Quản lý thuế theo phương pháp phân loại rủi ro.

0
503

Trong chương trình Thuế và cuộc sống, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trao đổi với phóng viên Phạm Hạnh, kênh VITV về việc quản lý thuế theo phương pháp phân loại rủi ro.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

PV: Hiện nay chúng ta đang quản lý theo phương pháp nào? Có mất nhiều thời gian cho cho doanh nghiệp (DN) và cơ quan thuế không khi mục tiêu đang đặt ra là cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian nộp thuế cho DN?

Luật sư trả lời:

Hiện nay chúng ta đang quản lý theo phương pháp tự khai, tư nộp thuế, cụ thể: các đối tượng nộp thuế tự giác căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh trong kỳ kê khai của doanh nghiệp hay hộ kinh doanh của mình và căn cứ vào những quy định của pháp luật để tự xác định nghĩa vụ thuế bằng việc tự kê khai và nộp thuế theo con số mà mình tự kê khai.

Cơ chế quản lý của nhà nước là hậu kiểm thông qua việc quyết toán thuế hoặc thanh tra thuế khi cần thiết.

Các chi cục thuế vẫn thực hiện việc theo dõi các doanh nghiệp thông qua các cán bộ thuế được phân công phụ trách một nhóm doanh nghiệp được phân chia theo địa bàn, nếu phát hiện có những sai sót thì sẽ nhắc nhở và yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh báo cáo thuế đã nộp và nộp thuế bổ sung (nếu có phát sinh tăng).

Theo thực tế ở doanh nghiệp của tôi cũng như từ việc tư vấn cho các doanh nghiệp khách hàng, tôi thấy cách thức tự kê khai, tự nộp thuế, và đặc biệt đến nay với chính sách và quy định kê khai thuế qua mạng, tức là nhân viên kế toán không phải xếp hàng để đi nộp tờ khai thuế hàng tháng là đã tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.

Cụ thể:

–         Về phía cơ quan thuế:

  • Không phải mất thời gian đi gửi thông báo thuế cho đối tượng nộp thuế.
  • Hàng tháng cán bộ quản lý thu thuế sẽ không mất thời gian để tính toán lại số thuế phải nộp của đối tượng nộp. Hiện nay nước ta có trên 100 nghìn doanh nghiệp và hơn 1,4 triệu hộ kinh doanh cá thể, nên cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế, mà theo đó các đối tượng nộp thuế đã tự tính đúng số thuế phải nộp sẽ tiết kiệm được thời gian cũng như công sức của cán bộ thuế.

–         Về phía đối tượng nộp thuế: đặc biệt với chế độ kê khai thuế qua mạng, và chuyển khoản tiền thuế qua ngân hàng, thì cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể thời gian và nhân công.

PV: DN có thể không có sai phạm, nhưng nếu cán bộ thuế không phát hiện ra lỗi thì bị coi như là không hoàn thành nhiệm vụ? Điều đó hiểu như vậy có đúng không?

luật sư Nguyễn Thanh Hà

Luật sư trả lời:

Tôi hiểu ý câu hỏi của bạn là có thể doanh nghiệp không có sai phạm nhưng nếu cán bộ thuế không bắt được lỗi của doanh nghiệp thì lại bị coi là không hoàn thành nhiệm vụ nên bằng cách này hay cách khác cán bộ thuế cứ bắt lỗi doanh nghiệp, có phải như vậy không?

Tôi cho rằng nếu DN đã làm đúng thì cán bộ thuế không thể bắt lỗi được dù bằng cách này hay cách khác.

Tuy nhiên cũng có trường hợp quy định chưa đủ rõ ràng khiến DN thực hiện theo ý hiểu của DN mà không đúng với ý của cơ quan quản lý thuế nên có thể bị cơ quan thuế coi đấy là sai phạm.

Với những trường hợp này, thông thường DN sẽ gửi văn bản yêu cầu Tổng Cục thuế hoặc Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể bằng văn bản để làm căn cứ làm việc rõ ràng với cán bộ thuế.

PV: Thế nào là quản lý theo phân loại rủi ro? Khái niệm?

Luật sư trả lời:

–         QLRR chính là công cụ then chốt giúp cơ quan Thuế kiểm soát rủi ro bằng việc áp dụng một cách có hệ thống các quy trình, biện pháp nhằm hướng các nguồn lực vào các lĩnh vực có nguy cơ ảnh hưởng đến các mục tiêu đề ra, qua đó hỗ trợ tối đa tính hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý.

–         QLRR tạo ra môi trường minh bạch trên nền tảng của tuân thủ pháp luật, giúp cho DN có điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế phát triển.

–         QLRR là một phần của hoạt động quản lý.

–         QLRR là quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học và có hệ thống nhằm nhận dạng, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất, mất mát, những ảnh hưởng bất lợi của rủi ro đồng thời tìm cách biến rủi ro thành những cơ hội thành công.

–         Các nội dung chính của QLRR: Nhân diện – phân tích – đo lường – kiểm soát – phòng ngừa rủi ro.

–         Việc QLRR, tùy thuộc vào các yếu tố: Quy mô tổ chức lớn hay nhỏ; Tiềm lực của tổ chức mạnh hay yếu; Môi trường của tổ chức hoạt động đơn giản hay phức tạp; Có nhiều rủi ro hay ít rủi ro để thực hiện cho phù hợp.

PV: Hiện nay bộ tài chính đang hương theo quản lý thuế theo phương pháp này, những ưu điểm của phương pháp này? Có những nước nào đã áp dụng và thành công ra sao?

Luật sư trả lời:

Quản lý thuế theo phương pháp rủi ro được Tổng cục Thuế triển khai thí điểm từ năm 2011. Đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện đã đạt được những kết quả bước đầu, những sai phạm đã được giảm bớt, góp phần tăng thu cho Ngân sách nhà nước.

Tôi cho rằng ưu điểm của phương pháp quản lý rủi ro này trong quản lý thuế được thể hiện ở chính kết quả thực hiện nó của ngành thuế trong hơn 3 năm qua.

Theo Thanh tra Tổng cục Thuế, việc thực hiện phương pháp quản lý rủi ro trong công tác thanh tra đến nay đã đạt được một số kết quả ban đầu như:

–         Giúp cơ quan thuế giám sát chặt chẽ, thường xuyên đối với Người nộp thuế;

–         Giảm sai phạm, góp phần răn đe doanh nghiệp sai phạm, tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Hệ thống tiêu chí quản lý rủi ro đã chỉ ra được các doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả và có rủi ro về thuế từ đó cơ quan thuế tập trung vào thanh tra, kiểm tra có trọng điểm, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra.

Các doanh nghiệp được lựa chọn thanh tra, kiểm tra đều phát sinh số thuế truy thu, truy hoàn, giảm lỗ bình quân trên một đơn vị tăng so với cùng kỳ năm trước, như vậy là tăng thu cho Ngân sách nhà nước.

Cũng theo Thanh tra Tổng cục Thuế, quản lý thuế theo phương pháp rủi ro còn giảm thiểu các thủ tục hành chính về thuế, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, tránh chồng chéo, gây phiền hà cho Người nộp thuế; đảm bảo tính công khai, minh bạch khách quan trong công tác quản lý thuế.

Một số nước tiên tiến trên thế giới mà tôi được biết đã triển khai áp dụng thành công phương pháp quản lý rủi ro trong quản lý thuế như Mỹ, Anh, Pháp.

PV: Những tiêu chí nào để vừa hiệu quả, tiết kiệm thời gian cho DN nghiêm túc nhưng không bỏ lọt những DN vi phạm?

Luật sư trả lời:

Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 về việc áp dụng cơ chế quản lý rủi ro, đồng thời nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế (NNT), tạo sự công bằng, minh bạch trong thực hiện chính sách pháp luật thuế, ngành Thuế đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro.

Bộ tiêu chí này được chia thành hai loại:

–         Tiêu chí động (21 tiêu chí)

–         và tiêu chí tĩnh (tiêu chí này do từng cục thuế áp dụng bổ sung để phù hợp với tình hình quản lý tại địa phương).

Đây là tiêu chuẩn, căn cứ để cơ quan thuế đánh giá mức độ rủi ro, đánh giá việc tuân thủ pháp luật thuế đối với NNT.

Bộ tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro được xây dựng trên cơ sở tổng hợp của nhiều nhóm tiêu chí khác nhau, như

–         nhóm tiêu chí xếp loại quy mô doanh nghiệp (tiêu chí doanh thu, tiêu chí tổng số thuế phát sinh…);

–         nhóm tiêu chí đánh giá về tuân thủ khai thuế, tính thuế (tiêu chí chậm nộp hồ sơ khai thuế so với thời hạn quy định);

–         nhóm tiêu chí đánh giá về tuân thủ nộp thuế (tiêu chí về tỷ lệ giữa tổng số tiền nợ thuế với tổng số thuế đã nộp; tiêu chí số lượng các khoản nợ…).

Theo lộ trình, ngành Thuế sẽ hướng tới xây dựng bộ tiêu chí cho từng nghiệp vụ quản lý thuế như: Đăng ký thuế, khai thuế, nợ thuế, hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra…

Trước mắt, ngành Thuế đang từng bước hoàn thiện bộ tiêu chí, thống nhất đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành để hướng tới việc xây dựng, lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Đến năm 2016 cơ sở dữ liệu này sẽ triển khai trong toàn ngành Thuế, từ cấp tổng cục đến cấp chi cục.

PV: DN vi phạm thì thanh tra thường xuyên, DN tuân thủ nghiêm thì có nên cho thêm ưu đãi?

Luật sư trả lời:

Tôi cho rằng để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế theo phương pháp quản lý rủi ro, thì cần phải có một hệ thống thang điểm thông báo công khai, minh bạch để NNT biết, nhằm mục đích giúp họ thực hiện tốt nhất trách nhiệm của mình.

Đây chính là biện pháp áp dụng quản lý thuế theo mức độ tín nhiệm về nộp thuế, trong đó quy định một hệ thống tính điểm.

Theo hệ thống này, cơ quan thuế sẽ công khai cho các tổ chức, cá nhân biết cách tính điểm của cơ quan thuế, với mong muốn để NNT tuân thủ tốt hơn pháp luật về thuế, nhằm xác định mức độ tín nhiệm đối với NNT của cơ quan thuế.

Sau khi NNT được đánh giá cao về mức độ tín nhiệm, thì cơ quan thuế cũng cần phải có những chính sách ưu đãi về chế độ quản lý thuế, giảm nhẹ các thủ tục quản lý hành chính.

Ví dụ như: Không bị kiểm tra, thanh tra trong năm thời hạn hiệu lực của năm chấm điểm, hoặc được xếp vào danh sách ưu tiên khi xét hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy trình đơn giản hóa, hoàn thuế trước – kiểm tra sau; được quảng bá lôgô, hình ảnh trên website ngành Thuế, các bài viết biểu dương… Điều này sẽ khuyến khích NNT thực hiện nghĩa vụ thuế cho nhà nước và đóng góp cho cộng đồng.

Còn đối với doanh nghiệp vi phạm thì không phải là thanh tra thường xuyên, mà tùy mức độ nặng nhẹ và thái độ cố ý hay vô ý của doanh nghiệp xem có đến mức phải bị thanh tra hay không thì mới thanh tra, chứ không phải cảm tính cứ muốn là thanh tra. Để thanh tra một doanh nghiệp, cơ quan thuế cũng phải tuân thủ đúng quy trình thanh tra.