Công ty luật SBLAW

Các vấn đề pháp lý liên quan đến việc Quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng

 

Hiện nay, quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng diễn ra phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, bất động sản. Nhiều chiêu trò như thổi phồng công dụng, sử dụng hình ảnh người nổi tiếng trái phép, tạo đánh giá giả, livestream quảng cáo trá hình. Tình trạng này gây thiệt hại cho người tiêu dùng và đặt ra thách thức lớn cho cơ quan quản lý. Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW trao đổi và trả lời phỏng vấn truyền thông liên quan đến chủ đề “Quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng” như sau:

Phóng viên: Xin Luật sư chia sẻ về pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về hành vi quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng? Các chế tài xử lý vi phạm gồm những gì?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: 

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hành vi quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng bị nghiêm cấm và có thể bị xử lý nghiêm khắc. Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định rõ ràng về các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi quảng cáo gây hiểu lầm hoặc không đúng sự thật về khả năng kinh doanh, chất lượng, công dụng, xuất xứ, giá cả của sản phẩm, dịch vụ.

Cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định số  38/2021/NĐ-CP, với mức phạt từ 60 triệu đến 80 triệu đồng đối với cá nhân và từ 120 triệu đến 160 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng các giấy phép liên quan, buộc tháo gỡ quảng cáo sai phạm và thực hiện cải chính thông tin.

Trong trường hợp hành vi quảng cáo sai sự thật gây thiệt hại, bên vi phạm phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Nếu đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự về tội Quảng cáo gian dối. Đặc biệt, nếu quảng cáo gian dối dẫn đến việc người tiêu dùng giao kết hợp đồng và thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng trở lên, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Lừa dối khách hàng theo Điều 198 Bộ luật Hình sự, với mức phạt cao nhất lên đến 5 năm tù.

Như vậy, pháp luật Việt Nam có những quy định chặt chẽ nhằm kiểm soát hành vi quảng cáo sai sự thật, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh.

 

Quang Linh Vlogs, hoa hậu Thùy Tiên và Hằng Du Mục quảng cáo sai sự thật về kẹo rau củ Kera.

Phóng viên: Vậy những người nổi tiếng (KOLs, KOCs, Influencers) có phải chịu trách nhiệm pháp lý khi quảng cáo sản phẩm sai sự thật không? Nếu có, mức xử phạt như thế nào? 

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: 

Theo quy định pháp luật hiện hành, những cá nhân như KOLs, KOCs, Influencers có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Việc xử lý có thể bao gồm xử phạt hành chính, bồi thường dân sự, thậm chí có thể bị xử lý hình sự trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Cơ sở pháp lý: 

  • Luật Quảng cáo năm 2012 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023  quy định việc cấm quảng cáo gây hiểu nhầm hoặc sai sự thật đối với người tiêu dùng.
  • Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật. Cụ thể, theo Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP:
  • Tổ chức vi phạm có thể bị phạt từ 60 triệu đến 80 triệu đồng.
  • Cá nhân vi phạm (bao gồm KOLs, KOCs, Influencers) bị phạt bằng 1/2 mức phạt của tổ chức, tức từ 30 đến 40 triệu đồng.
  • Nếu hành vi quảng cáo sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Khi một KOL, KOC hay Influencer quảng cáo sản phẩm với thông tin không đúng sự thật, họ đã vi phạm các quy định của pháp luật về quảng cáo và bảo vệ người tiêu dùng. Việc đưa ra thông tin sai lệch có thể gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, dẫn đến thiệt hại về kinh tế cũng như ảnh hưởng đến uy tín của thị trường.

Trong trường hợp này, nếu cơ quan chức năng xác định hành vi vi phạm, họ sẽ áp dụng hình phạt hành chính theo quy định của Điều 34 Nghị định số  38/2021/NĐ-CP: Đối với cá nhân, mức xử phạt từ 30 đến 40 triệu đồng. 

Nếu hành vi sai sự thật gây ra hậu quả nghiêm trọng, các cá nhân này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015.

Như vậy, KOLs, KOCs, Influencers khi quảng cáo sản phẩm cần hết sức cẩn trọng để tránh vi phạm pháp luật. Để bảo vệ bản thân và quyền lợi người tiêu dùng, bất kể một KOLS, KOCs nào cũng cần phải kiểm tra kỹ lưỡng thông tin sản phẩm trước khi nhận quảng cáo, tuân thủ các quy định pháp luật về quảng cáo. Đồng thời, mỗi KOLs, KOCs cần tích cực hợp tác với các thương hiệu uy tín để tránh rủi ro. Trường hợp nếu phát hiện sản phẩm quảng cáo có vấn đề, KOLs, KOCs cần gỡ bỏ nội dung và đính chính thông tin kịp thời.

Phóng viên: Theo Luật sư, cần có những biện pháp gì để kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề quảng cáo sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội? Có cần thiết việc nâng cao chế tài xử phạt hơn không? 

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: 

Một số biện pháp có thể áp dụng để kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề quảng cáo sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội, ví dụ như:

Thứ nhất, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường giám sát và kiểm tra. Công tác này sẽ đạt được hiệu quả khi có sự phối hợp với các nền tảng mạng xã hội để giám sát nội dung quảng cáo, đặc biệt là những quảng cáo có dấu hiệu sai sự thật hoặc gây hiểu lầm.

Thứ hai, một hệ thống báo cáo và xử lý nhanh cần phải được xây dựng. Đây sẽ trở thành địa chỉ uy tín mà người dùng mạng xã hội được khuyến khích báo cáo các quảng cáo sai sự thật. Và khi được tiếp nhận thông tin về các quảng cáo sai sự thật thì cơ chế xử lý nhanh chóng và minh bạch cần phải được thúc đẩy.

Thứ ba, nhận thức của cộng đồng cần phải được nâng cao. Các chiến dịch tuyên truyền cần phải tích cực được tổ chức để người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi của mình và cách nhận biết quảng cáo sai sự thật. Và bản thân mỗi người dân cũng cần phải có sự chủ động, tích cực tham gia vào các chiến dịch tuyên truyền này.

Thứ tư, thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư cũng cần phải được áp dụng, đặc biệt là công nghệ AI. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhằm mục đích phát hiện và loại bỏ các quảng cáo vi phạm quy định.

Về việc nâng cao chế tài xử phạt, điều này là cần thiết để tăng tính răn đe.

Thứ nhất, để đảm bảo mức phạt đủ lớn để gây áp lực tài chính lên các tổ chức, cá nhân vi phạm thì việc nâng cao mức phạt tiền được xem là điều cần thiết.

Thứ hai, những hình phạt bổ sung cũng cần được xem xét, cân nhắc áp dụng như cá nhân thực hiện hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị cấm tham gia hoạt động quảng cáo hoặc phát sóng trên các nền tảng mạng xã hội trong một thời gian nhất định.

Thứ ba, đối với những hành vi quảng cáo sai sự thật, gây nguy hiểm cho xã hội thì sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Add comment

    Tư vấn pháp lý

    Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7


    0906.17.17.18
    Chat Zalo
    Whatsapp