Quy định mới nhất về điều kiện kết hôn

0
462

Câu hỏi:

Mình ở Hà Nội. Mình và bạn trai mình có dự định kết hôn vào cuối năm 2017. Nhưng gia đình hai bên ngăn cấm vì lý do là bà ngoại mình và cụ nội nhà bạn trai mình là hai chị em. Tức, ông nội bạn trai mình và mẹ mình là hai chị em. Xin hỏi: Mình và bạn trai mình có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật không?

Luật sư trả lời:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn, theo đó, nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

Một là, nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

Hai là, việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

Ba là, không bị mất năng lực hành vi dân sự;

Bốn là, việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn:

– Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

– Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

– Kết hôn giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

Như vậy, trong trường hợp này của bạn, trước hết bạn và bạn trai bạn phải đáp ứng được ba điều kiện để kết hôn là về độ tuổi, về năng lực hành vi dân sự và hai bạn phải tự nguyện kết hôn mà không bị ai ép buộc. Điều kiện cuối cùng là hai bạn kết hôn mà không thuộc điều cấm nào của pháp luật. Theo điểm c khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.”

Khoản 17 và Khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:

“Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.

Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba”.

Từ các quy định trên có thể nhận thấy:

Thứ nhất, bạn và bạn trai bạn không phải là những người có cùng dòng máu trực hệ.

Thứ hai, trong trường hợp của bạn, phạm vi ba đời có thể xác định như sau:

– Đời thứ nhất: ông bà cụ ngoại của bạn, là cha, mẹ sinh ra bà ngoại của bạn và cụ nội của ông bạn trai bạn.

– Đời thứ hai: bà ngoại của bạn và cụ nội của bạn trai bạn.

– Đời thứ ba: mẹ bạn và ông nội bạn trai bạn.

– Đời thứ tư: bạn và bố bạn trai bạn.

– Đời thứ năm: bạn trai bạn và con của bạn (giả sử bạn có con).

Như vậy, trường hợp giữa bạn và bạn trai bạn thì có thể kết hôn với nhau vì hai bạn không phải là những người có họ trong phạm vi ba đời.