Quản lý nhà ở xã hội: Nên thắt chặt từ tiền kiểm đến hậu kiểm

0
384

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty Luật SB Law đã có buổi phỏng vấn với Đài VOV về thực trạng trục lợi từ nhà ở xã hội tại Việt Nam hiện nay.

Câu hỏi 1: Thưa Luật sư, mặc dù đã có quy định rất chặt chẽ về đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội là người thu nhập thấp, nhưng hiện nay, nhiều hành vi nhận làm hồ sơ mua nhà ở xã hội công khai với số tiền chênh cả trăm triệu đồng và cam kết chắc chắn được mua, thay vì phải bốc thăm một cách rủi ro. Luật sư nhận định ra sao về những hành vi này?

Trả lời:

Chính sách Nhà ở xã hội được Nhà nước thực hiện nhằm tạo điều kiện cho những người nghèo, người có thu nhập thấp có thể mua nhà ở để ổn định song trong thời gian vừa qua, đã có rất nhiều đối tượng thực hiện các hành vi trục lợi khách nhau nhằm thu lợi bất chính trong đó hành vi nhận làm hồ sơ mua nhà ở xã hội công khai diễn ra hết sức tràn lan. Hầu hết những hành vi này đều được thực hiện dưới hình thức giao dịch ngầm, không công khai nhằm đối phó với các cơ quan chức năng.

Hành vi này trên thực tế đã vi phạm các quy định của Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ – CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Cụ thể, Khoản 4 Điều 19 Nghị định 100 đã quy định: “Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua; chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Ngoài ra, tại Khoản 5 Điều này cũng quy định nếu trong thời hạn chưa đủ 05 năm, thì bên mua hoặc thuê mua chỉ được bán lại cho Nhà nước hoặc bán lại cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội hoặc bán lại cho đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở.

Câu hỏi 2: Nếu những hành vi này thực hiện trót lọt trong thực tế, thì hậu quả sẽ là gì, thưa Luật sư?

Trả lời:

Nếu các hành vi này được thực hiện trot lọt, thành công thì những người chịu thiệt hại đầu tiên chính là những người có thu nhập thấp đang cần nhà ở. Việc các hành vi trục lợi diễn ra tràn lan dẫn đến nguồn cung về nhà ở xã hội không còn nhiều khiến những người có thu nhập thấp không thể tiếp cận được. Điều này kéo theo thực trạng là những người thu nhập thấp đã bất chấp những rủi ro có thể xảy ra để quyết định mua những căn hộ chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, bán lại…..

Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp những người mua nhà do không nắm vững được các quy định của pháp luật nên đã bị lừa, tổn thất lên đến hàng trăm triệu đồng. Khoản 6 Điều 62 Luật Nhà ở đã quy định: Mọi trường hợp cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội không đúng quy định của Luật này thì hợp đồng cho thuê, thuê mua, mua bán nhà ở không có giá trị pháp lý và bên thuê, thuê mua, mua phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội; trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở tổ chức cưỡng chế để thu hồi lại nhà ở đó”.

Câu hỏi 3: Theo Luật sư, tại sao những hành vi này vẫn tồn tại trong khi các cơ quan chức năng vẫn tuyên bố là thường xuyên thanh tra, hậu kiểm?

Trả lời:

Trên thực tế hiện nay việc xử lý các hành vi sai phạm chỉ dừng lại ở phạt tiền và thu hồi, chưa tạo được sức răn đe và không hiệu quả. Theo ý kiến của tôi thì công tác “phòng bệnh” vẫn hơn “chữa bệnh”; có nghĩa là thay vì chỉ chăm chăm đi xử lý các hành vi sai phạm thì chúng ta nên siết chặt ngay từ khâu quản lý ban đầu. Hiện nay việc xét duyệt, tiếp nhận hồ sơ của người mua nhà đều được giao cho Chủ đầu tư thực hiện và chủ đầu tư chỉ cần báo cáo lại bằng văn bản cho Sở Xây dựng biết và kiểm tra. Thiết nghĩ, việc quản lý về nhà ở xã hội của cơ quan nhà nước nên được bắt đầu thực hiện từ giai đoạn tiền kiểm cho đến hậu kiểm; có như vậy mới có thể giảm thiểu được thực trạng đang diễn ra hiện nay.

Câu hỏi 4: Ông có lời khuyên gì đối với những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội, tránh nguy cơ tiền mất, tật mang?

Trả lời:

Đối với những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội thì họ cần nên sáng suốt trong việc lựa chọn các dự án nhà ở hiện nay cũng như “tỉnh táo” hơn trước những lời mời mua nhà của những người môi giới trung gian. Ngoài ra, người dân cũng nên trang bị cho mình những kiến thức pháp lý cơ bản liên quan đến nhà ở xã hội để tránh gặp phải những rủi ro không đáng có.