử lý trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân liên quan trực tiếp tới việc mất vốn.

Đặc biệt là cần lập một tổ công tác nhằm khắc phục hậu quả, dung các biện pháp kinh tế, ngoại giao để có thể thu hồi phần nào đó vốn nhà nước.

4. Từ trường hợp của PVN, anh có khuyến cáo gì trong việc quản lý vốn đầu tư của Nhà nước ra nước ngoài?

Trả lời: Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế và pháp luật về quản lý vốn đầu tư ra nước ngoài khi sử dụng vốn nhà nước.

Có sự thanh tra và giám sát của cơ quan chức năng đối với khoán vốn đầu tư.

Đối với những dự án lớn, cần có sự tham gia của tư vấn nước ngoài và tiến hành thận trọng, có sự thẩm tra của các cơ quan chức năng, gắn trách nhiệm của những người phê duyệt dự án.