Quản lý các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam dưới góc độ pháp lý

0
47

Mời quý khách hàng theo dõi bài phỏng vấn Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty  Luật SBLAW với phóng viên Báo Công Thương về quản lý các cuộc thi sắc đẹp

Câu 1. Thưa ông, thời gian gần đây tại Việt Nam các cuộc thi sắc đẹp đua nhau nở rộ, tuy nhiên chất lượng lại khó kiểm soát, gây ra không ít các vụ lùm xùm. Từ góc độ pháp lý, xin ông cho biết công tác kiểm soát, quản lý về các tổ chức sắc đẹp đã chặt chẽ?

Trả lời:

Dưới góc độ pháp lý, công tác kiểm soát và quản lý các cuộc thi sắc đẹp đã được quy định trong một số văn bản pháp luật, cụ thể điều kiện tổ chức cuộc thi sắc đẹp được quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn như sau:

  1. a) Là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật; hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn; tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật;
  2. b) Phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế và phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật;
  3. c) Có văn bản chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Theo khoản 5 Điều 12 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, đối với hành vi tổ chức thi cuộc thi sắc đẹp mà không có văn bản chấp thuận sẽ bị phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với cá nhân vi phạm, và gấp 02 lần với tổ chức vi phạm. Đồng thời, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được khi tổ chức cuộc thi mà chưa được chấp thuận.

Tại Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn kiểm tra, theo dõi việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu; quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng các cuộc thi trên địa bàn; tăng cường công tác phối hợp quản lý đối với sự kiện có quy mô lớn, có yếu tố nước ngoài, liên quan đến công tác dân tộc, bình đẳng giới, trẻ em, được tổ chức nhiều vòng ở nhiều địa phương. Hiện nay, các cuộc thi vi phạm về điều kiện tổ chức cũng đã được cơ quan chức năng xử lý kịp thời, như cuộc thi Miss International Queen Vietnam 2023 vào tối ngày 08/04/2023, cuộc thi Miss Petite Vietnam 2023 vào tháng 3/2023 và Cuộc thi Miss Peace Vietnam 2022.

Quản lý các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam dưới góc độ pháp lý
Quản lý các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam dưới góc độ pháp lý

Câu 2. Hiện có không ít kết quả từ các cuộc thi hoa hậu bị tố thiếu minh bạch, xin ông cho biết, vấn đề này đã vi phạm các điều khoản ra sao? Đồng thời, mức độ xử lý như thế nào?

Trả lời:

Khi nói đến sự thiếu minh bạch kết quả trong các cuộc thi hoa hậu, chúng ta đang đề cập đến những hành vi cố ý can thiệp vào quá trình chấm điểm, đánh giá để đảm bảo một thí sinh cụ thể giành chiến thắng, bất kể kết quả đó có phản ánh đúng năng lực và sự thể hiện của các thí sinh khác hay không.

Việc gian lận kết quả sẽ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các thí sinh khác, theo quy định tại Điều 3 Nghị định 144/2020/NĐ-CP, một trong các quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn là xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Tại Khoản 6 Điều 12 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp, người mẫu có nội dung kích động bạo lực; ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại; sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động tổ chức thi người đẹp từ 6 tháng đến 12 tháng. Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp xét thấy hành vi vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu của tội phạm thì chủ thể vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Câu 3. Thời gian tới, để tránh biến tướng vì mục đích lợi nhuận, theo ông cơ quan chức năng nhất là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần phải siết chặt hoạt động tổ chức các cuộc thi hoa hậu ra sao?

Trả lời:

Hiện nay, các cuộc thi sắc đẹp không chỉ “bùng nổ” về số lượng mà còn gia tăng hàng loạt các vi phạm, nhất là việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp không phép. Để siết chặt hoạt động tổ chức các cuộc thi hoa hậu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần:

Thứ nhất, về quản lý chất lượng các cuộc thi sắc đẹp, Nhà nước cần cần quy định nghiêm hơn, cụ thể hơn về các đơn vị cấp phép biểu diễn; điều kiện; số lượng và chất lượng cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam. Cần thiết có thể thiết lập cơ sở dữ liệu nằm phục vụ công tác quản lý về hoạt động này.

Thứ hai, các chế tài nghiêm khắc hơn đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Theo quy định tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP thì mức phạt cho các hành vi vi phạm về việc thực hiện các cuộc thi sắp đẹp trái phép chưa đủ răn đe, dẫn đến một số đơn vị không ngại tổ chức không phép, chấp nhận sai phạm để thu lợi bất chính và nộp phạt sau.

Thứ ba, cần thẩm định chặt chẽ hồ sơ trước khi tham mưu chấp thuận hoặc không chấp thuận tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu. Vấn đề hậu kiểm cũng là một vấn đề đáng quan tâm với các cuộc thi sắc đẹp. Tăng cường kiểm tra, theo dõi sau khi cấp văn bản chấp thuận. Kiên quyết dừng cuộc thi người đẹp, người mẫu có dấu hiệu vi phạm, cũng như chỉ đạo việc thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi trong trường hợp có vi phạm pháp luật

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW 1
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLAW

Về bản thân người đạt giải, cần phải tăng chế tài như thế nào để xứng đáng với danh hiệu, không làm ảnh hưởng đến tiêu chuẩn sắc đẹp và giá trị đạo đức trong xã hội?

Trả lời:

Để đảm bảo những người đạt giải thưởng sắc đẹp thực sự xứng đáng với danh hiệu của họ và duy trì tiêu chuẩn sắc đẹp cùng giá trị đạo đức trong xã hội, cần tăng cường các chế tài sau: kiểm tra kỹ lưỡng hồ sơ ứng viên cả về lý lịch, hành vi và thành tích; thiết lập các tiêu chuẩn ứng xử rõ ràng và nghiêm ngặt; giám sát và đánh giá liên tục sau khi đạt giải; áp dụng chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các vi phạm, bao gồm tước bỏ danh hiệu và công khai thông tin; cung cấp giáo dục và đào tạo liên tục về đạo đức và trách nhiệm xã hội; và tạo kênh thông tin để cộng đồng phản hồi về hành vi của người đạt giải. Những biện pháp này không chỉ bảo vệ uy tín của các giải thưởng sắc đẹp mà còn góp phần nâng cao giá trị đạo đức và tiêu chuẩn sắc đẹp trong xã hội.

Tham khảo thêm >> Tư vấn pháp luật